Bảo tồn và phát huy giá trị của sử thi Êđê

Vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định công nhận sử thi Êđê (cùng với "Ot Ndrong” (sử thi) của người Mnông tỉnh Đắk Nông, "Hơmon” (sử thi của người Ba Na tỉnh Gia Lai), và "Hơmon” (sử thi của người Ba Na – Rơ Ngao tỉnh Kon Tum) là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là vinh dự nhưng cũng đặt ra những thách thức không nhỏ đối với tỉnh Đắk Lắk trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tinh thần vô giá này.

Giá trị văn hóa vô giá của người Êđê

Tây Nguyên là miền đất huyền thoại, là nơi cư trú của các dân tộc thiểu số: Êđê, Mnông, Gia Rai, Bana… Các dân tộc Tây Nguyên từ bao đời nay vốn giàu lòng yêu nước, kiên cường bất khuất trong đấu tranh chống ngoại xâm, kiến thiết đất nước, nhất là trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Dù trong điều kiện, hoàn cảnh nào, từng có lúc đói cơm nhạt muối, đồng bào Tây Nguyên vẫn trung thành với cách mạng, với Đảng, Bác Hồ. Tây Nguyên còn là vùng đất với những giá trị lịch sử, văn hóa tinh thần vô giá, vùng đất của những điệu cồng chiêng, của rượu cần, đàn Tơrưng… và đặc biệt là một “vùng sử thi”.

Theo giới nghiên cứu, lượng sử thi Tây Nguyên khá đậm đặc, chỉ riêng dân tộc Êđê đã có gần 80 sử thi, nổi bật là các sử thi như Đam San, Đăm Di, Khinh Dú, Đăm Đơ Roăn, Y Prao, Mhiêng, Đăm Di đi săn, Đăm Tiông, Đăm Trao – Đăm Rao… Người Êđê gọi sử thi là klei khan. Klei nghĩa là lời, bài; khan nghĩa là hát kể. Hát kể klei khan không phải là hát kể thông thường mà bao gồm ý nghĩa ngợi ca. Thực chất đây là một hình thức kể chuyện tổng hợp được thông qua hát kể. Hát kể sử thi là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian đã có từ lâu đời của cộng đồng người Ê đê, được tồn tại bằng hình thức truyền miệng từ đời này qua đời khác.

Ảnh minh họa - TTXVN


Nội dung cơ bản của sử thi Êđê chủ yếu ca ngợi, tôn vinh những người có công với cộng đồng buôn làng; đề cao sự sáng tạo, sự mưu trí tài giỏi, ca ngợi tinh thần đoàn kết, tương trợ lẫn nhau lúc khó khăn hoạn nạn, đề cao chính nghĩa, phản kháng những điều trái với đạo lý, luật tục; đề cao cái đẹp về sức mạnh hình thể lẫn sức mạnh tâm hồn. Sử thi còn ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình cảm gia đình, chế độ nô lệ sơ khai, mong muốn chinh phục thiên nhiên để cuộc sống tốt đẹp hơn. Ngoài ra, sử thi còn miêu tả cuộc sống sinh hoạt, lao động bình thường giản dị của buôn làng; thể hiện những nguyện vọng, ước mơ chính đáng của con người về một thế giới tốt đẹp hơn giữa người với người, giữa con người với thế giới tự nhiên và giữa con người với các đấng thần linh...

Nghệ nhân kể sử thi là một người đặc biệt. Người Ê đê gọi nghệ nhân hát kể sử thi là pô khan. Pô nghĩa là thầy, là chủ, là người thạo việc; khan là chuyện xưa. Những nghệ nhân này hầu hết không biết chữ, song họ có trí nhớ một cách kỳ lạ. Họ có thể nhớ nhiều sử thi, có người nhớ tới 9 - 10 tác phẩm và còn hơn thế nữa. Họ chính là những nhà tri thức dân gian, mặc dù không biết chữ vẫn có thể tập hợp cho mình một khối lượng khổng lồ những hiểu biết của dân tộc và của đồng bào mình. Họ là những nghệ nhân có giọng hát vang, khỏe, biết nhiều làn điệu của thể loại hát nói (lời nói vần - klei duê), để vận dụng cho phù hợp với các hoàn cảnh, các nhân vật trong tác phẩm, biết cách “diễn” bằng động tác, bằng nét mặt như diễn viên trên sân khấu.

