Dù chỉ dừng ở top 5 trong vòng chung kết quốc tế cuộc thi “Global Taste Of Korea 2015”, vừa diễn ra tại Hàn Quốc dịp cuối tháng 8, nhưng nữ đầu bếp nghiệp dư Phan Ngọc Anh đã thật sự để lại ấn tượng sâu đậm, hay như cách gọi của cô là “đốn tim” các thành viên BGK của cuộc thi, đặc biệt là các thành viên của BGK cuộc thi tại Việt Nam (diễn ra vào tháng 6/2015), nơi mà cô đã xuất sắc giành giải nhất và được chọn là đại diện Việt Nam tại cuộc thi ở Hàn Quốc.“Global Taste Of Korea 2015” là cuộc thi ẩm thực uy tín thường niên tại Hàn Quốc, nhằm quảng bá văn hóa cũng như ẩm thực Hàn Quốc tới toàn thế giới, giúp các món ăn truyền thống của đất nước kim chi được đông đảo mọi người biết đến và yêu thích. Cuộc thi năm nay có sự tham gia của 16 thí sinh đến 15 quốc gia. Ban giám khảo gồm 3 đầu bếp tài năng từng viết sách nấu ăn, giảng dạy và giành nhiều giải thưởng ẩm thực lớn. Và người thắng cuộc là Giant Sato, bếp trưởng của một nhà hàng tại Hawaii (Mỹ) với phần thưởng trị giá 10.000USD.
Món cơm thố trộn sen nóng giúp Phan Ngọc Anh giành chiến thắng thuyết phục ở vòng chung kết tại Việt Nam. |
Với Phan Ngọc Anh, việc góp mặt tại vòng chung kết quốc tế của cuộc thi đã là một thành công “không tưởng tượng nổi”, bởi lẽ, đối thủ trong cuộc so tài của cô tại vòng chung kết Việt Nam gồm toàn những đầu bếp có tên tuổi, thậm chí có nhiều đầu bếp của khách sạn. Còn Phan Ngọc Anh, thường được biết đến với cái tên Phan Anh, dù đã rất nổi tiếng với tư cách là chủ của facebook chuyên dạy nấu ăn mang tên Esheep Kitchen, nhưng cũng chỉ có “danh” là food blogger và cũng không phải nổi tiếng vì những món ăn xứ kim chi, mà lại là những món ăn Âu nhiều hơn.
Thế nhưng với sự thông minh, sáng tạo vốn thuộc về bản tính của cô gái ham học hỏi, giỏi sẻ chia này; cộng với việc “biết” mang nét đẹp của văn hóa Việt Nam vào hòa quyện với văn hóa Việt Nam, cô đã xuất sắc vượt lên để giành giải nhất vòng chung kết tại Việt Nam.
Tại vòng thi này, các thí sinh phải chế biến một trong bốn món ăn tiêu biểu của Hàn Quốc: Bibimbap (cơm trộn), Japcae (miến xào), Bulgogi (thịt bò nướng) và Tteokbokki (bánh gạo cay). Phan Anh đã quyết định làm món cơm trộn thố nóng phiên bản “Việt Nam”. Chia sẻ về món ăn này, Phan Anh khẳng định: “Bí mật thành công của tôi là làm ra một món Hàn Quốc truyền thống đích thực, chuẩn mực với toàn bộ nguyên liệu và kỹ thuật chế biến truyền thống, nhưng dưới sáng tạo từ nguyên liệu đặc biệt, hình thái đặc biệt với cảm hứng từ sen - một nguyên liệu quý và gần gũi với cả ẩm thực Hàn và Việt. Nói ngắn gọn, tôi muốn làm một việc là phá vỡ khái niệm vẫn có trong ẩm thực Hàn: Một là truyền thống (traditional), hai là hiện đại biến tấu (fusion). Giờ thì tôi muốn chứng minh: Món ăn truyền thống không nhất thiết phải cứng nhắc không tiếp nhận biến tấu, còn món ăn hiện đại không cần thiết phải chối bỏ tính truyền thống, hoàn toàn có thể thăng hoa từ truyền thống”.
Khi nhận được đề bài, Phan Anh đã quyết định chọn món Bibimbap. Lý do bởi Bibimbap là món truyền thống phổ biến bậc nhất của ẩm thực Hàn; vừa dễ làm, vừa ngon và đẹp mắt, nhưng chứa trong nó là tinh hoa và triết lý của nền ẩm thực đất nước này. Nó là sự kết hợp hài hòa tính âm - dương và ngũ hành trong lương thực thực phẩm Á Đông, là sự tôn vinh "gạo" trong ngũ cốc - triết lý rất gần gũi với ẩm thực Việt. Món ăn này cũng là sự kết hợp hài hòa và thi vị giữa màu sắc và mùi vị của một món ăn.
Bibimbap vừa dễ lại vừa khó. Dễ ở điểm nhìn qua tưởng chừng ai cũng làm được. Khó ở điểm, bạn phải thực sự thấu - hiểu về ẩm thực Hàn, mới có thể làm ra một thố cơm trộn xuất sắc, dựa vào kỹ thuật chế biến các thực phẩm truyền thống một cách điêu luyện.
Phan Anh đã quyết định tuân thủ nghiêm khắc kỹ thuật truyền thống của người Hàn khi chế biến nguyên liệu cho Bibimbap. “Tuy vậy, tôi nghĩ rằng, nếu tôi thông hiểu và làm tốt tất cả các kỹ thuật trên, thì 9 người còn lại cũng có thể làm như vậy. Biết đâu đấy, vì họ đều là bếp trưởng, đầu bếp chuyên nghiệp và có người có tới 20 năm kinh nghiệm nấu món Hàn, cho người Hàn Quốc tại Việt Nam. Vì vậy, nếu tôi khát khao chiến thắng, bắt buộc tôi phải thật vượt trội, không ai theo kịp. Người Hàn cũng như người Việt, rất coi trọng nguyên liệu theo mùa, và giờ giữa mùa hè, chẳng phải sen chính là thứ nguyên liệu tuyệt vời nhất sao? Và thế là tôi đã lựa chọn sen làm vũ khí bí mật cho món này”, Phan Anh chia sẻ.
Trong vòng 4 ngày trước cuộc thi, Phan Anh đã liên tiếp thử nghiệm hàng chục thố cơm Bibimbap để tìm ra những nguyên liệu từ sen phù hợp và ngon nhất. Và thố cơm trộn của Phan Anh khi dự thi, đã được sáng tạo như một đóa sen rực rỡ. Trong đó, hạt sen được cô ninh nhừ, bóp trộn cùng cơm tạo nên độ bùi và ngọt cho cơm chín tới. Ngó sen đem kho tương cùng với cọng dương xỉ. Cùng là ngó sen, Phan Anh dành một phần trộn chua theo kỹ thuật làm gỏi của Việt Nam, trộn cùng giá đỗ. Nhị và gạo sen dùng để trang trí lòng đỏ trứng giữa thố để thố cơm giống hệt một đài sen. Khi ăn, nhị và gạo sen cũng tạo nên vị chát nhè nhẹ bổ sung vào "vị" còn thiếu trong ngũ vị "chua - cay - mặn - ngọt - đắng/chát" của thố cơm Bibimbap của Hàn. Và cuối cùng, toàn bộ cánh hoa sen trắng được đem lót dưới đĩa. Mục đích để thố đất nung nóng hổi bắc từ bếp xuống, khi đặt lên cánh hoa sẽ làm nóng cánh hoa và tỏa ra mùi thơm ngào ngạt, thanh khiết. Hương này bay đi, là lúc bắt đầu thưởng thức hương vị Bibimbap mà không ảnh hưởng gì đến mùi vị truyền thống.
Đó chính là thứ "vũ khí bí mật" khiên thố cơm trộn của Phan Anh hoàn toàn đặc biệt khác hẳn những thố cơm của các thí sinh còn lại. Đặc biệt, bên cạnh thố cơm nóng, cô còn làm thêm một phiên bản "âm" với cơm đã nguội đặt trên đĩa và các nguyên liệu còn lại mỗi thứ đặt trên một cánh hoa sen...