Từ 1/7: Lắp “hộp đen” trên ô tô kinh doanh vận tải

Tai nạn giao thông (TNGT) đường bộ do ô tô gây ra đang là vấn nạn quốc gia qua từng năm. Do đó, Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư 08/2011/BGTVT “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị giám sát hành trình của xe ô tô vừa được bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ban hành, có hiệu lực từ 23/4/2011, quy định từ ngày 1/7/2011, tất cả ô tô kinh doanh vận tải hành khách, hàng hóa có cự ly tuyến trên 500 km phải lắp thiết bị giám sát hành trình (GPS-hộp đen)... nhằm quản lái xe và hạn chế TNGT. Giờ “G” sắp điểm, nhưng những tồn tại xung quanh chiếc “hộp đen” khiến cả doanh nghiệp vận tải, cũng như cơ quan quản lý không khỏi “đau đầu”!

Lúng túng!

Theo Cục Đăng kiểm Việt Nam, cả nước hiện có khoảng 300.000 xe ô tô các loại trong diện phải lắp hộp đen theo lộ trình thực hiện Nghị định 91/2009/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư nêu trên, chưa kể với tốc độ gia tăng phương tiện khoảng 12%/năm, con số này sẽ còn tăng đáng kể. Do đó, đến thời điểm ngày 1/7/2011 tới, nhiều khả năng cả nhà sản xuất “hộp đen” và các doanh nghiệp vận tải vẫn không thực hiện kịp tiến độ.

Khi cần biết thông tin, chỉ cần vài thao tác trên máy tính là có thể xác định vị trí, tốc độ và lộ trình của xe. Ảnh: C.T


Hộp đen phải đảm bảo 5 tiêu chí: Ghi và lưu trữ thông tin về tốc độ chạy xe, hành trình chạy, thời gian lái xe theo quy định, số lần và thời điểm đóng hoặc mở cửa xe, số lần và thời gian dừng đỗ xe. Ngoài ra, hộp đen có thể có thêm một số tính năng khác theo yêu cầu quản lý của doanh nghiệp vận tải. Hộp đen phải có bộ vi xử lý, bộ phận ghi, lưu giữ, truyền phát dữ liệu, đồng hồ đo thời gian thực, bộ phận nhận tín hiệu định vị toàn cầu GPS, bộ phận thu nhận thông tin lái xe, cổng kết nối, bộ phận thông báo trạng thái hoạt động thiết bị và phần mềm phân tích dữ liệu. Tuy nhiên, đến thời điểm này, theo ý kiến của nhiều chuyên gia ngành GTVT, quy định quy chuẩn hộp đen về mã nguồn phần mềm hệ thống, dải tần số thiết bị, độ chính xác của thông tin (địa lý, thời gian), vấn đề bảo mật và chia sẻ thông tin… vẫn chưa được Bộ GTVT ban hành, trong khi trên thị trường đã xuất hiện nhiều mẫu hộp đen được các doanh nghiệp nhập khẩu, sản xuất và “chào hàng”. Nếu không có quy chuẩn hộp đen, việc đưa vào sử dụng thiết bị này sẽ không tránh khỏi lãng phí, tiêu cực.

Bên cạnh đó, đối với các doanh nghiệp vận tải lớn, trình độ quản lý cao thì dễ dàng xây dựng được trung tâm quản lý thông tin tại chính doanh nghiệp, nhưng với các nhà xe, doanh nghiệp nhỏ lẻ, có ít đầu xe chạy tuyến cố định tại các địa phương thì rất khó có được hệ thống quản lý này. Do vậy, việc đề xuất các doanh nghiệp nhỏ xây dựng trung tâm máy tính để quản lý cơ sở dữ liệu hộp đen hiện nay không dễ, trong khi số lượng doanh nghiệp này lại chiếm đa số và thường là “đối tượng” có lái xe chạy ẩu nhất.

Chưa hết, nhiều doanh nghiệp vận tải khi được hỏi về kế hoạch, lộ trình lắp hộp đen cho các đầu xe của mình đều băn khoăn về các văn bản áp luật cụ thể của Nhà nước đối với việc lắp hộp đen, hạ tầng thông tin dữ liệu có đảm bảo…? Vì trên thực tế, để kịp thực hiện quy định này thì các doanh nghiệp sẽ phải hoàn tất kế hoạch tài chính, mua sắm thiết bị, lắp đặt và chạy thử theo ý kiến của nhà sản xuất hộp đen. Tuy nhiên, kế hoạch nêu trên khó lòng xong đúng thời điểm ngày 1/7/2011, trong khi hạn chót sắp cận kề và các đơn vị liên quan của Bộ GTVT vẫn đang soạn thảo những văn bản quy định áp luật sử dụng hộp đen.

Tính bảo mật thông tin kinh doanh trong hoạt động vận tải cũng được nhiều doanh nghiệp lo ngại, vì đến thời điểm này vẫn chưa có văn bản nào quy định về tính bảo mật thông tin cho doanh nghiệp. Trong khi đó, hạ tầng thông tin dữ liệu ở nước ta chưa đáp ứng được nhu cầu bảo mật thực tế và độ chuẩn của các sản phẩm hộp đen trên thị trường hiện nay chưa có cơ quan nào thẩm định, đánh giá chất lượng, để các doanh nghiệp không bị "tiền mất tật mang" khi lắp đặt. Ngoài ra, không ít doanh nghiệp vận tải còn cho rằng: Bên cạnh những lợi ích cấp thiết do hộp đen mang lại cho doanh nghiệp và các cơ quan chức năng, thì trong quá trình vận hành, mối liên kết giữa Nhà nước và doanh nghiệp nếu phát sinh vấn đề tranh chấp pháp lý thì doanh nghiệp phải xử lý như thế nào, trách nhiệm của Nhà nước ra sao… đến nay vẫn chưa có quy định cụ thể.

Quan trọng nhất là quản được lái xe, giảm được tai nạn

Giờ “G” đang đến gần, mặc dù không ít doanh nghiệp tỏ ra băn khoăn, quan ngại về lộ trình lắp hộp đen, cũng như các cơ quan liên quan vẫn chưa có văn bản pháp quy quy chuẩn hộp đen, nhưng theo kinh nghiệm của một số doanh nghiệp đi đầu trong việc lắp thiết bị giám sát hành trình thì trước hết là thiết bị này sẽ quản lý được lái xe, qua đó góp phần hạn chế được TNGT đang có chiều hướng diễn biến phức tạp.

Lắp hộp đen trên ô tô khách sẽ quản lý được lái xe, góp phần làm giảm TNGT. Ảnh: Thế Vinh - TTXVN


Lãnh đạo Tập đoàn Mai Linh, doanh nghiệp vận tải Hoàng Long-những doanh nghiệp vận tải đầu tiên của Việt Nam ứng dụng việc gắn hộp đen trên ô tô khách đều khẳng định hiệu quả của thiết bị này có lợi trong việc giảm nhân công, giảm tiền lương phải chi trả, xóa được hệ thống thanh tra nội bộ, nâng cao chất lượng phục vụ, doanh thu… Mai Linh hiện có hơn 10.000 đầu xe các loại và đã ứng dụng hộp đen, mặc dù chi phí đầu tư lắp đặt ban đầu cao, nhưng sau 3 tháng áp dụng, doanh nghiệp đã thu hồi được vốn, quản lý được doanh thu và tăng tỷ lệ km an toàn trên đường. Vì trong quá trình vận hành, thiết bị giám sát sẽ báo về trung tâm điều hành của doanh nghiệp vị trí xe đang ở đâu, chạy với tốc độ nào, cửa có đóng không, chạy có đúng lộ trình không... Nếu phát hiện xe chạy quá tốc độ, cửa chưa đóng, cán bộ điều hành sẽ liên lạc qua điện thoại để nhắc nhở lái xe.

Các doanh nghiệp vận tải lớn hoạt động quy mô, bài bản hiện nay đều ủng hộ việc lắp hộp đen cho xe ô tô. Ông Nguyễn Đình Chung - Giám đốc Công ty Vận tải đa phương thức Duyên Hải (Hải Phòng) cho biết: Từ vài năm nay, doanh nghiệp của tôi đã lắp hộp đen cho toàn bộ hơn 80 đầu xe container chạy đường dài. Việc lắp hộp đen trước tiên là phục vụ cho chính doanh nghiệp. Còn theo ông Tạ Cao Giang - Phòng Vận tải (Công ty Vận tải Tân Đạt, Hà Nội): Hơn 120 đầu xe của Công ty hiện đã được lắp hộp đen. Tuy nhiên, nếu có quy chuẩn hộp đen mới, công ty sẵn sàng nâng cấp thiết bị đảm bảo theo quy định, phù hợp với thực tế, đúng lộ trình, để tránh ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh.