Để diễn xướng được Sử thi, ngoài năng khiếu bẩm sinh, nghệ nhân còn được tiếp nhận theo kiểu cha truyền, con nối hoặc trong một gia đình có ông, bà là những người biết diễn xướng sử thi. Ngoài ra, họ còn có ý thức học hỏi những sử thi khác từ những nghệ nhân giỏi trong buôn, trong vùng. Trong quá trình diễn xướng, các nghệ nhân có thể sáng tạo thêm những đoạn, những chương cho phù hợp với dân tộc mình, địa phương mình, nhất là phù hợp với phong tục tập quán của cộng đồng mình. Bởi vậy, những nghệ nhân diễn xướng sử thi giỏi là một nhà tri thức, một nhà văn hóa, một nghệ sỹ đáng trân trọng.

Ngôn ngữ diễn xướng của sử thi Êđê là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lời và nhạc. Về phần lời, sử thi Ê đê đều thể hiện một hình thức ngôn ngữ đặc biệt là lời nói vần (klei duê). Trong khi diễn xướng người nghệ nhân còn vận dụng các làn điệu dân ca của dân tộc mình, như: Ay ray, kưưt, mmuin… để tạo nên nhịp điệu vừa có chất thơ vừa có chất nhạc. Trong hình thức ngôn ngữ đó, các câu chữ như một móc xích nối các câu vần với nhau. Chính đây cũng là một yếu tố quan trọng khiến nghệ nhân có thể thuộc được cả những tác phẩm dài hàng vạn câu.

Sử thi Ê đê được thể hiện bằng hình thức hát kể và kể lời. Nghệ nhân có thể dùng cả cử chỉ, vẻ mặt để diễn tả tính cách, hành động của nhân vật trong sử thi. Sự tài tình khéo léo của người kể, tạo nên sức lôi cuốn hấp dẫn đối với người nghe, đưa cả người kể lẫn người nghe hòa nhập vào cuộc sống ở thời đại của các nhân vật. Người kể đắm chìm, hóa thân vào cuộc đời của từng nhân vật, người nghe cũng hồi hộp dõi theo từng hành động, từng biến cố thăng trầm lẫn vinh quang hạnh phúc trong từng tuyến nhân vật. Các nhân vật sử thi không chỉ xuất hiện trong lời kể của nghệ nhân, mà dường như đang sống cùng cộng đồng, hòa cùng với không gian của núi rừng, buôn làng, có lúc tưởng chừng như đối thoại cùng người nghe. Chính vì vậy sử thi có sức lôi cuốn, hấp dẫn người nghe đến kỳ lạ, sử thi như một bức tranh sống động làm cho người nghe quên đi những nhọc nhằn của cuộc sống lao động thường ngày; đồng thời tiếp thêm nghị lực để họ vững tin vào tương lai, giúp con người tránh xa những điều tầm thường để vươn lên sống tốt đẹp hơn.

Sử thi thường được diễn xướng trước đám đông. Sự có mặt đông của công chúng càng làm cho nghệ nhân có thêm sự hứng khởi. Thông thường sử thi được hát kể tại các địa điểm: Trong chòi, ở trên rẫy, lễ bỏ mả và trong gian khách của ngôi nhà dài. Khi hát kể, nghệ nhân thường nằm, một tay gác lên trán, mắt như vô giác hoặc nhắm lại để tập trung trí nhớ nhằm thể hiện bài sử thi sao cho đầy đủ và sinh động nhất.

Khi nghe hát sử thi, người nghe thường ngồi theo trật tự sau: Đàn ông (ông già, trung niên) ngồi trên ghế kpan, nam thanh niên, trẻ nhỏ ngồi xung quanh người kể; còn đàn bà, con gái ngồi ở phần cuối phía trong của gian khách. Vào những đêm lạnh, bếp lửa ở gian khách được đốt lên cho ấm cúng. Nghệ nhân hát kể sử thi nào thường là do nhu cầu của người nghe. Khi nghe khan, người nghe có thể tự do ngắt lời người hát kể để nhờ giải thích những chỗ khó hiểu.

Sử thi là một cốt truyện dài được các nghệ nhân hát kể, kết nối các sự kiện trong sử thi một cách linh hoạt, sáng tạo và sinh động, tạo sự thống nhất về nội dung và có sức lôi cuốn người nghe, vì thế một sử thi có thể được hát kể nhiều ngày đêm mới kết thúc.

Bảo tồn và phát huy giá trị của sử thi Êđê

Người Êđê có câu ca: “ Thiếu tiếng chiêng, tiếng kư ưt, tiếng khan
Như cuộc sống thiếu cơm, thiếu muối...”

Điều này khẳng định rằng, Sử thi là giá trị văn hóa tinh thần vô giá của người Êđê. Nhưng, Sử thi Êđê đang đứng trước nguy cơ mai một. Theo ông Y Kô Niê, Phó phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk), nguyên nhân trước hết khiến sử thi đang bị mai một và có nguy cơ biến mất khỏi đời sống văn hóa của đồng bào Êđê là do sự thay đổi mạnh mẽ trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội.

Giờ đây, không gian trình diễn sử thi đã không còn như trước. Nhà dài của đồng bào đã được thay dần bằng nhà kiên cố bê tông cốt thép; chòi rẫy không còn vì phương thức canh tác đã thay đổi chuyển từ lúa rẫy sang trồng cây cà phê, cao su, hồ tiêu... Các nghi lễ, lễ hội như lễ bỏ mả, lễ cưới, lễ rước kpan, lễ mừng nhà mới… được đồng bào tổ chức đơn giản, thậm chí không làm, nên mất đi tính thiêng, tính hội của chúng.

Bên cạnh đó, nghệ nhân biết kể Khan còn lại không nhiều, đã lớn tuổi nên sắp về với ông bà, trong khi đó đội ngũ kế cận lại quá ít. Theo thống kê, năm 2003, tỉnh Đắk Lắk còn 64 nghệ nhân biết hát kể sử thi thì nay còn vỏn vẹn 6 người ở các huyện Cư M’gar, Krông Búk, Krông Pắk. Nhiều nghệ nhân tài giỏi thì đến nay đã không còn đủ sức khỏe để truyền dạy cho thế hệ trẻ. Ngoài ra, người nghe thì không có nhu cầu như trước đây nữa, nên các cuộc sinh hoạt văn hóa kể sử thi trong buôn hiện nay không còn. Lớp trẻ lớn lên chưa thực sự yêu thích hay nói đúng hơn là họ không mấy quan tâm đến nền văn hóa truyền thống của dân tộc mình, chỉ thích nhạc trẻ và các phương tiện truyền thông hiện đại khác như internet, phim, ảnh,…

Sử thi Êđê đang mai một và đứng trước nguy cơ biến mất trong đời sống ở các buôn làng Tây Nguyên. Những nghệ nhân còn nặng lòng với sử thi, cho rằng muốn bảo tồn di sản văn hóa quí báu này, tỉnh Đắk Lắk cần tổ chức và nhân rộng các lớp truyền dạy hát kể sử thi cho thế hệ trẻ; tạo môi trường để các nghệ nhân có điều kiện thể hiện khả năng diễn xướng sử thi. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương cần khẩn trương tiến hành các hoạt động điều tra, nghiên cứu, sưu tầm… nhằm bảo tồn loại hình hát kể sử thi.

Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đắk Lắk đã và đang thực hiện nhiều biện pháp để bảo tồn, phát huy giá trị của sử thi Êđê. Sở Văn hóa đã phối hợp với các Viện Nghiên cứu Văn hóa Dân gian Việt Nam, Viện Văn hóa Nghệ thuật thực hiện dự án điều tra, sưu tầm, bảo quản, biên dịch và xuất bản kho tàng sử thi Tây Nguyên; ghi hình, xuất bản những ấn phẩm sử thi bằng song ngữ Êđê - Việt. Phối hợp liên ngành giữa ngành văn hóa, thể thao và du lịch và ngành giáo dục - đào tạo để đưa lời nói vần vào chương trình giảng dạy tiếng Êđê tại các trường dân tộc nội trú, tiểu học. Hàng năm, cần đầu tư kinh phí để bảo tồn, phát huy loại hình hát kể sử thi ở các buôn làng; mở các lớp truyền dạy hát kể sử thi, đồng thời tuyển chọn học viên là những người có trí nhớ tốt, có khả năng cảm nhận đối với văn hóa sử thi để có thể tham gia truyền dạy về sau; tổ chức các đợt thăm hỏi, động viên nghệ nhân là các chủ thể về văn hóa có thể cùng tham gia duy trì giữ gìn di sản trong cộng đồng.


Anh Dũng (TTXVN)
Các nhạc cụ của người Ê Đê
Các nhạc cụ của người Ê Đê

Người Ê Đê (còn gọi là Rađê) có khoảng gần 35 vạn người, cư trú tập trung ở tỉnh Đắk Lắk, phía nam tỉnh Gia Lai, miền tây của hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN