Ưu tiên giáo dục nghề nghiệp và phát triển kỹ năng nghề

Theo dự báo từ nay đến hết năm 2020, thị trường lao động cần khoảng 60.000 lao động kỹ thuật để đón đầu các dự án đầu tư mới khi Việt Nam trở thành điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài nhờ kiềm chế tốt đại dịch COVID-19. Thực tế, các doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn, nhưng lao động phổ thông có kỹ thuật rất khó tuyển dụng.

Chú thích ảnh
Đào tạo học sinh, sinh viên phay CNC tại Trung tâm đào tạo công nghệ cao của trường Cao đẳng Công nghiệp Việt Đức. Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN.

Bà Nguyễn Thi Kim Dung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng y tế Thái Bình, đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình cho rằng, kỹ năng nghề và giáo dục nghề nghiệp là vấn đề toàn cầu. Nó không đơn thuần là giáo dục đào tạo để trang bị kiến thức, kỹ năng tay nghề cho người lao động, mà sau đó là vấn đề kinh tế, năng suất lao động và năng lực cạnh tranh quốc gia.

Trong những năm qua, việc đào tạo, bồi dưỡng, chuẩn bị nhân lực kỹ năng nghề được Đảng, Nhà nước quan tâm và đã có nhiều chuyển biến tích cực về nhận thức, quy mô tuyển sinh, chất lượng và hiệu quả đào tạo, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.  

Tuy nhiên, quy mô, cơ cấu và chất lượng nhân lực có kỹ năng nghề vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, tác động của cuộc cách mạng 4.0 và hội nhập quốc tế.  Bà Nguyễn Thị Kim Dung cho rằng, Việt Nam là quốc gia đang hội nhập quốc tế sâu, rộng và nền kinh tế có độ mở cao, nhưng nhiều chuyên gia đánh giá lao động Việt Nam chỉ “vàng về số lượng” mà chưa “vàng về chất lượng”, thiếu hụt kỹ năng lao động, chưa linh hoạt về chuyên môn, đa phần phải qua đào tạo lại đang là rào cản lớn trong thu hút đầu tư nước ngoài và phục hồi kinh tế trong nước.  

"Chúng ta kỳ vọng nhiều vào làn sóng đầu tư chất lượng cao, nhưng 80% doanh nghiệp trong và ngoài nước được khảo sát cho biết, khó tìm lao động chất lượng. Không có lao động tay nghề cao là cản trở lớn trong việc vượt lên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhiều năm gần đây, Việt Nam có nhiều học sinh, sinh viên đạt thứ hạng cao trong các kỳ thi tay nghề khu vực và thế giới. Tuy nhiên, thành tích đó không phải là phổ biến. Năm 2019, Việt Nam đã tăng 10 bậc năng lực cạnh tranh theo xếp hạng của Diễn đàn Kinh tế thế giới, yếu tố kỹ năng đã tăng 4 bậc, trong đó, điểm chất lượng đào tạo nghề nghiệp tăng 13 bậc”, bà Nguyễn Thị Kim Dung nói.

Kết quả trên đáng khích lệ, nhưng xét toàn diện thị trường lao động của Việt Nam vẫn tồn tại những bất cập. Quy mô lực lượng lao động hiện nay đạt khoảng 55 triệu người, nhưng lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng chứng chỉ khoảng 24%, quy mô tuyển sinh chưa tương xứng với năng lực của hệ thống giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường. Việc phân luồng học sinh sau trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn. Cơ cấu ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, chất lượng đào tạo của một số cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp. Thêm vào đó, đang có xu hướng ngược, lo người đi học nghề nhiều. Ví dụ, một số địa phương hạn chế chỉ tiêu học văn hóa trong trường nghề, hạn chế trường nghề, tổ chức đào tạo văn hóa cho học sinh, điều này trái với Luật Giáo dục.

Các chính sách đặt hàng đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp còn đang thấp so với nhu cầu nhân lực tăng nhanh. Cho đến nay, ngân sách phân bổ cho lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu đào tạo nghề, nhất là kinh phí đào tạo nghề chất lượng cao và hiện đại hóa cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo. Nhiều bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm ưu tiên nguồn lực cho giáo dục nghề nghiệp, trong khi doanh nghiệp chưa đủ động lực để đầu tư vào lĩnh vực này. Mức năng suất lao động của Việt Nam thì đang xếp cuối trong các nước khu vực Đông Nam Á.  

Theo bà Nguyễn Thị Kim Dung, muốn nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, Việt Nam buộc phải tăng năng suất lao động, coi đây là đòn bẩy kinh tế then chốt, là nhân tố chủ đạo hình thành lợi thế cạnh tranh quốc gia và hội nhập toàn cầu thắng lợi. Ngay từ bây giờ, cần huy động sự tham gia của toàn xã hội đối với việc đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, tăng cường gắn kết 3 nhà: Nhà nước, nhà trường, nhà doanh nghiệp. Khi nhà doanh nghiệp và nhà trường có cùng mục tiêu, sự gắn kết giữa doanh nghiệp và nhà trường là tất yếu.

Vì vậy, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp tham gia tích cực và luôn song hành cùng nhà trường trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, để làm sao trong tương lai, nhà doanh nghiệp phải là người đầu tư chính, đồng thời dự báo, xác định nhu cầu của mình một cách rõ ràng, cùng tham gia thiết kế chương trình đào tạo. 

Đây là nền tảng, điều kiện cốt lõi đảm bảo cho người lao động có việc làm bền vững, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tăng cường định hướng cho giáo dục nghề nghiệp, nội dung hướng nghiệp phải đưa ngay vào chương trình giáo dục phổ thông. Đẩy mạnh phân luồng, thu hút học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và học theo chương trình 9 cộng. 

Ngoài ra, theo khuyến cáo của Tổ chức Lao động quốc tế, để chủ động về nhân lực phục vụ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động mạnh mẽ của dịch COVID-19 và cách mạng 4.0, yêu cầu sống còn đối với mỗi doanh nghiệp là phải đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng cho người lao động.

Chỉ thị số 24 của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành ngày 28/5/2020 về đẩy mạnh phát triển nhân lực có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động và tăng năng lực cạnh tranh quốc tế trong tình hình mới với các chính sách và giải pháp đồng bộ.

“Nếu được thực hiện một cách nghiêm túc, tôi tin rằng hệ thống giáo dục nghề nghiệp sẽ có những bước chuyển mình mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu lao động chất lượng cao trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đạt mục tiêu Chính phủ đề ra”, bà Nguyễn Thị Kim Dung nói.

V.Tôn/Báo Tin tức
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Vĩnh Long - Bài cuối: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề
Đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Vĩnh Long - Bài cuối: Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề

Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long Huỳnh Thị Mỹ Hà, mặc dù công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng tỷ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật chưa cao (đạt hơn 71%), trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ đạt 50%.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN