Vì vậy, để phát huy những giá trị di sản này vừa phục vụ được lợi ích của cộng đồng, vừa góp phần mang lợi ích kinh tế cần có sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng.
Chú trọng bảo tồn
Theo ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh năm 2017, UBND TP Hồ Chí Minh đã có quyết định ban hành 100 danh mục các địa điểm để khảo sát lập hồ sơ bảo tồn, tùy theo mức độ di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia. Bắt đầu từ năm 2012 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố đã phối hợp với các quận, huyện và ban quản lý các di tích để rà soát và có kinh phí trùng tu di tích.
Bên cạnh đó, thành phố đã đầu tư hơn 300 tỉ đồng để sửa chữa các di tích xuống cấp, trong đó vận động 33 tỉ đồng để duy tu các cơ sở di tích của cá nhân và tư nhân quản lý. Một số di tích đã được thực hiện xong công tác tu bổ như: Chợ Bình Tây, đình Hanh Phú… và trong thời gian tới, thành phố tiếp tục khởi công tu bổ các di tích như: Di tích Giồng Cá Vồ, chùa Giác Viên (giai đoạn 2), đình Hưng Phú (quận 8)… Sở Văn hóa và Thể thao còn phối hợp cùng các quận, huyện rà soát các cơ sở xuống cấp và có nhu cầu sửa chữa với khoảng trên 40 di tích.
Ông Huỳnh Thanh Nhân, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh cho biết thêm, năm 2019 -2020, thành phố sẽ dành đầu tư công và đầu tư trung hạn đối với các bảo tàng và các di tích với số tiền khoảng 700 tỷ đồng. Ngoài ra, một trong những dự án trọng điểm của ngành văn hóa là xây dựng Bảo tàng TP Hồ Chí Minh (quận 9) cũng đang được Sở Văn hóa và Thể thao trình UBND thành phố và Thành ủy xem xét.
Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa trong hoạt động tu bổ di tích văn hóa lịch sử cũng được chú trọng thực hiện và đạt một số kết quả như: Dự án xây dựng tầng hầm và nâng tầng khố nhà tăng chùa Xá Lợi; tu bổ di tích Hội quán Ôn Lăng; Từ đường Phước Kiến; phục dựng chùa Hội Sơn…
Trong nỗ lực bảo tồn các di sản trên địa bàn, vừa qua, UBND quận 5 đã giới thiệu rộng rãi đến người dân 9.000 cuốn sách “Tự hào di sản văn hóa Quận 5” và 19 phim về di tích, có phụ đề tiếng Anh, Việt, Hoa. Cuốn sách “Tự hào di sản văn hóa Quận 5" giới thiệu các di tích văn hóa, lịch sử trên địa bàn, gắn liền với quá trình hình thành và phát triển hơn 300 năm của thành phố như: Di tích Nhà lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh nơi Bác Hồ dừng chân trước khi ra đi tìm đường cứu nước, Khu di tích trại giam Bệnh viện Chợ Quán – nơi đồng chí Trần Phú bị giam giữ và hy sinh, di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Hội quán Nghĩa An (Chùa Ông – ngôi chùa cổ nổi tiếng trên đất Gia Định xưa)…Hoạt động này không chỉ quảng bá, tôn vinh những giá trị của các di tích hiện có mà còn góp phần làm cho người dân hiểu hơn về những di sản văn hóa đang hiện diện trong đời sống hàng ngày của người dân.
Ông Phạm Quốc Huy, Chủ tịch UBND Quận 5 chia sẻ, thời gian qua, các di tích, di sản văn hóa trên địa bàn được nhiều du khách tìm đến, do vậy, quận đã quyết định đầu tư các ấn phẩm sách và phim, vừa góp phần quảng bá, giữ gìn các nét đẹp văn hóa, con người Quận 5; đồng thời, xây dựng và phát triển dịch vụ du lịch di sản văn hóa trên địa bàn quận; góp phần tạo thêm nhiều việc làm cho người dân.
Liên kết chặt chẽ
Nhằm phát huy những giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với một số trường đại học thực hiện kiểm kê tài nguyên du lịch. Theo đó, thành phố có tổng số 386 tài nguyên du lịch, trong đó có đến 97,9% tài nguyên du lịch được xếp vào tài nguyên du lịch văn hóa.
Từ nền tảng của việc kiểm kê, đánh giá và phân hạng tài nguyên du lịch, Sở Du lịch thành phố và đơn vị tư vấn đã hoàn thiện 16 hệ thống bản đồ tài nguyên du lịch trên địa bàn trên hê thống bản đồ GIS; phân bổ theo không gian lãnh thổ, quận, huyện, và chỉ dẫn các cụm điểm và tuyến du lịch. Đồng thời, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu thông minh các tài nguyên du lịch Thành phố. Song song đó, Sở Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao thành phố rà soát các địa điểm, chương trình nghệ thuật có thể khai thác phục vụ du lịch; tổ chức nhiều đợt khảo sát, kết nối doanh nghiệp lữ hành tại các điểm di sản trên địa bàn.
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, cần có sự liên kết giữa các nhà quản lý văn hóa, du lịch để bổ trợ và tăng thêm sự thu hút cho các di sản văn hóa trên địa bàn nhằm biến các di sản không còn là tài nguyên du lịch nữa mà là các điểm đến du lịch thật sự hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, thành phố cần nâng cấp, làm phong phú hơn cho các không gian văn hóa, tài liệu, di vật, hiện vật sưu tầm tạo thuận lợi cho du khách có thể vừa trải nghiệm, vừa cảm nhận được quá trình hình thành và phát triển của thành phố. Mặt khác, thành phố cần tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, du lịch, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của du khách.
Ở góc độ doanh nghiệp lữ hành, đại diện Công ty Cổ phần Du lịch Vietravel đề xuất giải pháp phát triển du lịch di sản, chú trọng đẩy mạnh, tăng cường công tác tuyên truyền, truyền thông quản lý. Bên cạnh đó, thành phố cần xác định rõ các giá trị các di tích, có hướng truyền thông cho nhiều người biết đến hơn. Đây cũng là một trong những lý do chính khiến du khách không biết đến sự tồn tại của những di tích, di sản văn hóa trên địa bàn
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho rằng, bảo tồn di sản văn hóa phải hướng tới mục tiêu phục vụ con người, phục vụ phát triển du lịch. Cần thay đổi quan điểm tiếp cận di sản không chỉ từ góc nhìn giá trị văn hóa phi vật thể và vật thể mà còn phải quan tâm tới khía cạnh kinh tế học trong di sản văn hóa. Vì vậy, chúng ta cần có thái độ ứng xử đúng mực và có giải pháp phù hợp để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phục vụ cho mục tiêu phát triển đất nước, trong đó có phát triển du lịch bền vững.