Tỉnh thông báo yêu cầu người dân hạn chế ra đường từ 14 giờ ngày 11/9; đồng thời đang khẩn trương triển khai các giải pháp ứng phó với cơn bão số 5, trong đó, đặc biệt chú trọng công tác sơ tán dân tại các vùng xung yếu, vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở phương châm “4 tại chỗ” gắn với công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các điểm cách ly, sơ tán.
Xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc là địa phương đang áp dụng Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Nhằm ứng phó với cơn bão số 5, xã đã chủ động xây dựng, triển khai phương án phòng, chống bão lụt kết hợp thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để đảm bảo an toàn cho người dân. Đến nay, địa phương đã kêu gọi toàn bộ tàu thuyền về nơi trú ẩn an toàn và vận động bà con neo đậu các lồng bè nuôi cá đề phòng nước lũ cuốn trôi. Xã Vinh Hiền cũng lên kế hoạch di dời và sơ tán 84 hộ dân ở các vùng xung yếu, nguy cơ sạt lở; vận động nhân dân chằng chống nhà cửa đảm bảo an toàn.
Ông Nguyễn Tam, Chủ tịch UBND xã Vinh Hiền cho biết: Địa phương hiện đang khẩn trương thực hiện nhiệm vụ kép vừa phòng, chống dịch COVID-19 vừa triển khai phương án phòng, chống bão lụt. Nhằm đảm bảo an toàn cho người dân, quá trình tổ chức sơ tán, địa phương nghiêm chỉnh quy định 5K, giữ khoảng cách khi di dời dân, bố trí từng hộ ở riêng, không ở tập trung, tách riêng các hộ có trường hợp F2. Đồng thời, xã đã điều động lực lượng hỗ trợ chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền, thu hoạch hải sản nuôi trồng của người dân.
Xã ven biển Phú Thuận, huyện Phú Vang cũng lên phương án di dời hơn 150 hộ dân với gần 700 nhân khẩu ở vùng xung yếu, sạt lở ven biển đến nơi an toàn. Theo ông Đặng Tiến Tùy, Chủ tịch UBND xã Phú Thuận, địa phương chủ động các phương án rà soát, di dời các hộ dân cư đến nơi an toàn đảm bảo vừa chống bão, vừa chống dịch. Địa phương bố trí những địa điểm kiên cố để làm nơi sơ tán dân như nhà cao tầng, niệm phật đường, trường học, nhà văn hóa thôn, xã.
Chính quyền địa phương cũng bố trí sẵn phương tiện và cơ sở hạ tầng để đảm bảo việc di dời bà con đến tránh trú bão an toàn; chuẩn bị lương thực thực phẩm cung cấp cho các hộ dân di dời với số lượng 2 tấn gạo, 100 thùng mì tôm, 100 lít dầu thắp và cơ số thuốc men. Đối với các trường hợp đang thực hiện cách ly tại nhà, địa phương cũng xây dựng phương án cụ thể và bố trí cơ sở hạ tầng riêng để tránh việc lây nhiễm chéo trong quá trình di dân.
Để chủ động ứng phó với cơn bão số 5, hạn chế thiệt hại về tài sản và tính mạng của nhân dân, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu các địa phương sẵn sàng các phương án ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch COVID-19. Các địa phương chủ động tiến hành rà soát, xây dựng phương án sơ tán dân vùng có nguy cơ lũ quét, sạt lở ở vùng núi, vùng gò đồi, các khu vực trọng điểm phù hợp với tình hình thực tiễn. Đặc biệt, các địa phương rà soát đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo để chủ động sơ tán đến nơi an toàn. Công tác sơ tán di dời dân cư đến nơi an toàn phải hoàn thành trước 17 giờ ngày 11/9.
UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng yêu cầu các địa phương tổ chức kiểm tra các vật tư, thiết bị vận hành cửa van, hệ thống điện dự phòng, thông tin liên lạc, lương thực, thực phẩm, y tế các công trình hồ thủy điện trên địa bàn tỉnh; đảm bảo an toàn cán bộ tại các nhà máy; dự trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men tại chỗ. Các địa phương kiểm tra các công trình thủy điện đang thi công thực hiện các nội dung phương án đảm bảo an toàn công trình và an toàn vùng hạ du theo quy định.
Ông Nguyễn Đình Bách, Chủ tịch UBND huyện Phong Điền cho biết, hiện nay tại Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 3 ở xã Phong Xuân có 40 công nhân đang làm việc. Lãnh đạo huyện đã yêu cầu công ty Thủy điện Rào Trăng 3 chỉ để lại vài người trực còn lại di chuyển xuống Nhà máy Thủy điện Rào Trăng 4 hoặc ra bên ngoài trước 17 giờ ngày 11/9.
Cũng trong sáng 11/9, kiểm tra công tác phòng, chống bão số 5 tại các địa phương ven biển thuộc thành phố Huế và huyện Phú Vang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Hoàng Hải Minh yêu cầu các địa phương tiếp tục rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn; hỗ trợ người dân tổ chức gia cố, di chuyển các lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển về các khu vực an toàn, tránh thất thoát hải sản; tuyệt đối không để người ở lại trên tàu, thuyền, lồng bè khi gió mạnh, mưa lũ lớn.