Vi phạm đê điều ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng

Tình trạng vi phạm đê điều ở Hà Nội ngày càng gia tăng cả về số vụ lẫn mức độ, trong khi việc xử lý lại thiếu kiên quyết, khiến nhiều vụ vi phạm có tính chất nghiêm trọng, phức tạp, thời gian xử lý kéo dài, gây bức xúc dư luận.

 

Xây nhà trái phép, kinh doanh, sản xuất gỗ, chất đống vật liệu xây dựng,... vi phạm hành lang an toàn đê.

 

Đáng chú ý là các vi phạm như: Tập kết đất, cát, vật liệu xây dựng khối lượng lớn trên các bờ bãi sông; xe chở đất đá, cát sỏi quá tải hoành hành ngày đêm trên các tuyến đê của thành phố, gây hư hỏng đê ở nhiều nơi…

 

Thực tế này khiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phải có văn bản trình Chính phủ để xin ý kiến chỉ đạo giải quyết. Rõ ràng, việc xử lý vi phạm nếu không mạnh tay, kiên quyết sẽ khó răn đe.

 

Thi nhau “xẻ thịt” đê điều


Theo Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội, chỉ tuyến đê sông Hồng dài khoảng 50 km từ quận Long Biên đến huyện Phú Xuyên, ước tính có đến hàng trăm vị trí bị các hộ dân sinh lấn chiếm hành lang bảo vệ an toàn đê làm nhà ở, nhà xưởng, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng. Thậm chí nhiều hộ dân ngang nhiên xẻ đê làm đường đi, xây dựng lò gạch, đổ đất, phế thải, lấn chiếm bãi sông, lòng sông, xây dựng công trình trái phép trong chỉ giới thoát lũ; khai thác cát trái phép…


Đặc biệt nghiêm trọng là hiện tượng các cơ sở khai thác, kinh doanh cát ở các khu vực bãi bồi ven sông Hồng làm ảnh hưởng không nhỏ đến dòng chảy. Chưa hết, trên đoạn tuyến đê này, hàng ngày có hàng chục xe tải trọng lớn nhỏ chở vật liệu xây dựng, đất cát phế thải quá tải quần thảo. Đứng trên cầu Chương Dương, nhìn về phía cầu Vĩnh Tuy, cầu Thanh Trì, chỉ vài km đường sông, nhưng có hàng chục tàu khai thác cát trái phép hoạt động suốt ngày đêm. Nhiều chủ tàu liều lĩnh còn cắm vòi hút cát ngay cạnh chân cầu Vĩnh Tuy, Thanh Trì.


Còn theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, từ năm 2008 đến hết quý II/2012, Hà Nội xảy ra gần 1.700 vụ vi phạm Luật Đê điều. Các lực lượng chức năng đã xử lý trên 750 vụ, chủ yếu là các vi phạm tập kết cát sỏi, vật liệu xây dựng khối lượng lớn trên bãi sông Hồng khu vực thượng, hạ lưu cầu Thăng Long (huyện Từ Liêm), các xã Thống Nhất, Vạn Điểm (huyện Thường Tín), gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng thoát lũ, an toàn đê điều. Tại khu vực cầu Nhật Tân thuộc phường Nhật Tân (quận Tây Hồ), khu vực gầm cầu Thanh Trì (quận Hoàng Mai)… có tình trạng đổ đất, phế thải xây dựng lấn chiếm bãi sông, lòng sông với quy mô lớn, xây dựng công trình trái phép trong chỉ giới thoát lũ sông Hồng. Tuy nhiên, việc xử lý vi phạm của các cấp chính quyền địa phương chỉ dừng ở xử phạt hành chính, không kiên quyết giải tỏa, đình chỉ trên giấy, nên các vi phạm vẫn tiếp tục diễn ra.


Thực trạng thi nhau “xẻ thịt” đê điều hiện đã đến mức “báo động đỏ”. Điển hình, theo báo cáo mới nhất của Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công ty Cổ phần sản xuất và dịch vụ Chèm (xã Liên Mạc, huyện Từ Liêm) có tới 9 vụ vi phạm Luật Đê điều. Mặc dù những sai phạm này xảy ra từ thời điểm năm 2004 - 2008, nhưng đến nay, các công trình vi phạm vẫn tồn tại và hoạt động. Mới đây, đoàn kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đi kiểm tra, toàn bộ phần đất của công ty nằm hoàn toàn trên bãi sông ngoài đê hữu sông Hồng, điểm gần nhất cách chân đê chính 20 m phía ngoài tiếp giáp với đê bối. Qua kiểm tra, công ty này đã vi phạm các quy định của Luật Đê điều và Pháp lệnh Phòng chống lụt bão như: San lấp đất tôn cao bãi sông để tạo mặt bằng xây dựng; xây dựng mới công trình không phép trên bãi sông; cải tạo nhà xưởng trái phép… Những vi phạm này đều đã được chính quyền xã ra quyết định đình chỉ thi công từ nhiều năm trước, nhưng đến nay vẫn tiếp diễn…


Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão Hà Nội dự báo, nhiều tuyến đê của thành phố vẫn đang tiềm ẩn các nguy cơ sạt lở như: Tại đê tả sông Đuống, đê hữu sông Hồng trên địa bàn các quận Long Biên, huyện Gia Lâm, huyện Ba Vì; cụm công trình cống qua đê Yên Sở thuộc quận Hoàng Mai chưa được thử thách chống lũ; đê hữu sông Đuống quận Long Biên do đê sát sông, nên xuất hiện cung nứt trượt dài hàng chục mét, mặc dù đã xử lý khẩn cấp nhưng vẫn xảy ra vết nứt sau xử lý…

 

Làm rõ trách nhiệm, kiên quyết xử lý


Trước tình trạng trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa báo cáo Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, kiến nghị Thủ tướng yêu cầu Hà Nội nghiêm túc thực hiện việc ngăn chặn và xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm pháp luật về đê điều, báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ.


