Trước diễn biến phức tạp của bão, chính quyền địa phương đã kêu gọi và hỗ trợ người dân gấp rút thực hiện các biện pháp chống bão. Đặc biệt, ở nơi bị ảnh hưởng triều cường và các vùng nuôi trồng thủy sản sẽ cương quyết di dời dân.
Tại khu vực biển thôn An Hòa, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu, triều cường đánh liên tục, có 21 hộ dân với 80 nhân khẩu bị ảnh hưởng trực tiếp. Chính quyền địa phương đã huy động gần 100 lượt người để đắp các bờ cát tạm nhằm hạn chế sóng đánh sập nhà và các công trình gần bờ biển. Đến 16 giờ ngày 9/11, do có gió lớn, sóng cao, hàng chục chiếc thuyền thúng bị hất văng lên bờ, một số nhà dân đã bị tốc mái.
Ông Bùi Văn Quang, thôn An Hòa, xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu lo lắng nói: Bão chưa vào nhưng mái nhà của tôi đã bị tốc. Nhà tôi có 4 người đang phải tìm chỗ để tránh bão, đề phòng nhà bị sập. Bà con xung quanh xóm cũng đang giúp nhau vận chuyển đồ đạc.
Ông Lê Xuân Hiền, Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa, thị xã Sông Cầu cho biết: Việc huy động các lực lượng như Bộ đội Biên phòng, dân quân tự vệ cùng với người dân đắp hơn 1.000 bao cát chỉ là giải pháp tạm thời. Ngày 10/11, địa phương thực hiện di dời tất cả 21 hộ dân đến nơi an toàn, việc di dời sẽ được thực hiện xong trước 12 giờ. Ở các khu vực khác, chính quyền địa phương sẽ kiểm tra và tiếp tục di dời dân nếu cần thiết.
Đối với việc người nuôi trồng thủy sản ở khu vực Vũng Rô (huyện Đông Hòa) và vịnh Xuân Đài (thị xã Sông Cầu) còn chần chừ chưa di dời đến vùng an toàn, UBND tỉnh Phú Yên yêu cầu các lực lượng chức năng phải liên tục kêu gọi, kiểm tra và nếu cần phải thực hiện cưỡng chế. Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng khu vực nuôi trồng thủy sản ở vịnh Xuân Đài đã có 2.900 bè nuôi, tính bình quân có 4 - 5 người trên mỗi bè thì số người là rất lớn.
Trực tiếp đi kiểm tra tại khu vực Vịnh Xuân Đài, ông Trần Hữu Thế - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho biết: Hiện nay, tỉnh đã yêu cầu lực lượng Bộ đội Biên phòng dùng tàu công suất lớn của Hải đội 2 và phương tiện của các đồn biên phòng, kiểm ngư đi kiểm tra và vận động người dân sớm vào bờ. Nếu có người cố tình ở lại trên bè thì phải thực hiện cưỡng chế. Chậm nhất việc di dời người trên lồng bè phải xong trước 12 giờ ngày 10/11. Ngoài các hộ cần phải di dời ở vùng nuôi trồng thủy sản, Phú Yên đã sẵn sàng các phương án di dân ở vùng xung yếu, trũng thấp. Ước tính, khi bão số 6 trực tiếp đổ bộ vào tỉnh Phú Yên, số hộ dân cần phải di dời là 10.000 hộ với khoảng 30.000 người.
Theo dự báo, bão số 6 với sức gió mạnh giật trên cấp 12; mức độ rủi ro thiên tai là rất lớn. UBND tỉnh Phú Yên đã liên tục phát đi các thông tin cảnh báo qua các phương tiện thông tin đại chúng, các thuê bao điện thoại di động đang hoạt động. Cùng với nỗ lực của chính quyền địa phương, người dân cần nâng cao ý thức trong việc phòng, tránh bão để hạn chế thấp nhất về tính mạng và tài sản.