Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang Nguyễn Sĩ Cầm cho biết, 3 tỉnh miền núi Bắc Giang, Lạng Sơn, Thái Nguyên cùng với một số địa phương khác là địa bàn sinh sống chủ yếu của đồng bào dân tộc Tày, Nùng. Từ nhiều năm qua, đặc biệt sau khi Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then của người Tày, Nùng đã được các cấp chính quyền và nhân dân 3 tỉnh quan tâm, chú trọng thực hiện với nhiều giải pháp và hoạt động thiết thực. Hội thảo là dịp để đánh giá cụ thể, toàn diện về thực trạng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then trên địa bàn 3 tỉnh; trao đổi thông tin và kinh nghiệm trong bảo tồn và phát huy giá trị di sản Then tại các địa phương.
Tại hội thảo, đại diện Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Giang cho biết, công tác bảo tồn, phát huy di sản Then của người Tày, Nùng còn một số khó khăn, hạn chế: ngành Văn hóa chưa nghiên cứu, thống kê đầy đủ về các làn điệu trong thể loại hát Then; số lượng Then nghi lễ được thực hiện tư liệu hóa chưa nhiều; phần lớn thế hệ trẻ không biết hát Then (đặc biệt là làn điệu Then cổ). Cùng với đó, việc truyền dạy hát Then do các nghệ nhân, nghệ sĩ truyền dạy chủ yếu theo bản năng, kinh nghiệm, chưa có giáo trình, giáo án bài bản nên chất lượng giảng dạy hạn chế.
Theo Thạc sĩ Nguyễn Thủy Tiên, Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam), việc chia sẻ thông tin, video ngắn về di sản Then trên nền tảng Tiktok sẽ tăng khả năng tiếp cận lượng lớn người dùng toàn cầu một cách nhanh chóng, giúp di sản Then được quảng bá rộng rãi, thu hút sự quan tâm cả trong, ngoài nước.
Tỉnh Lạng Sơn hiện có khoảng 95 câu lạc bộ đàn và hát dân ca, nhóm sở thích tập trung vào hát Then và đàn Tính. Ông Hoàng Việt Bình, Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Lạng Sơn cho biết, một trong số kinh nghiệm duy trì hoạt động của các câu lạc bộ hát Then, đàn Tính trên địa bàn tỉnh đó là xây dựng nhiều mô hình hoạt động phù hợp và có hiệu quả. Từ đó tạo sân chơi bổ ích cho hội viên, tạo môi trường giao lưu sâu rộng như: mô hình giao lưu dân ca trong lễ hội truyền thống, trong ngày chợ phiên; mô hình đưa dân ca phục vụ khách tham quan du lịch ở các làng du lịch cộng đồng...
Để tiếp tục bảo tồn, phát huy giá trị di sản Then của người Tày, Nùng, nhiều đại biểu đề xuất cần đẩy mạnh công tác quảng bá về giá trị di sản thực hành Then tới đông đảo công chúng trong và ngoài nước. Các nhà nghiên cứu văn hóa, cán bộ chuyên môn cần tích cực, chủ động nghiên cứu, tìm hiểu sâu về các làn điệu Then, các hình thức sinh hoạt, thực hành di sản Then của người Tày, Nùng, từ đó đưa ra những nhận định chính xác, phù hợp về hướng bảo tồn, phát huy giá trị di sản trong thời gian tới. Ngành Văn hóa cần phối hợp với ngành Giáo dục đưa chương trình dạy hát Then vào giảng dạy trong trường học, đặc biệt là các vùng có đông đồng bào Tày, Nùng cư trú; tăng cường công tác xã hội hóa, cùng với nguồn kinh phí Nhà nước bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động trình diễn di sản Then tại các địa phương; thường xuyên tổ chức liên hoan hát Then, đàn Tính cấp tỉnh, huyện, xã để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng có dịp giao lưu, học hỏi. Ngoài ra, các tỉnh có thể định hướng đưa di sản Then trở thành một sản phẩm du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng, phục vụ nhu cầu thưởng thức của du khách trong và ngoài nước.