Sáng 16/6, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã nghe Bộ Y tế giải trình về xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh.
Nội soi có gây mê chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ở Bệnh viện đa khoa tư nhân Hồng Ngọc (Hà Nội). ảnh: Hữu Oai - TTXVN |
Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai cho biết, phiên giải trình của Bộ Y tế sẽ cung cấp thông tin về việc tổ chức xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh; nêu ra những khó khăn, thách thức trong quá trình xã hội hóa để từ đó tìm ra giải pháp hiệu quả thực hiện xã hội hóa trong công tác khám bệnh, chữa bệnh thời gian tới.
Bộ Y tế và các địa phương đã tập trung thực hiện chính sách xã hội hóa trên 3 nội dung chủ yếu là: Nhà nước tiếp tục quan tâm đầu tư, tăng ngân sách cho ngành y tế, đồng thời tạo cơ chế để các cơ sở y tế công lập huy động vốn ngoài ngân sách đầu tư nâng cấp cơ sở, trang thiết bị, hoạt động dịch vụ đáp ứng nhu cầu đa dạng của các tầng lớp nhân dân; huy động các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển các cơ sở y tế ngoài công lập; mỗi người dân đều có trách nhiệm trong việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe, thông qua việc tham gia bảo hiểm y tế hoặc chi trả chi phí khám, chữa bệnh theo quy định của pháp luật.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh của nhân dân ngày càng tăng và đa dạng, khoa học kỹ thuật về y tế phát triển mạnh, đòi hỏi nhu cầu đầu tư cho y tế ngày càng lớn. Do ngân sách có hạn, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản pháp quy nhằm huy động các nguồn vốn trong xã hội để đầu tư cho y tế. Kết quả đã tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền trong việc quan tâm đầu tư cho y tế. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã chú ý, quan tâm đến việc huy động các nguồn lực xã hội, ngoài ngân sách để đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, từng bước nâng cao số lượng cũng như chất lượng các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh...
Việc thực hiện xã hội hóa và tự chủ bệnh viện qua thời gian triển khai đã đạt được một số mặt tích cực. Việc xã hội hóa, liên doanh, liên kết đã góp phần làm thay đổi nhận thức của các đơn vị trong việc huy động vốn để có trang thiết bị phục vụ hoạt động chuyên môn, không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước. Các thiết bị xã hội hóa chủ yếu là thiết bị chẩn đoán, điều trị, kỹ thuật cao nên góp phần thúc đẩy các kỹ thuật y tế phát triển; nâng cao chất lượng chẩn đoán, điều trị... Tuy nhiên qua thực hiện, một số bệnh viện có xu hướng chỉ quan tâm đến khoa, phòng, lĩnh vực có thu hoặc tập trung kinh phí và nhân lực vốn đã hạn hẹp để phát triển khu dịch vụ theo yêu cầu; đầu tư trang thiết bị kỹ thuật cao chưa tương xứng với năng lực, trình độ chuyên môn, nhu cầu khám chữa bệnh, nhất là một số trang thiết bị chẩn đoán, kỹ thuật cao...
Bộ Y tế kiến nghị, Quốc hội, Chính phủ tiếp tục tăng ngân sách cho y tế, cả chi thường xuyên và chi đầu tư. Trong đó tăng ngân sách chi đầu tư phát triển cho y tế từ ngân sách và trái phiếu Chính phủ để xây dựng thêm cơ sở, bước đầu xây dựng cơ sở 2 của một số bệnh viện đầu ngành, kỹ thuật cao để tăng số giường bệnh ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đáp ứng nhu cầu của người dân. Tăng chi thường xuyên cho vùng miền núi, khó khăn; cho y tế cơ sở, y tế dự phòng, bảo đảm kinh phí để mua thẻ hoặc hỗ trợ một số đối tượng mua thẻ BHYT. Bộ Y tế đề nghị cho phép các cơ sở y tế công lập được tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hóa để vay vốn, huy động vốn, liên doanh, liên kết theo hướng: Khuyến khích và tạo cơ chế thuận lợi để các đơn vị vay vốn của Ngân hành Đầu tư phát triển Việt Nam hoặc các tổ chức tín dụng khác để đầu tư xây dựng bệnh viện, mua sắm trang thiết bị nhưng đề nghị có lãi suất ưu đãi hơn khu vực sản xuất, thời gian trả vốn vay được kéo dài khoảng 20 đến 30 năm; tiếp tục cho phép các cơ sở y tế được huy động vốn liên doanh, liên kết để đầu tư cơ sở, mua sắm trang thiết bị để hoạt động dịch vụ nhưng phải xây dựng đề án trình cấp có thẩm quyền thẩm định. Về giá dịch vụ y tế, Bộ đề nghị được thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ mà Bộ Y tế đã trình Chính phủ, đồng thời có lộ trình nâng mức đóng BHYT để bảo đảm cân đối quỹ BHYT và lộ trình thực hiện BHYT toàn dân. Đối với người bệnh không có thẻ BHYT, đề nghị được thu theo giá dịch vụ tính đầy đủ các yếu tố chi phí để giải quyết cơ bản việc tồn tại giữa giá dịch vụ xã hội hóa và do ngân sách bảo đảm, góp phần thúc đẩy người dân chưa tham gia BHYT phải tham gia BHYT...
Các đại biểu đánh giá xã hội hóa công tác khám, chữa bệnh là một chủ trương đúng đắn, nhờ đó đã tạo điều kiện cho các bệnh viện công huy động thêm nguồn lực để phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, từng bước đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong khi nền kinh tế còn nhiều khó khăn, kinh phí dành cho ngành y tế còn hạn hẹp. Các đại biểu đã đánh giá và nêu những đề xuất cụ thể đối với Bộ Y tế trong việc thực hiện xã hội hóa khám, chữa bệnh. Phó Chủ tịch Hội Kinh tế y tế Việt Nam Lý Ngọc Kính khẳng định, hệ thống các văn bản pháp quy liên quan đến xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh khá đầy đủ, tuy nhiên một số chính sách còn nhiều bất cập như giá dịch vụ y tế chậm thay đổi, chưa tính đúng, tính đủ trong khi đó bệnh viện phải tự trang trải lương tăng thêm cho cán bộ; tỷ lệ thuế phải nộp cao cho các dịch vụ y tế theo yêu cầu...
Đại biểu đã nêu ra những tồn tại, bất cập trong việc thực hiện xã hội hóa công tác khám bệnh, chữa bệnh là do chưa minh bạch tài chính, tài sản công và tư trong các hoạt động xã hội hóa của bệnh viện công nên dễ sai phạm trong quá trình quản lý tài chính, dễ xảy ra tiêu cực trong liên doanh, liên kết, trong đấu thầu thuốc... Phương thức chi trả dịch vụ y tế hiện nay trong cơ chế tự chủ tài chính và áp lực phải thu hồi vốn nhanh trong liên doanh, liên kết... sẽ dẫn đến tình trạng dễ lạm dụng xét nghiệm, lạm dụng thuốc, lạm dụng kỹ thuật cao gây thiệt hại cho người bệnh và mất cân đối Quỹ BHYT. Một số ít bệnh viện áp dụng biện pháp khoán thu cho các khoa sẽ làm tăng xu hướng lạm dụng, nhận bệnh nhân không đúng tuyến; tăng bệnh nhân điều trị nội trú không hợp lý... gây quá tải bệnh viện.
Từ thực trạng này, đại biểu đề xuất sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động xã hội hóa trong các bệnh viện công, đặc biệt chỉnh sửa những điều còn bất cập; tăng cường vai trò quản lý nhà nước của Bộ, Sở Y tế, Tài chính; tăng cường về số lượng, chất lượng của cán bộ quản lý nhà nước về y tế; thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về quản lý bệnh viện, pháp luật có liên quan cho cán bộ lao động, cán bộ quản lý của bệnh viện. Thời gian tới cần tăng cường xã hội hóa trong đào tạo nguồn nhân lực y tế để đáp ứng nhu cầu thiếu hụt nguồn nhân lực y tế hiện nay. Đại biểu cho rằng, nếu chỉ đơn thuần bằng giải pháp tăng phụ cấp ưu đãi, thu hút... cũng không khắc phục được tình trạng chuyển dịch cán bộ y tế, do vậy cần thay đổi việc cấp bằng bác sỹ phải phù hợp với mục tiêu đào tạo và chất lượng tuyển sinh đầu vào; sớm thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề theo khoản 2 điều 4 Luật Khám, chữa bệnh; có chế độ ưu tiên tuyển sinh và đãi ngộ thỏa đáng cho một số chuyên khoa đặc biệt đang nguy cơ thiếu hụt lớn...
PGS. TS Đặng Văn Thanh cho rằng, cần làm rõ và thống nhất nhận thức về chủ trương xã hội hóa y tế. Xã hội hóa không chỉ là việc thành lập nhiều cơ sở y tế ngoài công lập, không chỉ là việc tăng thu từ các dịch vụ khám, chữa bệnh mà cần quan tâm nhiều hơn tới thu hút nguồn lực xã hội, nguồn lực của nhân dân cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Bằng chủ trương và các chính sách khuyến khích, ưu đãi của Nhà nước để khuyến khích và tạo điều kiện để các thành phần kinh tế bỏ vốn, bỏ nguồn lực, trí tuệ vào dịch vụ y tế; tăng giá dịch vụ phải tương xứng với chất lượng dịch vụ...
Các ý kiến của các đại biểu đã góp phần hoàn thiện các cơ chế, chính sách, tạo điều kiện cho hệ thống khám, chữa bệnh phát triển đáp ứng mong đợi của người dân.
Quỳnh Hoa