Những
hiện vật, tài liệu đang được trưng bày tại huyện Trường Sa, tỉnh Khánh
Hòa, đã góp phần khẳng định vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng
của Tổ quốc. Bằng máu xương, công sức, mồ hôi và nước mắt, các thế hệ
người Việt đã bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, trong đó
có chủ quyền không thể tranh cãi đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường
Sa.
* Hoàng Sa, Trường Sa hiển nhiên là của Việt Nam
Phòng Truyền thống đảo Nam Yết đang trưng bày nhiều hiện vật, tài liệu
trong và ngoài nước khẳng định việc thực hiện chủ quyền của Việt Nam đối
với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình, liên tục qua
các thời kỳ.
Tại gian trưng bày “Nhà nước phong kiến
Việt Nam thực hiện chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa” có 4
tấm bản đồ cổ do người phương Tây vẽ. Đây được xem là một trong những
bằng chứng khách quan, khẳng định hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là
của Việt Nam. Một trong số đó là tấm bản đồ "An Nam đại quốc họa đồ" của
Giám mục Taberd, xuất bản năm 1838 ghi rất rõ: Quần đảo Hoàng Sa thuộc
nước An Nam; đồng thời thể hiện phần lãnh thổ của Trung Quốc không hề có
quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa.
Hàng loạt Châu bản
triều Nguyễn được trưng bày ở ngay phía cửa trước Phòng Truyền thống đảo
Nam Yết cũng nhắc đến việc thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa,
Trường Sa của Nhà nước phong kiến Việt Nam. Đơn cử như Châu bản triều
Nguyễn ngày 22 tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 14 (tức năm 1833), ghi: "Tâu
trình ông Phạm Văn Sênh đi thực hiện công vụ ở Hoàng Sa, khi trở về đã
kê khai sai số người đi thực hiện công vụ nên việc ban thưởng có số
thừa. Số tiền bạc thừa chưa lĩnh mà lại quá ít nên Nội các xin gia ân
cho miễn xét tội cho ông Sênh".
Ở một góc khác trong phòng này
là bản sao "Giấy chứng sinh" do đại diện phái đoàn nước An Nam làm ở đảo
Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa, ngày 28/8/1940, ghi thông tin: "Họ và
tên của em bé: Mai Kim Quy. Giới tính: Nữ. Ngày và nơi sinh:
07/12/1939, lúc 15 giờ tại đảo Hoàng Sa thuộc quần đảo Hoàng Sa. Là con
gái ông Mai Xuân Tập, nhân viên khí tượng và bà Nguyễn Thị Thắng, nội
trợ. Người làm chứng thứ nhất: Nguyễn Tăng Chuẩn, bác sĩ Đông Dương.
Người làm chứng thứ hai: Đỗ Đức Mai, Giám đốc Đài Phát thanh. Đại diện
phái đoàn ký tên “Chauvet".
Các cán bộ Phòng
Truyền thống đảo Nam Yết còn cho biết thêm, đợt khai quật năm 1993-1994,
1995 và 1999 ở Trường Sa do Viện Khảo cổ học Việt Nam tiến hành đã tìm
thấy nhiều di tích, di vật thời đại văn hóa Sa Huỳnh vốn ở vùng ven biển
miền Trung Việt Nam cách nay khoảng 2.000 năm và gốm, sứ, sành thời nhà
Trần, Lê, Nguyễn... Những cứ liệu này đã chứng minh, lịch sử dựng nước
và giữ nước của dân tộc Việt Nam đã trải qua bao thăng trầm nhưng việc
thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa luôn tiếp nối liên
tục và thống nhất.
* Những cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm
Trên
mỗi chuyến tàu ra thăm Trường Sa, ai cũng xúc động khi nghe điếu văn
đọc trong Lễ tưởng niệm các Anh hùng hy sinh ở quần đảo Trường Sa:
...“Cốt xương các anh đã kết liền với san hô và đá ngầm tạo nên cột mốc
chủ quyền linh thiêng, để thế trận giữ biển, đảo của Tổ quốc ngày càng
mạnh hơn, vững chắc hơn”. Lời điếu văn bi tráng này được cất lên từ vùng
biển đảo Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa, nơi có biết bao nhiêu người
con của dân tộc Việt Nam đã mãi mãi nằm lại trong lòng biển cả vì sự
nghiệp bảo vệ biển, đảo quê hương. Đó là tấm gương Thiếu úy Trần Văn
Phương, trước lúc hy sinh đã hiên ngang quấn lấy lá cờ Tổ quốc quanh
thân mình, động viên đồng đội: “Không được lùi bước, phải để cho máu
mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống Quân chủng Hải quân”. Hay sự
mưu trí của Thiếu tá Vũ Huy Lễ chỉ huy tàu HQ- 505 vừa chiến đấu, vừa
nhanh chóng lao lên bãi đá ngầm Cô Lin, để con tàu trở thành pháo đài và
cột mốc chủ quyền bất khả xâm phạm…
Sau khi thắp nén tâm hương
rồi đứng nghiêm mình giơ tay chào những đồng đội đã ngã xuống vì sự
nghiệp bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc, Đại tá Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch
UBND huyện Trường Sa, xúc động nói, chùa ở Trường Sa mới được trùng tu
lại để làm nơi thờ anh linh của tất cả những người đã hy sinh vì sự
nghiệp bảo vệ biên giới, hải đảo của Tổ quốc. Thế hệ hôm nay luôn luôn
nhớ về những người đã ngã xuống, để nâng cao trách nhiệm bảo vệ vững
chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Trong
tâm khảm của Đại đức Thích Pháp Đạt, trụ trì chùa Trường Sa Lớn, thì
chùa ở Trường Sa vừa là nơi đáp ứng nhu cầu tâm linh của người dân, vừa
như cột mốc khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này.
“Trong tâm thức, người Việt đi đâu cũng mang theo văn hóa, tín ngưỡng.
Có thể nói, chỗ nào có người Việt, ở đó có đình, chùa. Ở Trường Sa cũng
vậy, chùa đã có từ rất lâu bởi nó nằm trong tư tưởng của mỗi người Việt
Nam khi bước chân lên quần đảo này. Họ chính là những ngư dân, khi lên
đảo đã lập chùa để cầu bình an, vượt qua bão tố trong mỗi chuyến đi biển
xa. Ngày nay, chùa ở Trường Sa được trùng tu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu
tâm linh và gìn giữ cốt cách văn hóa của người Việt nơi đầu sóng ngọn
gió”, Đại đức Thích Pháp Đạt tâm sự.
Tiếp nối thế hệ đi trước,
chiến sĩ Trường Sa vẫn đang ngày đêm bảo vệ và tiếp tục khẳng định chủ
quyền biển, đảo của Tổ quốc trên từng viên gạch, cây xanh, cho đến các
công trình dân sinh, như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn: "Ngày trước
ta chỉ có đêm và rừng. Ngày nay ta có ngày, có trời có biển. Bờ biển ta
dài tươi đẹp. Ta phải biết giữ gìn lấy nó".
Nguyên Lý