Trên cơ sở báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có văn bản yêu cầu Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo xử lý, ngăn chặn các vi phạm pháp luật về đê điều. Các bộ, ngành liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gửi báo cáo tình hình vi phạm pháp luật về đê điều ở địa phương về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 30/10/2012 để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.


Cũng tại văn bản này, Phó Thủ tướng giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan rà soát các quy định hiện hành về thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi, nghiên cứu đề xuất ban hành các văn bản nhằm tăng cường công tác quản lý việc thăm dò, khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát sỏi lòng sông (tránh gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, tác động xấu đến dòng chảy và các lĩnh vực khác).


Hiện tượng vi phạm Luật Đê điều của Hà Nội đã diễn ra trong nhiều năm nay, các cơ quan chức năng đã tích cực tiến hành thanh tra, kiểm tra, lập biên bản, ra quyết định xử lý, nhưng hiệu quả không cao. Rõ ràng, thực tế này có nguyên nhân sâu xa do nhiều nơi, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý. Bên cạnh đó, các văn bản chỉ đạo xử lý vi phạm của thành phố chưa quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan được giao xử lý vi phạm, nên hiệu lực còn hạn chế. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, sự phối hợp trong thực hiện trách nhiệm quản lý, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật giữa các cấp, ngành của thành phố còn thiếu chặt chẽ, đùn đẩy trách nhiệm quản lý. Do đó, thời gian tới, rất cần các cơ quan chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống văn bản pháp quy phù hợp với thực tiễn công tác quản lý đê điều hiện nay.

 

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều Hà Nội Đỗ Đức Thịnh: Chính quyền địa phương chưa xử lý kiên quyết Theo chức năng, các cơ quan quản lý đê điều chuyên trách phát hiện vi phạm và chuyển cho chính quyền địa phương xử lý. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều vụ vi phạm chính quyền địa phương không xử lý kịp thời hoặc chưa xử lý kiên quyết. Thậm chí, chính quyền địa phương một số nới còn bao che cho các vi phạm, nên các cơ quan chuyên ngành khó phát hiện. Mặt khác, trong một số trường hợp, các cơ quan quản lý chuyên trách cũng chưa phối hợp chặt chẽ trong việc đôn đốc thực hiện, dẫn đến vi phạm gia tăng. Chi cục đang đề nghị thành phố tập trung nguồn lực hoàn chỉnh việc cắm mốc hành lang đê để hạn chế vi phạm; tham mưu cho các bộ, ngành sớm quy hoạch các bãi sông, bến sông để xác định rõ chỗ nào được khai thác cát, chỗ nào để vật liệu xây dựng…

 

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hoàng Văn Thắng: Vi phạm đê điều ở Hà Nội ngày càng nghiêm trọng Tình hình vi phạm Luật Đê điều tại Hà Nội đang có diễn biến phức tạp. Trong khi đó, ý thức chấp hành pháp luật đê điều và phòng chống lụt bão của không ít hộ dân ven đê, đơn vị, doanh nghiệp còn hạn chế, thậm chí cố tình vi phạm, coi thường pháp luật, làm ngơ trước các quyết định đình chỉ, cưỡng chế của chính quyền địa phương và cơ quan quản lý. Đặc biệt là chính quyền cấp phường, xã một số nơi còn buông lỏng quản lý, chưa thực hiện trách nhiệm theo quy định của pháp luật, khiến vi phạm tiếp diễn.

 

Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phạm Văn Hiền: Càng chậm trễ xử lý vi phạm, nguy cơ mất an toàn đê càng cao Hà Nội đang tồn tại khoảng 4.000 vụ vi phạm đê điều và phòng chống lụt bão. Mặc dù Bộ đã có văn bản yêu cầu thành phố Hà Nội đôn đốc thực hiện nội dung các kết luận kiểm tra, nhưng đến nay các vi phạm vẫn chưa được xử lý dứt điểm. Các vi phạm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự an toàn các công trình đê, cản trở việc tiêu thoát lũ, cũng như phát hiện các ẩn họa, sự cố đê điều, gây khó khăn cho công tác phòng chống lụt bão qua từng năm. Thực tế này cho thấy, càng chậm trễ xử lý vi phạm, nguy cơ mất an toàn đê càng cao. Bên cạnh đó, các địa phương cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Đê điều và Pháp lệnh PCLB, nâng cao nhận thức cho người dân; đồng thời thành lập bộ phận thường trực theo dõi chặt chẽ các tuyến đê, diễn biến thời tiết, để sẵn sàng phương án ứng phó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN