Thí điểm bao cấp đào tạo nhân lực để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực
Ông Vương Duy Biên, Phó Chủ tịch chuyên trách Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam cho rằng: Các lực lượng văn nghệ sĩ trước đây được đào tạo từ sơ cấp, trung cấp đến đại học và được Nhà nước bao cấp. Tại môi trường đào tạo đó, giai đoạn sơ cấp là giai đoạn phát hiện tài năng, trung cấp là bồi dưỡng tài năng và tại trường đại học là đào tạo tài năng. Cách đào tạo này đã đạt được kết quả cao.
"Tuy nhiên, ngày nay, cùng với chủ trương đổi mới giáo dục, đào tạo ngành văn hóa, không còn bậc học sơ cấp, trung cấp nên chúng ta không thể phát hiện tài năng. Đặc biệt, ngày nay các trường áp dụng cơ chế tự chủ, tăng cường thu hút sinh viên để tăng nguồn thu, vấn đề sàng lọc không hiệu quả. Thậm chí, khi nhập trường, hầu hết sinh viên đều tốt nghiệp. Bởi vậy, chất lượng đào tạo nguồn nhân lực văn hóa chưa đạt được kết quả như mong muốn", ông Vương Duy Biên nhấn mạnh.
Bởi vậy, ông đề xuất các cơ quan chức năng nên thực hiện thí điểm bao cấp giáo dục ở một số trường, trong đó, chú trọng sàng lọc kỹ nguồn nhân lực, chỉ giữ lại những người có đủ tài năng để đào tạo. Có như vậy thì đào tạo mới tập trung, không dàn trải. Sau quá trình triển khai, các đơn vị tập trung đánh giá hiệu quả làm căn cứ nhân rộng mô hình đào tạo này.
Có cơ chế chính sách đặc thù phát hiện, bồi dưỡng nhân tài
Chia sẻ về những vấn đề đặt ra với nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Công Tuấn và Tiến sĩ Nguyễn Thị Anh Quyên, Trường Đại học Văn hóa Hà Nội cho rằng, hiện nay, nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật vẫn còn phải đối diện với một số vấn đề cần giải quyết. Cụ thể, về chuyên môn, một số bộ phận nguồn nhân lực văn hóa nghệ thuật chưa đáp ứng được cả về số lượng và chất lượng; năng lực ngoại ngữ còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc giao lưu, hội nhập quốc tế; năng lực sáng tạo chưa thực sự theo kịp đổi mới sáng tạo với các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới.
Bởi vậy, đại biểu đề xuất cần hoàn thiện cơ chế chính sách, pháp luật phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật; tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho phát triển nguồn nhân lực ngành văn hóa, nghệ thuật. Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp trong đào tạo, bồi dưỡng, phát hiện tài năng văn hóa, nghệ thuật; xây dựng cơ chế đặc thù trong tuyển dụng, đãi ngộ, thu hút, tôn vinh, khen thưởng những cống hiến, đóng góp của các tập thể, cá nhân trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật...
Ngoài ra, nhà nước tăng cường đầu tư tài chính, cơ sở vật chất cho đào tạo và phát triển nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật; đầu tư cho các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, tạo môi trường hiện đại, đồng bộ đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, giảng dạy và học tập của giảng viên và sinh viên; đảm bảo tốt các điều kiện để thực hành nghề nghiệp, đổi mới sáng tạo. Các cơ sở đào tạo nâng cao chất lượng đào tạo và tái đào tạo nguồn nhân lực văn hóa, nghệ thuật; đồng thời đẩy mạnh giao lưu, hợp tác, trao đổi các nguồn lực…