Tham dự tọa đàm có Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam Yamada Takio, đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), các chuyên gia về bảo tồn văn hóa, di sản trong nước và quốc tế, các doanh nghiệp du lịch.
Đây là một trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 21 năm ngày Khu phố cổ Hội An được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 - 2020) và 3 năm Nghệ thuật Bài chòi Trung bộ Việt Nam được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (7/12/2017 - 2020).
Đặt vấn đề bảo tồn và phát huy du lịch di sản trong bối cảnh dịch COVID-19, cuộc tọa đàm đã thu hút được nhiều nghiên cứu, tham luận chuyên sâu của các chuyên gia về bảo tồn và phát huy giá trị của du lịch di sản. Các đại biểu đã chia sẻ kinh nghiệm về bảo tồn và du lịch tại làng cổ Đường Lâm (Hà Nội), làng cổ Đông Hòa Hiệp (Tiền Giang) để có thể áp dụng vào quá trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa Hội An.
Ông Mori Yoshinori - đại diện Văn phòng JICA tại Việt Nam thông tin về tình hình hợp tác và chính sách hỗ trợ của JICA trong bảo tồn văn hóa, phát triển du lịch tại Việt Nam nói chung và Hội An nói riêng thông qua các chương trình hợp tác nghiên cứu về lịch sử, khảo cổ, kiến trúc, tu bổ di tích, quảng bá, nâng cao năng lực đội ngũ chuyên môn cho cán bộ làm công tác quản lý bảo tồn di sản tại địa phương.
Các chuyên gia đến từ Nhật Bản còn giới thiệu kinh nghiệm của Nhật Bản trong việc phát huy, nâng tầm giá trị của du lịch di sản trong bối cảnh hậu COVID-19.
Chủ tịch UBND thành phố Hội An Nguyễn Văn Sơn chia sẻ: Với niên đại hàng trăm năm, Hội An được biết đến như một thương cảng lớn nhất miền Trung - Việt Nam vào thế kỷ thứ 17. Đến thời điểm hiện tại, Khu Phố cổ Hội An có tổng cộng 1.438 di tích, trong đó có 28 di tích lịch sử, 1.336 di tích kiến trúc nghệ thuật, 70 di tích khảo cổ và 8 danh thắng với nhiều loại hình gồm: nhà cổ, cầu, giếng, chợ, nhà thờ tộc họ, chùa, đình, hội quán.
Thông qua việc phát huy bền vững các giá trị di sản văn hoá trong phát triển du lịch, thời gian qua, nguồn thu từ vé tham quan đô thị cổ Hội An đã dành 70% cho tu bổ, đầu tư hạ tầng, chỉnh trang đô thị chung quanh phố cổ, hỗ trợ công tác nghiên cứu khoa học và tổ chức các lễ hội, quảng bá Di sản. Du lịch di sản đã trở thành sản phẩm đặc sắc của Hội An nói riêng và tỉnh Quảng Nam nói chung.
Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, khiến các hoạt động tham quan, du lịch tại đây chững lại. Hiện chỉ có hơn 150 di tích, nhà ở mở cửa phục vụ khách tham quan. Vì vậy, một vấn đề được quan tâm thảo luận là làm gì để thu hút du khách quay lại chiêm ngưỡng vẻ đẹp của Hội An sau đại dịch được khống chế và đẩy lùi để du lịch lấy lại vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Trong 9 tháng năm nay, tổng lượt khách tham quan Hội An chỉ đạt 841.000 lượt, doanh thu từ hoạt động du lịch đạt trên 772 tỷ đồng, giảm 80% so với cùng kỳ năm 2019. Các đại biểu dự tọa đàm cũng chia sẻ những vấn đề về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới trong điều kiện hiện tại cũng như việc huy động sự vào cuộc của doanh nghiệp và cộng đồng vào nỗ lực phục hồi kinh tế, khởi động kinh doanh dịch vụ du lịch di sản, du lịch văn hóa sau đại dịch COVID-19.