Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể tại Hà Nội

Không chỉ tự hào về hệ thống di sản văn hóa vật thể, Hà Nội còn được biết đến là nơi có kho tàng di sản văn hóa phi vật thể phong phú. Thế nhưng, với đặc trưng của loại hình di sản này gắn với chủ thể sáng tạo là cộng đồng thì sự vững bền, suy giảm, biến mất của di sản luôn phụ thuộc vào đời sống xã hội.

Với một xã hội có sự thay đổi nhanh như Hà Nội, sự tác động, làm thay đổi di sản văn hóa cũng liên tục diễn ra. Chính vì vậy, các nhà quản lý văn hóa Hà Nội đang khẩn trương tính đến việc bảo vệ sức sống của di sản văn hóa phi vật thể, trong đó nhiều di sản cần bảo vệ khẩn cấp.

Nhiều di sản quý có nguy cơ bị biến đổi


Theo thống kê chưa đầy đủ tại 12 quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội có 857 di sản văn hóa phi vật thể, gồm: Ngữ văn truyền khẩu, nghệ thuật trình diễn truyền thống, tập quán xã hội, lễ hội truyền thống, nghề thủ công truyền thống, tri thức dân gian. Trong đó, có tới 98 di sản cần ưu tiên bảo vệ và 6 di sản ưu tiên bảo vệ khẩn cấp.

Các di sản ưu tiên bảo vệ khẩn cấp gồm: Tiếng lóng ở làng Đa Chất, xã Đại Xuyên (huyện Phú Xuyên), hát trống quân ở xã Khánh Hà (huyện Thường Tín), hát tuồng cổ thôn Cốc Thượng, xã Hoàng Diệu (huyện Chương Mỹ), hát trống quân ở thôn Phúc Lâm, xã Phúc Tiến (huyện Phú Xuyên), trò vật lầu ở làng Thao Chính, thị trấn Phú Xuyên (huyện Phú Xuyên), nghề thêu ren ở xã Bình Minh (huyện Thanh Oai). Đây là các di sản văn hóa phi vật thể không được thực hành thường xuyên, những người nắm giữ di sản đang ở độ tuổi cao và không có đối tượng trao truyền. Trong khi đó, môi trường thay đổi không còn không gian và những điều kiện thực hành. Những di sản này nếu không được bảo vệ khẩn cấp chắc chắn sẽ bị mất đi.

Nghề thêu ren truyền thống. Ảnh: TTXVN


Ông Phạm Văn Năm, cán bộ phụ trách văn hóa xã Phúc Tiến, huyện Phú Xuyên cho biết: Hát trống quân là di sản văn hóa của địa phương có từ lâu đời nhưng đến nay loại hình này đang bị suy giảm. Toàn thôn Phúc Lâm chỉ còn rất ít người biết hát, khoảng 3 – 4 người ở độ tuổi trên 80 và 1 – 2 người ở tầm tuổi 60. Hiện nay, các cụ cũng cao tuổi, sức yếu nên ít hát, thỉnh thoảng ngồi vui mới hát cùng nhau; trong khi lớp trẻ không ai muốn tham gia. Huyện rất muốn mở lớp để các cụ trao truyền lại cho thế hệ trẻ nhưng khó khăn về nguồn kinh phí.

Tâm sự của ông Phạm Văn Năm cũng là tâm sự chung của rất nhiều người tâm huyết về di sản văn hóa phi vật thể, bởi đó là hệ quả của sự biến đổi cuộc sống ảnh hưởng đến các giá trị truyền thống. Xã hội phát triển, sự hiện đại hóa và môi trường sống của con người thay đổi dẫn đến việc di sản thay đổi và mai một rất nhanh. Nhất là di sản văn hóa phi vật thể là loại hình di sản rất dễ bị mai một. Nhìn lại chặng đường đã qua cho thấy, Hà Nội cũng đã từng mất nhiều di sản văn hóa phi vật thể vì sự đổi thay này.

Hỗ trợ các di sản ưu tiên bảo vệ khẩn cấp

Nhằm nhận diện số lượng, các loại hình, giá trị cũng như nguy cơ đe dọa sự tồn tại của di sản đồng thời đề xuất các biện pháp đảm bảo khả năng tồn tại của di sản văn hóa phi vật thể, bắt đầu từ năm 2014 – 2015, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội tiến hành tổng kiểm kê, bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn. Đây cũng là biện pháp để giúp di sản sống trong đời sống xã hội một cách tích cực và bền vững.


Về việc xây dựng các chương trình ưu tiên bảo vệ khẩn cấp các di sản văn hóa phi vật thể, bà Phạm Thị Lan Anh, Trưởng phòng Quản lý di sản, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội cho rằng: Cần có những dự án cụ thể, khẩn cấp để có thể nhanh chóng cứu các di sản này, tránh bị mai một hoàn toàn. Năm 2015 nên tập trung ưu tiên xây dựng làm thí điểm dự án bảo vệ khẩn cấp di sản hát trống quân. Sở dĩ lựa chọn di sản này do hiện nay hát trống quân không còn được trình diễn như một sinh hoạt văn hóa nữa. Hiện, chỉ còn các cụ cao tuổi nhớ các làn điệu, lời ca. Dự án này sẽ giúp cho việc ghi lại các lời ca, điệu hát trống quân cũng như xây dựng phương thức để bảo tồn một di sản mà không còn thích hợp với cuộc sống đương đại.

Một yếu tố quan trọng quyết định đến sức sống của di sản văn hóa phi vật thể, giúp di sản sống trong đời sống xã hội một cách tích cực và bền vững chính là cộng đồng. Chính vì vậy, nâng cao nhận thức cộng đồng chủ thể di sản được ngành văn hóa Hà Nội đặc biệt quan tâm. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội đã tính đến việc tuyên truyền thực trạng di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn thành phố đến nhân dân và các cơ quan đoàn thể, cách thức gìn giữ, trao truyền cho thế hệ trẻ. Đồng thời, Sở cũng xuất bản ấn phẩm về thực trạng di sản giúp công chúng cách nhận diện di sản và các biện pháp cần thiết để bảo vệ di sản. Song song với đó, ngành văn hóa Hà Nội tiếp tục thực hiện giải pháp khác nhằm giúp di sản văn hóa phi vật thể có sức sống trong đời sống xã hội đương đại.

Nhìn chung, công tác này còn gặp nhiều khó khăn bởi hàng ngày di sản văn hóa phi vật thể vẫn chịu tác động của sự biến đổi trong cuộc sống. Tuy nhiên, nếu có những giải pháp và hướng đi tích cực, các di sản này vẫn tồn tại bền vững, bởi cộng đồng không thiếu những người có tâm huyết với các giá trị truyền thống.


Đinh Thị Thuận (TTXVN)
Điệu xòe, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Điệu xòe, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Nghệ thuật xòe (the) của đồng bào Tày, xã Tà Chải đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN