Đúng dịp kỷ niệm 39 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2014), Nhà xuất bản Chính trị quốc gia - Sự thật đã ra mắt bạn đọc cuốn “Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” của nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh.
Cuốn sách dày gần 500 trang, gồm 19 chương như “Lễ giáng sinh cuối cùng”, “Sài Gòn nơm nớp đón Tết Ất Mão”, “Nước cờ định mệnh”, “Phút tắt thở của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn và chính thể Việt Nam Cộng hòa”… như một biên niên sử sống động về 4 tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam, đặc biệt là những giờ phút trưa 30/4/1975, khi quân ta tiến vào giải phóng Sài Gòn, Việt Nam cộng hòa (chính quyền Sài Gòn) chính thức sụp đổ; mà nhà báo, nhà văn Trần Mai Hạnh đã may mắn được chứng kiến và viết bài tường thuật.
Từng là phóng viên của TTXVN ở chiến trường miền Nam, đầu năm 1975, tác giả Trần Mai Hạnh được cử tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, với nhiệm vụ là đặc phái viên TTXVN, đi trong đoàn do đích thân Tổng Giám đốc TTXVN Đào Tùng dẫn đầu…
Theo chân các binh đoàn chủ lực, tác giả đã được chứng kiến giờ phút giải phóng của hầu hết các thành phố, thị xã, suốt từ Huế tới Sài Gòn và may mắn có mặt, chứng kiến những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập. Những tài liệu nguyên bản thu được, những trang ghi chép “nóng hổi” trong quá trình tham gia chiến dịch và trong những ngày tháng đầu Sài Gòn giải phóng, những tư liệu quý giá từ phía chính quyền Sài Gòn và quân đội Sài Gòn tác giả may mắn thu thập được hoặc may mắn được các cơ quan có thẩm quyền trong và ngoài quân đội cho phép tiếp xúc, khai thác… đã giúp tác giả có một nguồn “tư liệu” vô cùng phong phú và chính xác, để xây dựng nên cuốn sách của mình.
Đó là những lời khai cùng những bản tường trình về những diễn biến chi tiết trong quá trình diễn ra sự sụp đổ tại các tuyến phòng thủ, tại các địa bàn chiến lược và những ngày cuối cùng tại Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn của nhiều tướng lĩnh quân đội Sài Gòn ở cả bốn vùng chiến thuật, thuộc các quân binh chủng bị bắt tại trận hoặc sau ngày giải phóng ra trình diện chính quyền Cách mạng. Bên cạnh đó, là những tài liệu nguyên bản của phía bên kia gồm: Các thư từ, điện văn của Tổng thống Mỹ Ních xơn và G. Pho gửi Nguyễn Văn Thiệu và trả lời của Thiệu; biên bản một số cuộc họp "Hội đồng an ninh quốc gia" của Thiệu; văn bản đệ trình của Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, các báo cáo phân tích tình báo, điện chỉ huy tác chiến của Thiệu và Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn trong toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ; phúc trình của tướng lĩnh các quân đoàn, sư đoàn, các tướng lĩnh thuộc Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn nộp cho Nguyễn Văn Thiệu và Cao Văn Viên, Đại tướng, Tổng tham mưu trưởng quân lực Việt Nam Cộng hòa trình bày về diễn biến sụp đổ và trách nhiệm cá nhân sau khi thất thủ tại các mặt trận và để mất các tỉnh thuộc Quân khu I, Quân khu II và Quân khu III.
“Tôi cũng đã sử dụng trong tác phẩm lời tự thú qua hồi ký và trả lời phỏng vấn của nhiều nhân vật từng giữ các chức vụ chủ chốt trong bộ máy quân sự và dân sự của chính quyền Sài Gòn cùng các cố vấn gần gũi, thân cận nhất với Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, sau ngày giải phóng chạy ra sống ở nước ngoài; cuộc phỏng vấn do Viện nghiên cứu chiến lược RAND (Hoa Kỳ) thực hiện đối với 27 nhân vật từng là lãnh đạo chủ chốt của giới quân sự và dân sự chính quyền Sài Gòn sau giải phóng chạy ra sống ở nước ngoài, trong đó có Nguyễn Cao Kỳ cùng 14 viên tướng và các cố vấn của Nguyễn Văn Thiệu, Tổng thống, Trần Thiện Khiêm, Thủ tướng về tình hình nội bộ và những diễn biến chi tiết trong quá trình sụp đổ. Những tài liệu do Trung tâm lịch sử quân sự lục quân Hoa Kỳ tổ chức tổng kết, biên soạn, xuất bản phân tích về nguyên nhân cũng như những diễn biến chi tiết sự sụp đổ của quân đội Sài Gòn tại các mặt trận, các tuyến phòng thủ, các quân đoàn, sư đoàn”, tác giả Trần Mai Hạnh cho biết.
Và đặc biệt, một nguồn tư liệu vô cùng quý giá là các tài liệu tham khảo đặc biệt được lưu giữ tại Trung tâm Thông tin - Tư liệu Thông tấn xã Việt Nam về diễn biến trên chính trường Sài Gòn những ngày diễn ra sự sụp đổ, cùng tài liệu tác giả thu thập được trong quá trình tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Không phải “vô tình” mà tác giả chọn tên tác phẩm là "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” và đây cũng chính là cách để ông phản ánh sự thật trong tác phẩm của mình: Khách quan và trung thành với sự thật như một người viết biên bản. Có thể nói, trên cơ sở những tài liệu này, với một cái nhìn điềm tĩnh, khách quan, không thiên kiến, không chen bất cứ bình luận, nhận xét cá nhân nào của tác giả, với độ lùi 39 năm sau khi chiến tranh kết thúc, có thể nói "Biên bản chiến tranh 1-2-3-4.75” là bức phác thảo toàn cục và chi tiết về toàn bộ quá trình diễn ra sự sụp đổ cùng chân dung của hầu hết tướng lĩnh quân đội Sài Gòn và số phận những người cầm đầu chính thể Sài Gòn trong bốn tháng cuối cùng của chiến tranh: Tháng 1, 2, 3, 4/1975 (từ chiến thắng Phước Long - 1/1975 của Quân giải phóng tới những giờ phút lịch sử trưa 30/4/1975 tại Dinh Độc Lập). Nó cũng “lộ sáng” những sự thật lịch sử về một chính quyền bị xé rách cùng số phận bao gương mặt một thời trên sân khấu chính trị Sài Gòn trong một tương phản đầy quy mô giữa thắng và bại. Đồng thời, làm nổi bật chiến thắng vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của quân và dân ta, mà nổi bật và có ý nghĩa quyết định nhất là sự lãnh đạo sáng suốt và tài tình của Đảng ta.
Đoàn Quang