Báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di tích khảo cổ học Thác Hai, Đắk Lắk

Ngày 27/5, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị báo cáo sơ bộ kết quả khai quật Di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ 2 (năm 2021 - 2022).

 

Chú thích ảnh
Di vật khai quật được ở di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ 2.

Di tích khảo cổ học Thác Hai thuộc địa bàn thôn 6, xã Ia Jlơi, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk, được phát hiện vào đầu năm 2020 và khai quật lần thứ nhất vào tháng 3/2021. Kết quả khai quật đã thu được rất nhiều di tích, di vật, cho thấy Di tích khảo cổ học Thác Hai là một di chỉ cư trú - mộ táng - công xưởng rất quan trọng. Bên cạnh công cụ lao động như: rìu bôn đá, đồ gốm và các mộ táng, các nhà khảo cổ còn thu được hơn 1.000 mũi khoan bằng các loại đá, cùng hàng vạn mảnh tước nhỏ.

Nhận thức tầm quan trọng của Di tích khảo cổ học Thác Hai đối với việc nghiên cứu lịch sử Tây Nguyên nói riêng, Việt Nam nói chung, UBND tỉnh Đắk Lắk đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh tiếp tục phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quốc gia khai quật khẩn cấp di chỉ quan trọng này nhằm thu thập thêm các thông tin khoa học giá trị, kịp thời đưa lên khỏi lòng đất những di tích, di vật quý giá nhằm bảo quản, lưu giữ, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa thời đại Tiền - Sơ sử ở Tây Nguyên.

Chú thích ảnh
Đại biểu tham quan di vật khai quật được ở di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ 2. 

Từ tháng 11/2021 -tháng 5/2022, Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phối hợp Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk khai quật Di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ hai. Kết quả khai quật, các di tích xuất lộ trong hố khai quật gồm có mộ táng, cụm gốm, hố đất đen và nền đất cháy. Về mộ táng, phát hiện 16 mộ táng, phong tục mai táng khá thống nhất, một số mộ chôn theo công cụ đá như rìu, đục, bàn mài, bàn đập vải vỏ cây; có mộ chôn theo đồ tùy táng là 42 hạt chuỗi thủy tinh màu xanh.

Chú thích ảnh
Di vật khai quật được ở di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ 2. 

Di vật thu được ở di tích khảo cổ học Thác Hai gồm đồ đá, đồ gốm và đồ thủy tinh. Đồ đá là loại di vật chủ đạo ở Thác Hai, nhiều nhất là mũi khoan với 1.596 tiêu bản. Đáng chú ý, hầu hết mũi khoan đều chưa có dấu vết sử dụng. Đồ gốm di chỉ Thác Hai có các loại hình bình, nồi, chum, vò, bát bồng… với nhiều kích cỡ khác nhau. Đồ thủy tinh tìm được chủ yếu là loại hình hạt chuỗi với 1.244 hạt chuỗi thủy tinh… Qua tổng thể di tích và di vật cho thấy, Thác Hai là một di tích phức hợp, vừa có tính chất cư trú, vừa là khu mộ táng, vừa là một công xưởng chế tác mũi khoan đá quy mô lớn.

Chú thích ảnh
Ban tổ chức thông tin sơ bộ kết quả khai quật di tích khảo cổ học Thác Hai lần thứ 2 và đề xuất, kiến nghị liên quan. 

Tại hội nghị, các đại biểu đã đề xuất cần tiếp tục khai quật di chỉ Thác Hai càng sớm càng tốt, trên quy mô lớn, nhằm thu thập các di tích, di vật quý giá còn ẩn chứa trong lòng đất. Các sở, ngành hữu quan cần sớm lập đề án Quy hoạch khảo cổ học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk để quản lý hiệu quả các di sản văn hóa. Nhiều đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh hợp tác giữa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia với Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk theo chương trình nghiên cứu dài hạn, bài bản nhằm đưa các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh đến gần hơn với công chúng trong và ngoài nước.

Tin, ảnh: Hoài Thu (TTXVN)
Đề nghị Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới
Đề nghị Khu di tích khảo cổ Óc Eo - Ba Thê là Di sản văn hóa thế giới

Óc Eo là một nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng ở Nam Bộ, nền văn hóa gắn liền với lịch sử của Vương quốc Phù Nam, một bộ phận cấu thành lịch sử dân tộc Việt Nam.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN