Bảo Yến - giọng ca sâu lắng

Vào những thập niên 80 của thế kỷ trước, giọng ca sâu lắng thấm vào gan ruột của danh ca Bảo Yến như một tia sáng làm lu mờ những giọng ca trước đó, dù đã một thời lừng danh và để lại nhiều ấn tượng trong lòng khán giả. Khán giả thích nghe, mến mộ Bảo Yến, không phải vì chị có chất giọng “khàn đặc biệt”, hát như nói, ca từ nhả ra tròn vành rõ chữ, dễ thuộc dễ nhớ, mà còn hát thật một cách rất bản năng, không có sự pha trộn, đánh bóng. Những ca khúc “Hương thầm”, “Thư tình cuối mùa thu” “Thương một người ở xa” làm khán giả ngất ngây không bao giờ quên.

Những ca khúc một thời vang vọng

Bảo Yến thuộc lớp nghệ sĩ đầu tiên xuất hiện và nổi tiếng sau ngày giải phóng. Những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ 20, trào lưu ca nhạc lúc đó mang đậm dòng nhạc tiền chiến, sang dòng nhạc nhẹ, chứ chưa hề có nhạc trẻ híp-hop như hiện nay. Khi ấy đất nước đang chuyển mình từ nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp, sang nền kinh tế thị trường. Thực hiện chính sách của Đảng, đi xây dựng vùng kinh tế mới ở các tỉnh Đắk Lắk, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, hàng ngàn gia đình từ các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Quảng Trị, Ninh Bình, Thái Bình vào làm ăn sinh sống tại đây.

Từ phải qua: Ca sĩ Bảo Yến, hai con trai Bảo Châu - Khải Ca và em trai - nhạc sĩ Kim Tuấn.


Giữa bạt ngàn hoang sơ, cỏ dại, đồi trọc, đất đỏ Bazan, những người lao động được tiếp thêm sức mạnh, quyết tâm xóa đói, thoát nghèo khi nghe giọng ca của Bảo Yến. Những ca từ “Thương một người ở xa, một mình đôi mắt đỏ/ Con thuyền đi sóng vỗ/ sông nước sao đổi bờ/ Về nông trường Phú Đông/ Rừng Tổ quốc mênh mông/Sông rì rào ca hát tình yêu em dạt dào (Ca khúc “Thương một người ở xa” của nhạc sĩ Hoàng Phương), như có một sức mạnh thôi thúc từ đáy lòng người lao động, khiến họ cầm cuốc phá đồi trồng cao su, trồng cà phê trong niềm vui hân hoan nơi miền kinh tế mới.

Một bài hát không chỉ làm say đắm lòng người bởi những ca từ dung dị của nó, mà còn lột tả được tâm trạng mộc mạc, chân thật đến vô cùng của cô thiếu nữ quê nhà với chàng trai chuẩn bị vào chiến trận: “Khung cửa sổ hai nhà cuối phố, chẳng hiểu vì sao không khép bao giờ/ đôi bạn ngày xưa học chung một lớp/ cây bưởi sau nhà ngan ngát hương đưa/ bên ấy có người ngày mai ra trận/ bên ấy có người ngày mai đi xa” (Ca khúc Hương thầm). Cũng có thể nói, ngày đó, nhờ Bảo Yến hát Hương thầm với sức truyền cảm mà bao chàng thanh niên sẵn sàng ra tiền tuyến sau ngày đất nước giải phóng.

Nhạc sĩ Hoàng Lương (Hội nhạc sĩ Bà Rịa - Vũng Tàu) chia sẻ: “Tròn vành, rõ chữ, thân thiện, truyền cảm, đó là sự khác biệt của giọng ca Bảo Yến. Bảo Yến hát như đọc, nhưng vô cùng sâu lắng, xúc động. Phong cách biểu diễn của cô nhẹ nhàng, nhưng bốc lửa đầy nội lực. Điều căn bản là giọng ca và bản lĩnh. Cho đến bây giờ sau hơn 30 năm, khó có thể tìm lại một giọng ca nào đặc biệt như thế”.

Bản lĩnh làm nên sự khác biệt


Trong suốt thập niên 80, trước làn sóng “chuyển động” của thị trường âm nhạc, chọn cho mình một dòng nhạc để đứng vững là một thách thức lớn đối với các ca sĩ. Chạy theo thị trường để kiếm tiền rồi “sớm nở tối tàn” hay kiên trì tìm bản sắc riêng mới? một bài toán không dễ khi các ca sĩ trẻ thị trường xuất hiện ngày càng nhiều “như nấm mọc sau mưa” chiếm lĩnh thị trường âm nhạc, phục vụ cho đông đảo lớp trẻ.

Không ồn ào, náo nhiệt; không chạy đua theo thị hiếu âm nhạc “ăn xổi”, Bảo Yến bình tĩnh đi tìm cho mình một lối diễn riêng. Cùng với cô em gái Nhã Phương và các cộng sự, chị đã làm mới những bản nhạc nhẹ đã một thời vang bóng trở nên đầy cảm xúc, để rồi mỗi lần diễn chị rơi nước mắt, còn khán giả thì đi đâu cũng hát “thương một người ở xa, một mình đôi mắt đỏ”. Để không lạc hậu với dòng nhạc thị trường, Bảo Yến đã “nâng cấp” những bản nhạc quê hương, những bài dân ca gốc và cả dòng nhạc pop - rock, đặc biệt là những bản nhạc tiền chiến khi được cấp phép hát trở lại. Riêng những bài hát ngợi ca về miền Trung, xứ Huế, cô đặc biệt thành công và chinh phục được lượng khán giả đông đảo đỉnh cao hiếm có. Chia sẻ với khán giả, chị nói: “Khi dòng nhạc chuyển dịch, nếu không đủ bản sắc, mình sẽ là con rối của thị trường. Tôi luôn hướng tới một phong cách riêng, không hòa trộn”.

Giọng ca lừng lẫy một thời bất ngờ trở lại bằng liveshow riêng đầu tiên trong sự nghiệp vốn đã dài hơn 30 năm cùng nhiều thành tích khó ai vượt qua. Chị trở lại với khán giả sau thời gian dài vắng bóng. Trong đêm diễn tối ngày 6/12 tại nhà thi đấu Nguyễn Du, TP Hồ Chí Minh (trực tiếp trên kênh VTV9 và một số đài địa phương), ca sĩ Bảo Yến trình diễn lại những ca khúc tiêu biểu nhất của cô ở các dòng nhạc: Mưa trên phố Huế, Ở hai đầu nỗi nhớ, Chuyện hợp tan, Thư tình cuối mùa thu, Hoa sứ nhà nàng, Nửa hồn thương đau…, cùng một số bài chưa từng thu âm hay biểu diễn. Trừ em gái Nhã Phương vì sức khỏe không thể tham gia, chương trình có sự góp mặt những thành viên trong gia đình làm nghệ thuật của cô: nhạc sĩ Kim Tuấn (em trai) làm hòa âm; Khải Ca, Bảo Châu (con) song ca cùng mẹ. Chồng cô là nhạc sĩ Quốc Dũng cũng góp mặt.

Mai Thắng

10 giọng ca cải lương đoạt giải thưởng Trần Hữu Trang
10 giọng ca cải lương đoạt giải thưởng Trần Hữu Trang

Tối 27/4, tại Trung tâm Văn hóa tỉnh Bạc Liêu đã diễn ra lễ bế mạc và trao giải thưởng Trần Hữu Trang lần thứ 12 cho 10 thí sinh đoạt giải.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN