Bộ trưởng đích thân vào cuộc, yêu cầu xử lý cuốn sách "Hiệp sĩ lưu ban"

Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Xuất bản, In và Phát hành khẩn trương báo cáo giải trình chi tiết, làm rõ lý do vì sao cuốn sách “Hiệp sĩ lưu ban” chưa có Quyết định phát hành nhưng nội dung đã được phổ biến và phát tán rộng rãi.

"Hiệp sĩ lưu ban" được phát tán khi còn chưa hoàn tất các thủ tục xuất bản.

Thông tin từ Bộ Thông tin & Truyền thông (TTTT): Thời gian qua, dư luận xôn xao về việc nội dung truyện "Hiệp sĩ lưu ban", do Nhà xuất bản Văn học xuất bản ấn hành, thuộc dòng sách light novel, gắn mác 18+, được phát tán rộng rãi, trong khi chưa nộp lưu chiểu.


Ngay sau khi nhận được phản ánh trên,  Cục Xuất bản, In và Phát hành đã có báo cáo Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn. Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cũng nhận được tâm thư của bạn Nguyễn Thị Hồng Liên - một Đoàn viên Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, phản ánh về sự việc nêu trên.


Qua kiểm tra bước đầu, cuốn sách “Hiệp sĩ lưu ban” do Nhà xuất bản Văn học xuất bản, chưa nộp lưu chiểu tại Cục Xuất bản, In và Phát hành (theo quy định tại Khoản 1, Điều 28 của Luật Xuất bản năm 2012 quy định: “Tất cả xuất bản phẩm phải nộp lưu chiểu cho cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản chậm nhất là 10 ngày trước khi phát hành”), đồng thời Nhà xuất bản Văn học cũng chưa ban hành Quyết định phát hành cuốn sách trên.


Theo đại diện Bộ TTTT:  Theo Khoản 1 điều 60 Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Nhà nước, xã hội chăm lo xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại”.


Tại Điều 253 Bộ Luật hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009, cũng quy định về Tội truyền bá văn hoá phẩm đồi trụy: “Người nào làm ra, sao chép, lưu hành, vận chuyển, mua bán, tàng trữ nhằm phổ biến sách, báo, tranh, ảnh, phim, nhạc hoặc những vật phẩm khác có tính chất đồi trụy, cũng như có hành vi khác truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”.


"Trước vấn đề trên, Bộ trưởng Trương Minh Tuấn yêu cầu Cục Xuất bản, In và Phát hành khẩn trương báo cáo giải trình chi tiết, làm rõ lý do vì sao cuốn sách “Hiệp sĩ lưu ban” chưa có Quyết định phát hành, nhưng nội dung đã được phổ biến và phát tán rộng rãi; Cục Xuất bản, In và Phát hành khẩn trương có phương án giải quyết dứt điểm, không để tình trạng này tiếp tục xảy ra", đại diện này cho biết.


Sự vào cuộc nhanh chóng của Bộ trưởng Trương Minh Tuấn cho thấy quyết tâm của ngành TTTT trong việc siết chặt lại công tac quản lý xuất bản, vốn còn nhiều tồn tại trong thời gian qua.


Đánh giá của Bộ TTTT: Năm 2016, ngành xuất bản vẫn gặp nhiều khó khăn. Thiếu cơ chế, quy định về quản lý xuất bản phẩm điện tử. Đa số các nhà xuất bản hoạt động kinh doanh cầm chừng, thậm chí thua lỗ, dẫn đến tình trạng bị đối tác liên kết chi phối, không kiểm soát được đối tác liên kết cũng như các quy trình liên kết xuất bản. Hoạt động in lậu vẫn chưa giảm. Tình trạng chiết khấu giá sách bị đẩy lên cao vẫn phổ biến, tạo cơ hội cho sách giả, sách lậu có điều kiện phát triển. Hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu xuất bản phẩm chưa có sự phát triển đột phá, kim ngạch xuất khẩu chưa cao, nhập siêu là chủ yếu. Sách Việt Nam ra thế giới vẫn còn chưa nhiều; số lượng sách, nhà sách Việt Nam tại các Hội sách thế giới còn ít.


PT
Tiếp tục "siết" hoạt động báo chí, xuất bản, internet
Tiếp tục "siết" hoạt động báo chí, xuất bản, internet

Chỉ thị về công tác Thông tin và Truyền thông năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Trương Minh Tuấn, vừa ban hành ngày 3/1/2017, đã nêu rõ những đường hướng hoạt động của Bộ trong năm có tính "bản lề trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016-2020" này.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN