Năng lượng sạch ở Trường Sa

Đoàn chúng tôi đến đảo Trường Sa lớn lúc tờ mờ sáng một ngày tháng 4 năm 2012. Đây là điểm dừng chân đầu tiên trong hành trình ra thăm các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Ấn tượng đầu tiên là ánh điện bao quanh đảo giữa trùng khơi sau hành trình dài trên biển thật là xúc động. Thượng tá Nguyễn Viết Thuân, Chủ tịch huyện đảo Trường Sa (lúc đó là Phó Chủ tịch huyện đảo Trường Sa) đi cùng đoàn chúng tôi, cho biết: Từ đầu năm 2011, các đảo thuộc quần đảo Trường Sa đã có điện thắp sáng suốt đêm để phục vụ cuộc sống cư dân trên đảo, cũng như việc tuần tra, canh gác.

 

Nguồn năng lượng sạch từ gió và mặt trời tại đảo Trường Sa Lớn.


Buổi tối, khi tổ chức giao lưu trên đảo, ánh điện chiếu sáng khắp sân khấu mà không cần chạy máy nổ. Tổ kỹ thuật của các chiến sĩ trên đảo cho biết, nguồn điện vào mùa hè khá “xông xênh” do nắng cả ngày nên tích được điện vào bình ắc quy để chiếu sáng.


Thượng tá Nguyễn Viết Thuân cho biết, nguồn năng lượng sạch ở Trường Sa là kết quả triển khai dự án hỗ trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam từ cuối năm 2010. Dự án có tên “Tổng thể năng lượng sạch và chiếu sáng quần đảo Trường Sa và nhà giàn DK” và đã đạt giải Năng lượng toàn cầu năm 2012. Dự án gồm 6 hạng mục: Hệ thống năng lượng sạch; nhà trạm nguồn; máng dẫn cáp điện ngầm; mạng điện; hệ thống đèn pha quan sát lắp đặt trên nhà giàn, đảo chìm và đảo nổi; hệ thống đèn LED chiếu sáng sân đường và tường kè. Tính đến hiện tại, dự án đã triển khai lắp đặt hơn 5.700 tấm pin năng lượng mặt trời, hơn 120 quạt gió, hơn 4.000 bình ắc quy, gần 1.000 bộ đèn LED sử dụng năng lượng mặt trời.

 

Điện được thắp sáng suốt đêm quanh đảo.


Ước tính, hệ thống đã cung cấp tổng năng lượng hơn 5.167 KWh/ngày, bảo đảm đủ phục vụ chiến đấu và sinh hoạt cho quân và dân Trường Sa 24/24 giờ. Đồng thời, dự án còn giúp tiết kiệm hơn 620 lít dầu diesel/ngày, giảm phát thải hơn 6 tấn CO2/ngày.


Đánh giá về hệ thống năng lượng sạch ở các quần đảo Trường Sa và nhà giàn, ông Trần Thanh Huyền (lúc đó là Phó Đô đốc, Chính ủy Hải quân) chia sẻ: “Trước đó, quân chủng hải quân cũng đã có những nghiên cứu về sử dụng năng lượng sạch từ mặt trời, gió, nhưng nguồn lực đầu tư hạn chế. Từ nguồn xã hội hóa, việc triển khai dự án rất nhanh, góp phần cải thiện đời sống sinh hoạt cho người dân và lính đảo”.


Cô giáo Bùi Thị Nhung, giáo viên trên đảo Trường Sa Lớn chia sẻ: Có điện nên dân đảo được dùng quạt, tủ lạnh, ti vi… từ đó cuộc sống tinh thần, thông tin được cập nhật thường xuyên hơn và chúng tôi cảm giác như sống gần với đất liền hơn.


Từ khi có nguồn năng lượng sạch, các đảo được thắp sáng thường xuyên cũng góp phần khẳng định chủ quyền giữa biển khơi.


Bài và ảnh: Xuân Minh

Bút ký Trường Sa
Bút ký Trường Sa

Có mặt cùng đoàn cán bộ của 5 tỉnh Tây Nguyên đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 đúng vào những ngày xảy ra sự việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD 981 trái phép trên thềm lục địa của Việt Nam chúng tôi càng được cảm nhận giá trị thiêng liêng của biển đảo.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN