Bế mạc Trại sáng tác mỹ thuật đề tài 'Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng'

Sáng 18/5, tại Nhà sáng tác Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức bế mạc Trại sáng tác mỹ thuật với đề tài "Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng" năm 2022.

Đây là trại sáng tác thứ 2 trong khuôn khổ Cuộc vận động sáng tác mỹ thuật về đề tài "Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng giai đoạn 2021-2025", quy tụ 15 họa sĩ trong và ngoài Quân đội, đến từ 3 miền Bắc - Trung - Nam. 
    
Sau nửa tháng tham gia trại, các họa sĩ đã sáng tác 30 tác phẩm gồm tranh sơn dầu, acrylic, sơn mài... thể hiện nhiều ý tưởng trong sáng tạo hình tượng nghệ thuật, với hình thức ngôn ngữ biểu đạt phong phú, bám sát định hướng chủ đề, nội dung sáng tác đặt ra. Nhiều tác phẩm đã khắc họa hình ảnh người chiến sĩ hôm nay trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc gắn với học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ. Trong đó, các tác phẩm đã thể hiện góc nhìn mới như: "Chiến hạm" của họa sĩ Nguyễn Thị Tuyết, "Bảo dưỡng phao hàng hải" của họa sĩ Lê Duy Khanh, "Chiều trên hạm" của họa sĩ Nguyễn Thị Hải Nhung, "Lính đảo" của họa sĩ Hồ Minh Quân, "Miền biên thùy" của họa sĩ Nguyễn Văn Hoàn...

Các họa sĩ được Ban tổ chức trại bố trí tham quan, trải nghiệm thực tế tại Trường Sỹ quan Không quân (Quân chủng Phòng không - Không quân) đóng chân tại thành phố biển Nha Trang để có thêm chất liệu, sáng tác, thể hiện đời sống, công tác huấn luyện và tinh thần sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng phòng không - không quân. Có thể kể đến một số tác phẩm như: "Giảng đường trên mây" của họa sĩ Lưu Thành Quả, "Siêu thanh" của họa sĩ Trần Tuấn Long, "Lính thợ' của họa sĩ Bùi Anh Hùng, "Chiến công thầm lặng" của họa sĩ Lê Thị Thắm, "Bay cùng mặt trời" của họa sĩ Nguyễn Thị Dung, "Khát vọng bầu trời" của họa sĩ Ngô Đức Chung, "Huấn luyện" của họa sĩ trẻ Trần Lê Huy… Ngoài ra, một số họa sĩ đã tích cực khai thác chủ đề đấu tranh giải phóng dân tộc tiêu biểu như: "Mừng chiến thắng" của họa sĩ Bùi Văn Quang, "Đêm tháng Chạp - 1972" của họa sĩ Lưu Thành Quả, "Lòng dân" của họa sĩ Lê Huỳnh, "Huyền thoại mười một cô gái sông Hương" của họa sĩ Nguyễn Đình Dàng…  

Phát biểu bế mạc trại sáng tác, Thượng tá Lê Vũ Huy, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam - Trưởng ban Tổ chức Trại nhấn mạnh: Trại sáng tác mỹ thuật với đề tài "Lực lượng vũ trang - Chiến tranh cách mạng" đã trở thành mô hình sáng tạo, là nơi ươm mầm tài năng, phát triển ý tưởng cho giới họa sĩ trong lực lượng Quân đội nói riêng, họa sĩ cả nước nói chung, bao gồm nhiều thế hệ và của cả ba miền.

Theo Ban Tổ chức, các tác phẩm được sáng tác tại trại sẵn sàng tham dự các triển lãm mỹ thuật của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Mỹ thuật Việt Nam; tham gia xét giải thưởng Văn học nghệ thuật và Báo chí 5 năm (2021 - 2025) của Bộ Quốc phòng…

Tiên Minh (TTXVN)
Những công lao to lớn của Thái sư Lưu Cơ đối với lịch sử dân tộc
Những công lao to lớn của Thái sư Lưu Cơ đối với lịch sử dân tộc

Hướng tới kỷ niệm 1010 năm ngày mất của Thái sư Lưu Cơ (1013 - 2023),sáng 15/5, tại Hoàng Thành Thăng Long (Hà Nội), Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam phối hợp với Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long Hà Nội và Hội đồng Lưu tộc Việt Nam đồng tổ chức Hội thảo khoa học “Vai trò lịch sử của Thái sư Lưu Cơ”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN