Nhớ mãi hình ảnh người lính Trường Sa

Lần đầu đặt chân lên mảnh đất Trường Sa giữa muôn trùng sóng gió với nhà văn Trần Minh Hợp là chuyến đi công tác để lại rất nhiều cảm xúc và ấn tượng về thiên nhiên, con người trên đảo. Đặc biệt, những hình ảnh người lính, người quân y tại Trường Sa đã “hút” anh rất nhiều, để sau này anh đã cho ra đời nhiều tác phẩm xúc động về họ.

 

Nhà văn Trần Minh Hợp tâm sự: “Chúng tôi đến Trường Sa vào tháng 5/2012. Trong đoàn công tác, có khá nhiều văn nghệ sĩ và phóng viên báo chí của thành phố. Nhiệm vụ khi đó của chúng tôi là đến để trải nghiệm và sáng tác về Trường Sa, truyền hơi thở của Trường Sa vào đất liền. Hành trình ra Trường Sa là một hải trình đẹp và yên bình. Biển cả và trời cứ chạm vào nhau như một sự vĩ đại và trác tuyệt của thiên nhiên. Khi đó, tôi có cảm giác như đất nước mình cứ dài, rộng ra mãi...”.

 

Nhà văn Minh Hợp (ở giữa) chụp hình lưu niệm với lính đảo Trường Sa.


Có thể vì thế mà trong truyện ngắn “Ngồi ở rìa Đông” ra đời sau đó của nhà văn Minh Hợp, có đoạn miêu tả: “Trong ngôi nhà lính, ngó ra những hàng phong ba, bão táp đung nhành trước biển êm ả thấy nơi tiền tiêu của đất nước thật thanh bình. Gần nhà ăn tập thể, dưới giàn bầu nở hoa vàng, hai mẹ con chó, đàn gà, đàn vịt đi quanh giàn nước để kiếm cơm cháy vãi ra do người nhà bếp vừa chùi nồi, chuẩn bị cho bữa cơm đảo chiều, trông xa vắng như buổi chiều nông thôn đất liền, mùi cuộc sống cuộn chồng lên nét khắc nghiệt. Tôi vẫn giơ máy chụp ảnh, nhưng không xuất hiện mục đích minh họa cho bài phóng sự nào, chỉ đơn thuần là sự xúc động...”.

Nhà văn Trần Minh Hợp sinh năm 1988 ở Bình Thuận. Anh đã tốt nghiệp trường Đại học An ninh nhân dân. Vừa qua, anh đã có khá nhiều tác phẩm văn học đoạt giải như: Cô gái bán ô màu đỏ, Người buồn thuê, Bó oải hương từ Provence, Có gã trai đạp xe run lẩy bẩy…


“Tôi cũng xúc động, ám ảnh nhất hình ảnh của những người lính trẻ như mình, các anh ngày ngày vẫn đứng bồng súng gác trên rìa đảo. Dưới trăng, họ sáng và đẹp lạ thường, nhất là những đôi mắt xa xăm nhìn bất tận, vì cuộc đời hiện tại của họ là biển. Đó là những góc bình yên giữa những ào ào nơi biên cương đảo xa này”, Minh Hợp cho biết.


Không chỉ hình ảnh người lính đã “hút” lấy anh, mà hình ảnh những đôi giày bata của người lính cũng khiến anh xúc động khi vừa đặt chân lên nhà giàn. Những đôi bata này có lẽ được người lính nhà giàn sử dụng để chơi những trò chơi thể thao khá “hạn chế” hay tập thể thao tại chỗ.


“Lúc lên nhà giàn, tôi rất xúc động trước những đôi bata của người lính nhà giàn. Hình như họ mang vào để chạy bộ trong không gian nhỏ hẹp và giữa trùng khơi của nhà giàn. Bởi vậy mà những đôi bata của họ sạch sẽ như mới, không dấu đất bụi. Tôi nghĩ mục đích “gần” của chạy bộ trên nhà giàn là túa ít mồ hôi cho khỏe người, mục đích “xa” là cho đỡ nhớ đất liền. Vì khi chạy bộ, ai cũng nghĩ mình đang bước chân trên những con đường, có người ngược xuôi, hàng cây rụng lá và cả bụi bặm. Sự hòa trộn giữa vận động và cảm xúc luôn tiết ra những bài thuốc vô giá cho tinh thần, chữa nỗi cô đơn, nỗi buồn, và nỗi nhớ giữa trùng khơi xanh”, nhà văn Minh Hợp tâm sự.


Những hình ảnh người lính trên biển dường như đã “quấn” lấy tâm trí nhà văn trẻ, để khi trở lại đất liền, Minh Hợp đã cho ra đời nhiều tác phẩm văn học liên quan đến các người lính như: Ngồi ở rìa đông, Chạy bộ trên nhà giàn, Đêm cực Đông, Sơn ca đậu trên ngực người... khiến không ít độc giả xúc động, bồi hồi khi nghĩ về Trường Sa.


Không chỉ hình ảnh những người lính, những con người sinh sống và làm việc ở các đảo chìm, đảo nổi thuộc quần đảo Trường Sa cũng khiến Minh Hợp rất bất ngờ và khâm phục. “Đến với đảo Sinh Tồn Đông hôm đó, chúng tôi được chứng kiến một “sự kiện” của đảo. Đó là, bác sỹ quân y trên đảo vừa thực hiện xong một ca mổ cấp cứu hy hữu cho một ngư dận bị viêm ruột thừa. Tàu đánh cá của nhóm ngư dân Bình Sơn, Quảng Ngãi đang đánh cá giữa biển thì một anh ngư dân lên cơn đau dữ dội và sốt cao. Chỉ có đảo Sinh Tồn Đông là gần nhất nên tàu cá mở hết tốc lực chạy vào đảo cầu cứu và cuối cùng ca mổ cũng thành công. Tôi nghĩ, biển rộng thế, dài thế nếu không được cấp cứu kịp thời thì số phận của người ngư dân ấy sẽ ra sao”, Minh Hợp chia sẻ thêm.


Bài và ảnh: H.Tuyết-Đ.Phương

Năng lượng sạch ở Trường Sa
Năng lượng sạch ở Trường Sa

Đoàn chúng tôi đến đảo Trường Sa lớn lúc tờ mờ sáng một ngày tháng 4 năm 2012. Đây là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình ra thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ấn tượng đầu tiên là ánh điện bao quanh đảo giữa trùng khơi sau hành trình dài trên biển thật là xúc động.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN