Theo đó, ngoài được hưởng các chế độ thôi việc theo quy định của pháp luật hiện hành, công chức, viên chức và lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng còn được tỉnh hỗ trợ 1 lần với mức 500.000 đồng/1 tháng công tác, tương ứng 6 triệu đồng/năm công tác. Như vậy, người có thời gian lao động, công tác từ 20 - 25 năm khi thôi việc theo nguyện vọng có mức hỗ trợ 120 đến 150 triệu đồng.
Đến nay, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã hoàn thành Đề án tinh giản biên chế. Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Đề án 01 về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức các cơ quan đơn vị tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Bình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu tại buổi Thẩm tra Dự thảo Nghị quyết về việc hỗ trợ công chức, viên chức và lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng. Ảnh: baovinhphuc.com.vn |
Theo báo cáo của ngành chức năng tỉnh, ngoài các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện, Vĩnh Phúc còn có 890 đơn vị sự nghiệp công lập, ban quản lý dự án, quỹ; 1.493 tổ chức hội các cấp. Đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 28.548 biên chế. Trong đó, khối Đảng, đoàn thể 1.126 người; khối chính quyền 27.422 người.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức các cơ quan đảng, đoàn thể, chính quyền các cấp theo hướng tinh gọn. Nhiều nhiệm vụ được thực hiện đúng, vượt kế hoạch. Các cơ quan khối Đảng, đoàn thể ở cấp tỉnh đã sắp xếp giảm 7 phòng.
Các cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc cấp ủy cấp huyện đã sắp xếp giảm 7 đơn vị. 8 trên 9 huyện đã xây dựng Đề án bố trí Trưởng ban Dân vận kiêm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện. Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh giảm một chi cục (do sáp nhập Chi cục đề điều và phòng chống lụt bão vào Chi cục Thủy lợi) và giảm 27 phòng chuyên môn thuộc các sở, ngành...
Đến cuối tháng 6/2017, cấp tỉnh và cấp huyện ở Vĩnh Phúc đã giảm được 1.388 biên chế. Điều đáng quan tâm là số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố tại Vĩnh Phúc hiện có 18.700 người, dự kiến sau khi thực hiện các Đề án, Nghị quyết về tỉnh giản biên chế Vĩnh Phúc chỉ còn 8.073 người (giảm so với số người đang hoạt động hiện nay là 10.627 người).
Nghị quyết về hỗ trợ công chức, viên chức và lao động hợp đồng thôi việc theo nguyện vọng được đánh giá sẽ tạo ra sự công bằng, bình đẳng giữa cán bộ, công chức, viên chức khi có nhu cầu thôi việc tự nguyện. Qua đó, góp phần thực hiện hiệu quả Đề án 01 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy mà không làm ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đồng thời, giúp các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy và nhân sự hoặc do cơ cấu lại đội ngũ theo vị trí việc làm...