Sản phẩm cà phê Đắk Lắk nói chung và cà phê Buôn Ma Thuột nói riêng nổi tiếng lâu nay không những trong nước mà cả ở nước ngoài và đã xuất khẩu đến 60 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Trần Hiếu cho biết, hiện tỉnh đang xúc tiến việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý sản phẩm cà phê Buôn Ma Thuột ra nước ngoài, nhất là đối với các thị trường xuất khẩu trọng điểm như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU...
Theo các chuyên gia sở hữu trí tuệ, hiện nay, việc đăng ký nhãn hiệu ra nước ngoài khá đơn giản, với lệ vừa phải. Cụ thể, đăng ký nhãn hiệu cà phê Buôn Ma Thuột tại Hoa Kỳ chỉ cần nộp kinh phí khoảng 2.000 USD, gửi đơn đăng ký qua thư điện tử hoặc bằng giấy viết tay. Các quy trình, thủ tục, đơn đăng ký, đơn phản hồi đều được công khai tại Website của Cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO).
Còn đối với thị trường EU, theo nhãn hiệu quốc tế (WIPO) của Nghị định thư Madrid, doanh nghiệp, địa phương không cần đăng ký từng nước mà chỉ cần tham gia vào hệ thống WIPO là được chấp nhận bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá ở 70 quốc gia EU...
Ông Trần Hiếu cũng cho biết, sau khi thông tin về chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột bị một doanh nghiệp Trung Quốc đăng ký bảo hộ độc quyền tại nước này, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có các văn bản gửi các Bộ, ngành, tổ chức có liên quan để đề nghị hỗ trợ giải quyết. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk khẳng định, nếu chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột bị chiếm đoạt ở Trung Quốc thì UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ khởi kiện để đòi lại.
Cà phê Buôn Ma Thuột là thương hiệu lớn, tài sản của Việt Nam, liên quan đến nhiều yếu tố lịch sử, địa lý, kinh tế, xã hội tồn tại lâu đời không thể để mất. Từ năm 2005, UBND tỉnh Đắk Lắk đã cho phép xác lập hồ sơ bảo hộ tên gọi xuất xứ cà phê Buôn Ma Thuột (nay là chỉ dẫn địa lý) và được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chứng nhận đăng bạ số 0004, theo Quyết định số 806 ngày 14/10/2005, công nhận bảo hộ quốc gia chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đối với sản phẩm cà phê nhân Robusta. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột là tài sản quốc gia, UBND tỉnh Đắk Lắk là chủ sở hữu.
Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk có trên 191.000 ha cà phê, với sản lượng xuất khẩu mỗi năm khoảng 400.000 tấn cà phê nhân, chiếm gần 40% sản lượng cà phê nhân xuất khẩu của cả nước. Đây cũng là nguồn hàng nông sản xuất khẩu chính của Đắk Lắk.
Quang Huy