Theo Vụ Khoa học Công nghệ (Bộ GTVT), cả nước hiện có khoảng 30 doanh nghiệp đang tham gia việc cung cấp, lắp hộp đen, với giá bán thiết bị này trên thị trường dao động từ 7 - 10 triệu đồng/chiếc. Để đảm bảo đúng lộ trình lắp hộp đen cho ô tô và giải đáp một số băn khoăn của các doanh nghiệp, Bộ GTVT đã nghiên cứu kỹ lưỡng thực tế và thị trường hộp đen, các thiết bị giám sát này chỉ được phép lưu hành nếu đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của Thông tư 08/2011/BGTVT và phải dán tem đạt chất lượng.

Hộp đen đã được ứng dụng thử nghiệm gần 10 năm nay
Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho biết: Thiết bị giám sát hành trình - hộp đen đã được ứng dụng, triển khai thử nghiệm vào lĩnh vực giao thông đường bộ tại Việt Nam gần 10 năm nay. Qua đó cho thấy tính bảo mật cao, đảm bảo hoạt động chính xác, quy định lắp đặt hệ thống giám sát bảo đảm thuận lợi và hiệu quả nhiều mặt cho cả doanh nghiệp và nhà quản lý. Mặt khác, hộp đen còn được sử dụng để quy trách nhiệm khi xe gặp sự cố, đây cũng là động thái giảm thiểu TNGT đường bộ, bảo vệ hành khách.

Cần có tiêu chuẩn đánh giá hộp đen
Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Thiết bị giám sát hành trình chủ yếu trước mắt là phục vụ cho các doanh nghiệp vận tải sử dụng để quản lý hoạt động kinh doanh, sau đó có thể phục vụ cho các cơ quan nhà nước khi có yêu cầu. Nếu lực lượng CSGT cần cung cấp số liệu để có những kết luận chính xác nguyên nhân gây nên TNGT, thì thiết bị giám sát sẽ cung cấp. Tuy nhiên, Hiệp hội đang kiến nghị với Bộ GTVT lùi thời gian có hiệu lực gắn thiết bị giám sát hành trình đến ngày 28/7/2011 để có thêm thời gian kiểm nghiệm, thẩm định chất lượng của thiết bị theo quy chuẩn, nhằm tránh tình trạng lưu hành những thiết bị không đạt yêu cầu.

Doanh nghiệp vận tải có thể thuê hệ thống quản lý của nhà cung cấp
Ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc Công ty TNHH Trực Nhân, chuyên nhập khẩu thiết bị hộp đen cho biết: Hộp đen do công ty cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật Bộ GTVT mới ban hành, có thể ghi lại hình ảnh, âm thanh liên tục trong suốt quá trình chạy xe. Các dữ liệu được truyền thông tin qua vệ tinh, hình ảnh trong và ngoài xe hiển thị trên Internet. Đặc biệt, khi xảy ra va chạm, thiết bị sẽ ngay lập tức ghi lại dữ liệu vào thẻ nhớ. Nếu các doanh nghiệp nhỏ lẻ không có đủ kinh phí đầu tư hệ thống quản lý thông tin hộp đen thì có thể thuê hệ thống quản lý của nhà cung cấp thiết bị với mức giá từ 70.000 - 80.000 đồng/xe/tháng.

Sợ cung không đủ cầu
Bà Nguyễn Thị Thủy - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Duy Minh, đơn vị chuyên cung ứng thiết bị giám sát hành trình được Bộ GTVT mời tham gia làm thành viên soạn thảo các quy định liên quan đến hộp đen cho biết: Trên thực tế, hộp đen phải qua tất cả các khâu kiểm tra của các cơ quan liên quan mới cho ra đời sản phẩm đạt chuẩn, doanh nghiệp sản xuất mới được phép bán ra thị trường và doanh nghiệp vận tải mới mua về để lắp đặt trên ô tô của mình. Các quy định về hộp đen đạt chuẩn đã có nhưng hiện chưa biết chính xác đơn vị nào được phép kiểm tra và cấp giấy chứng nhận hộp đen đạt chuẩn. Trong khi đó, thời hạn lắp đặt đã cận kề, đối tượng bắt buộc phải lắp đặt hộp đen lại quá lớn, sợ cung không đủ cầu...



Nguyễn Tiến
(thực hiện)
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN