Từ Đề án 1816 đến Bệnh viện Vệ tinh: Những con số biết nói

Gần 2,5 triệu lượt bệnh nhân được khám, chữa bệnh, 4800 kỹ thuật được chuyển giao, gần 24.000 ca phẫu thuật được thực hiện, 4.000 lớp tập huấn được mở đào tạo cho gần 12.000 học viên… là những con số ấn tượng đánh dấu 10 năm ngành y tế thực hiện Đề án 1816.

Riêng Bệnh viện Tim Hà Nội hợp tác, hỗ trợ chuyên môn, chuyển giao kỹ thuật tới hơn 100 bệnh viện.

Đã chuyển giao hơn 4.800 kỹ thuật từ Đề án 1816


Năm 2008, Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện (BV) tuyến trên về hỗ trợ BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh” theo Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26/5/2008, Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt (Đề án 1816) ra đời với mục tiêu Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của BV tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; Giảm tình trạng quá tải cho các BV tuyến trên, đặc biệt là các BV tuyến Trung ương.


Đồng thời, chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ tuyến dưới. Các cán bộ được cử đi phải có chuyên môn có khả năng giải quyết độc lập các kỹ thuật hỗ trợ BV tuyến dưới. Thời gian luân phiên do đơn vị cử cán bộ quyết định nhưng tối thiểu 3 tháng/1 đợt. Một BV tuyến trên có thể hỗ trợ một hoặc nhiều BV tuyến dưới, 1 BV tuyến dưới có thể nhận hỗ trợ 1/nhiều BV tuyến trên. Đối với BV đa khoa: 1 cán bộ/50 Giường bệnh (GB KH), BV chuyên khoa: 1 cán bộ/30 GB KH.


Sau 10 năm thực hiện, chỉ riêng các bệnh viện tuyến trên đã cử trên 4.000 lượt cán bộ hỗ trợ cho các bệnh viện tuyến dưới, chuyển giao hơn 4.800 kỹ thuật, khám, chữa bệnh cho gần 2,5 triệu lượt bệnh nhân...


Tại các bệnh viện tuyến tỉnh, đã có 262 BV tuyến tỉnh cử 2770 lượt cán bộ luân phiên hỗ trợ gần 200 BV huyện;tổ chức 962 lớp tập huấn cho 20.443 lượt CB tuyến huyện; Chuyển giao 2.514 kỹ thuật thuộc 26 chuyên ngành cho tuyến huyện, đồng thời trực tiếp khám, chữa bệnh 270.500 lượt người bệnh, thực hiện 6.788 ca phẫu thuật, thủ thuật... Bên cạnh đó, 305 BV tuyến huyện cử 3.234 lượt bác sĩ về khám bệnh, chữa bệnh tại 938 lượt trạm y tế xã; Cán bộ luôn phiên đã tổ chức 454 lớp tập huấn cho 3.976 lượt CB trạm y tế xã; Chuyển giao 991 kỹ thuật, thủ thuật cho trạm y tế xã và trực tiếp khám, chữa bệnh 3.781.658 lượt người bệnh, thực hiện 242.344 ca thủ thuật.


Tiếp đó, nhằm tiếp tục duy trì hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực y tế tuyến dưới và tạo điều kiện các tỉnh TP có cơ sở thực hiện, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng CP ký ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg Quy định về việc thực hiện chế độ luân phiên hỗ trợ y tế tuyến dưới đối với người hành nghề là bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên làm việctrong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập. Mỗi người hành nghề có thời gian luân phiên tối thiểu là 6 tháng, tối đa là 12 tháng (trừ trường hợp tự nguyện đi thời gian dài hơn.). Với Quyết định này, việc luân phiên hỗ trợ tuyến dưới đã được luật hóa và trở thành nghĩa vụ và trách nhiệm của các cán bộ y tế.


Nhằm tiếp tục các giải pháp giảm tải cho tuyến trên và cụ thể hóa việc thực hiện Đề án Giảm tải bệnh viện do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, ngày 11/3/2013, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã ký Quyết định số 774/QĐ-BYT về việc phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020 nhằm nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao ngay tại bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên.


Phát triển Đề án Bệnh viện vệ tinh với chiến lược bài bản hơn


Đề án Bệnh viện vệ tinh được coi là phát triển từ những kết quả của Đề án 1816 với một chiến lược dài hơi và bài bản hơn.


Theo đó, giai đoạn 2013 - 2016: tập trung 5 chuyên khoa quá tải là Nội Tim mạch, Ngoại Chấn thương CT, Sản, Nhi, Ung bướu . Giai đoạn 2016 – 2020: mở rộng thêm một số chuyên khoa như Nội tiết, huyết học truyền máu... Hiện có 22 bệnh viện hạt nhân tham gia Đề án, trong đó có 14 BV tuyến Trung ương, 8 BV thuộc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh và Sở Y tế Hà Nội.


Đã có 117 BV vệ tinh tham gia đề án, trong đó có 98 BV tỉnh, 15 BV huyện, 4 BV tư nhân. Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật: tổng số có hơn 1000 kỹ thuật, gói kỹ thuật sẽ được đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tập trung các kỹ thuật cao, chuyên sâu thuộc danh mục của tuyến Trung ương như mổ tim hở, phẫu thuật u não, thay khớp gối…. Bảo đảm giảm > 90% tỷ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện vệ tinh lên bệnh viện hạt nhân nhóm bệnh liên quan đến kỹ thuật đã được chuyển giao.


Đề án cũng đã thiết lập được hệ thống công nghệ thông tin và kết nối giữa Bệnh viện hạt nhân với bệnh viện vệ tinh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (Telemedicine) trong hoạt động Đề án. Đảm bảo 100% các BV vệ tinh thường xuyên kết nối đào tạo, hội thảo, tư vấn khám bệnh, hội chẩn từ xa. Hiện đã có 2 hệ thống tại BV Việt Đức và BB Bạch Mai hoạt động.


Theo ThS Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh, Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh có ý nghĩa xã hội và mang tính nhân văn sâu sắc. Việc triển khai thành công 2 Đề án có tầm quan trọng và ý nghĩa to lớn, góp phần giải quyết những khó khăn và bức xúc mà xã hội quan tâm, nhất là trong điều kiện kinh tế- xã hội hiện nay. Bên cạnh đó, qua việc thực hiện đề án trình độ chuyên môn năng lực của cán bộ y tế tuyến dưới được nâng cao, bệnh tật được phát hiện sớm, được can thiệp điều trị đúng, kịp thời đã giúp giảm thiểu chi phí và điều trị của các cơ sở y tế cho việc thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Để tiếp tục những thành quả do Đề án 1816 và Đề án Bệnh viện vệ tinh đem lại, theo ThS Cao Hưng Thái, điều quan trọng nhất hiện nay là chính quyền các địa phương phải thực sự quan tâm và sát cánh với ngành y tế để bố trí kinh phí và đảm bảo nguồn nhân lực cho thực hiện chuyển giao kỹ thuật. Các đơn vị thực hiện chuyển giao và tiếp nhận phải khảo sát cẩn thận, và bố trí nguồn nhân lực chắc chắn, đồng thời cần điều chỉnh chính sách BHYT cho phù hợp; tăng cường giám sát và hỗ trợ sau chuyển giao kỹ thuật, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và tuyên truyền cho người dân thấy được những thành quả của việc chuyển giao kỹ thuật ngay tại địa phương mình.


Bài, ảnh: Lê Hoàng
Tiếp tục đưa Đề án 1816 về với y tế cơ sở
Tiếp tục đưa Đề án 1816 về với y tế cơ sở

Đề án 1816 sau 10 năm thực hiện đã đem lại những hiệu quả to lớn cho y tế các địa phương.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN