Theo Ban Tổ chức, năm 2021, có 55/63 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố gửi tác phẩm tham dự giải thưởng hàng năm của Liên hiệp các hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Tính đến ngày 24/12/2021, Ban Tổ chức đã nhận được 9 tác phẩm có giá trị xuất sắc của 9 Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương; nhận được 375 tác phẩm của các tác giả, nhóm tác giả thuộc 55 Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố gửi xét giải thưởng.
Các tác phẩm tham gia dự giải thuộc các thể loại thơ, văn xuôi, lý luận phê bình văn học, mỹ thuật, nhiếp ảnh, điện ảnh, âm nhạc, múa, văn nghệ dân gian, sân khấu.
Sau khi tham khảo ý kiến từ các Hội đồng giám khảo chuyên ngành, Thường trực Đoàn Chủ tịch đã ra quyết định trao Giải thưởng Văn học nghệ thuật Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật năm 2021 cho 72 tác phẩm, gồm 9 giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương, 1 giải thưởng xuất sắc về đề tài phòng chống COVID-19 và 62 giải thưởng cho tác phẩm của các tác giả là các hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố.
Cụ thể, 9 giải thưởng cho các tác phẩm xuất sắc của các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương gồm: Tập thơ “Xứ - Rung một ngọn cây” của tác giả Trần Lê Khánh (Hội Nhà văn Việt Nam); Ca khúc “Đẹp nhất bông sen”, nhạc và lời của nhạc sỹ Trương Quang Lục (Hội Nhạc sỹ Việt Nam); Tác phẩm kịch nói “Làng song sinh” của Nhà hát Kịch Hà Nội, đạo diễn - Nghệ sỹ Nhân dân Nguyễn Trung Hiếu, tác giả kịch bản – Nhà văn Xuân Đức (Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam); Phim tài liệu truyền hình “Thành trì cuối cùng”, đạo diễn Ngô Quang Thịnh, Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh (Hội Điện ảnh Việt Nam); Sách nghiên cứu “Người Dao Tiền ở Việt Nam” của tác giả Lý Hành Sơn (Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam); Tác phẩm ảnh nghệ thuật “Chốt kiểm soát bảo vệ biên giới phòng chống COVID-19” của tác giả Huỳnh Văn Truyền (Hội Nghệ sỹ Nhiếp ảnh Việt Nam); Tiểu thuyết “Rừng có tiếng người” của tác giả Đinh Công Diệp (Hội Văn học nghệ thuật các Dân tộc thiểu số Việt Nam); Tổ khúc múa “Ánh sáng tâm hồn”, chỉ đạo nghệ thuật - Nghệ sỹ Nhân dân Phạm Anh Phương, tác giả kịch bản và tổng đạo diễn - biên đạo múa Tuyết Minh (Hội Nghệ sỹ Múa Việt Nam); Công trình kiến trúc “Cầu vàng” của Kiến trúc sư Vũ Việt Anh - Kiến trúc sư Nguyễn Quang Hữu (Hội Kiến trúc sư Việt Nam).
Giải thưởng xuất sắc về đề tài phòng chống COVID-19 được trao cho tác phẩm “Niềm tin tất thắng” của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Vĩnh Phúc
Trong số 62 giải thưởng cho tác phẩm của các tác giả là hội viên Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, thành phố, 3 giải A gồm: Tác phẩm ảnh nghệ thuật “Vụ xuân trên núi” của tác giả Phạm Pa Ri (Hội Văn học nghệ thuật Yên Bái); Tác phẩm gốm mỹ thuật “Tuổi thơ 1” của tác giả Phạm Văn Hòa (Hội Văn học nghệ thuật Hà Nam); Tiểu thuyết “Nghiệp chướng” của tác giả Lưu Vĩ Lân (Hội Văn học nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh).
Ngoài ra, Ban Tổ chức còn trao 14 giải B, 16 giải C, 27 giải Khuyến khích và 2 giải dành cho Tác giả Trẻ. Các giải thưởng được trao thuộc nhiều chuyên ngành như: Văn học (26 tác phẩm), Mỹ thuật (11 tác phẩm), Âm nhạc (6 tác phẩm), Điện ảnh (2 tác phẩm), Kiến trúc (2 tác phẩm), Nhiếp ảnh (9 tác phẩm), Múa (2 tác phẩm), Văn nghệ dân gian (4 tác phẩm).
Phát biểu tại Lễ trao giải, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Hồng Quân, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Hội Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (tiền thân là Hội Văn nghệ Việt Nam) đã trải qua chặng đường dài 74 năm, gắn bó với đất nước anh hùng, đồng hành cùng các tầng lớp nhân dân trên những cột mốc lịch sử vẻ vang của dân tộc. Các chiến sỹ văn hóa văn nghệ trên cương vị chính trị, xã hội - nghề nghiệp của mình đã góp phần xứng đáng để “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi” - như lời Bác Hồ đã dạy tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất - 24/11/1946.
Kể từ Giải thưởng lần thứ nhất của Hội Văn nghệ Việt Nam (1952) trao tặng các tác phẩm văn nghệ tiêu biểu thuộc các thể loại: Truyện và ký sự; thơ; bài hát; kịch; văn học dịch và hội họa, đến nay Giải thưởng Văn nghệ Việt Nam đã tròn 70 năm. Một mốc son lịch sử, quan trọng đáng ghi nhớ và tự hào.
Giải thưởng Văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao tặng hàng năm là Giải thưởng tầm cỡ quốc gia, thu hút sự quan tâm, hưởng ứng của đông đảo văn nghệ sỹ. Năm 2021, tròn 35 năm thực hiện sự nghiệp đổi mới, trong bối cảnh quốc tế còn phức tạp, đất nước ta phải gồng mình lên chống đại dịch COVID-19, nhưng các văn nghệ sỹ thuộc các thế hệ trên mọi miền đất nước vẫn hăng hái, tâm huyết sáng tác những tác phẩm có chất lượng cao phục vụ công chúng, bạn đọc, vì nhân dân, cho hôm nay và mai sau, cho cả bạn bè quốc tế.
Với 72 tác phẩm có chất lượng cao của các tác giả, từ nhiều tỉnh, thành tham dự, Giải thưởng Văn học nghệ thuật của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2021 lần này là bó hoa xuân lộng lẫy sắc màu đón chào năm mới 2022, đánh dấu mốc son tròn 70 năm Giải thưởng lần thứ nhất Hội Văn nghệ Việt Nam (1952).
“Qua mỗi mùa giải thưởng, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam đã phấn đấu nâng cao chất lượng, coi trọng tính chuyên nghiệp, để giải thưởng trở thành danh giá và vinh dự của giới văn học nghệ thuật. Giải thưởng còn thể hiện khát vọng của văn nghệ sỹ góp phần xứng đáng cùng toàn dân tộc, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng con người mới Việt Nam - nguồn nội lực quan trọng nhất của sự phát triển đất nước, thực hiện thành công các mục tiêu phát triển đất nước, phát triển văn hóa, văn học nghệ thuật mà Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã đề ra”, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân khẳng định.