Chiều 3/1, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ công tác năm 2019 của Tổng cục Môi trường, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà đề nghị, Tổng cục Môi trường cần thay đổi tư duy, cách tiếp cận chủ động trong quản lý môi trường, từ đó thay đổi nhận thức, hành động của người dân.
Cần có cách tiếp cận, tư duy phù hợp
Bộ trưởng Trần Hồng Hà yêu cầu Tổng cục Môi trường nhìn nhận cả chặng đường đối với sự nghiệp quản lý nhà nước trong công tác bảo vệ môi trường, bởi lĩnh vực môi trường đang được quan tâm hàng đầu. Môi trường đang có rất nhiều vấn đề cần có cách tiếp cận, tư duy phù hợp. Kinh phí, ngân sách chưa thiếu nhưng năng lực quản lý, thực hiện vẫn chưa đảm bảo...
Bộ trưởng Trần Hồng Hà chỉ rõ, năm 2018 vẫn còn tình trạng các đơn vị trong Tổng cục “mạnh ai nấy làm”, từ vấn đề xin kinh phí và thực hiện các nhiệm vụ chung về bảo vệ môi trường.
Tổng cục Môi trường cũng nhìn nhận, công tác xây dựng đề án, văn bản pháp luật luôn được Tổng cục quan tâm chỉ đạo và được xem là nhiệm vụ chính trị, được ưu tiên hàng đầu và đã được thực hiện quyết liệt từ đầu năm nhưng một số văn bản tiến độ còn chậm so với yêu cầu, còn có văn bản đã phải đề xuất xin rút ra khỏi Chương trình xây dựng văn bản.
Để xảy ra tình trạng này là do một số đơn vị trực thuộc Tổng cục được giao chủ trì xây dựng chưa thật sự quan tâm đúng mức về ưu tiên nguồn lực để chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ; việc bố trí nguồn lực cho công tác xây dựng văn bản chưa thật hợp lý, nguồn lực còn bị phân tán, chưa bảo đảm tính ưu tiên, tập trung, thống nhất. Kinh phí để triển khai các Đề án được phân công vẫn thiếu dẫn đến khó khăn trong việc thu thập, tổng hợp tài liệu để hoàn thiện Đề án làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng theo Chương trình công tác đã đề ra. Cụ thể như “Đề án tổng thể về tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị và nông thôn” mặc dù được đưa vào Chương trình công tác của Chính phủ và đã đề xuất nhiều lần nhưng không được Bộ Tài chính bố trí kinh phí.
Năm 2018, Tổng cục Môi trường thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, cán bộ theo chức năng, nhiệm vụ mới nên gặp một số khó khăn khi xử lý công việc trong giai đoạn chuyển tiếp. Nội dung các dự thảo văn bản có nhiều vấn đề phức tạp; phạm vi điều chỉnh của văn bản rộng liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương; quy trình xây dựng văn bản phải tuân theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 nên đòi hỏi việc thực hiện phải rất chặt chẽ, mất nhiều thời gian, dẫn đến tiến độ xử lý còn chậm so với yêu cầu.
Công tác kế hoạch tài chính đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc tổ chức triển khai, thẩm định, phê duyệt nhiệm vụ song nhìn chung tiến độ tổ chức triển khai còn chậm so với chương trình công tác đầu năm đã đề ra...
Giải quyết các vấn đề môi trường đáp ứng yêu cầu thực tế
Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh, Tổng cục cần bứt phá để giải quyết các vấn đề môi trường đáp ứng được yêu cầu thực tế; đã đến lúc phải "tuyên chiến" với các hành vi ô nhiễm môi trường, xây dựng giải pháp đồng bộ về bảo vệ môi trường. Tổng cục Môi trường phải đưa các mục tiêu xử lý môi trường cụ thể như nước thải, rác thải, không khí… vào nhiệm vụ sắp tới; phân công cụ thể cho các cá nhân thực hiện và chịu trách nhiệm.
Những nhiệm vụ năm 2019, Tổng cục Môi trường đề ra là cần thực hiện gồm: hoàn thiện kế hoạch xây dựng và ban hành văn bản pháp luật năm 2019, Dự án Luật sửa đổi một số điều của Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; triển khai xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ ngày 18 tháng 11 năm 2016; lập quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia; quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học quốc gia; quy hoạch tổng thể quan trắc môi trường quốc gia.
Tổng cục sẽ đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các hành vi gây ô nhiễm môi trường; kiểm soát chặt chẽ đối với các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, làng nghề; tập trung vào các khu công nghiệp đang hoạt động nhưng chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung; tổ chức thực hiện Đề án tổng thể bảo vệ môi trường làng nghề đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; áp dụng hệ thống các tiêu chí môi trường sàng lọc, lựa chọn các dự án đầu tư; ban hành các quy định về phòng ngừa, ứng phó và khắc phục sự cố môi trường; tăng cường vận hành hiệu quả đường dây nóng để tiếp nhận, xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của tổ chức, người dân về ô nhiễm môi trường; đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xử lý triệt để cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trước năm 2020.
Tổng cục tiếp tục rà soát, điều chỉnh hoặc xây dựng mới các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường trên cơ sở tham khảo kinh nghiệm về công tác quản lý môi trường, hệ thống pháp luật, tiêu chuẩn môi trường của các nước phát triển trên thế giới; có lộ trình tiến tới năm 2021 áp dụng mức quy chuẩn, tiêu chuẩn tương đương các nước phát triển.
Năm 2019, Tổng cục xây dựng cơ chế đột phá huy động nguồn lực, thu hút đầu tư, xã hội hóa bảo vệ môi trường, thực hiện đúng nguyên tắc “người được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho công tác bảo vệ môi trường; người gây ô nhiễm, suy thoái môi trường phải bồi thường, chi trả chi phí xử lý, cải tạo và phục hồi môi trường”; có chính sách sử dụng nguồn thu từ môi trường được đầu tư trở lại cho môi trường; cơ chế thuế, phí, giá về môi trường phù hợp, thúc đẩy hoạt động bảo vệ môi trường…