Từ đầu tháng 2 đến nay, TP Hồ Chí Minh liên tục trải qua những ngày nắng gắt bắt đầu từ sáng sớm kéo dài đến chiều tối khiến nhiều người dân mệt mỏi khi phải làm việc hoặc lưu thông trên đường. Nhiều người dân di chuyển trên đường buộc phải che chắn kín mặt và cơ thể để không bị bỏng rát dưới cái nắng “cháy da cháy thịt". Nhiệt độ ngoài trời tại TP Hồ Chí Minh có lúc chạm ngưỡng 38 độ C.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, đợt nắng nóng năm nay xuất hiện sớm hơn 1 tháng so với mọi năm, cộng với sau Tết Nguyên đán là thời điểm thời tiết tại TP Hồ Chí Minh bước vào cao điểm mùa khô, tỷ lệ mây che phủ ít, bức xạ chiếu trực tiếp xuống gây cảm giác oi bức nhiều ngày qua.
Tuy nhiên, trong 2 ngày trở lại đây, áp cao lạnh lục địa bắt đầu tăng cường và khuếch tán xuống phía Nam khiến trời có nhiều mây hơn, có thời điểm trời râm mát, nhiệt độ giảm nhẹ. Riêng thời tiết TP Hồ Chí Minh mây thay đổi, ngày nắng, chiều tối xuất hiện mưa trái mùa khiến thời tiết dễ chịu hơn. Từ ngày 21 đến 23/2, mưa có xu hướng gia tăng, một vài nơi có mưa vừa.
Thời điểm này nhiệt độ ban ngày tại TP Hồ Chí Minh có thể lên đến 36-37 độ C nhưng về đêm và sáng có thể xuống 24-25 độ C. Với mức nhiệt chênh lệch hơn 10 độ C, các chuyên gia sức khỏe cảnh báo kiểu thời tiết này dễ khiến trẻ nhỏ, người có sức đề kháng yếu mắc các bệnh về hô hấp như viêm họng, viêm đường hô hấp trên, viêm phổi, hen suyễn.
Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo sau ngày 23/2, mưa bắt đầu giảm tại một số nơi trên khu vực Nam Bộ. Nhiệt độ miền Nam, bao gồm cả có TP Hồ Chí Minh có xu hướng giảm, cao nhất từ 30 - 33 độ C, thấp nhất từ 22 - 25 độ C, phía Bắc các tỉnh Đông Nam bộ có nơi dưới 22 độ C. Sang tháng 3-4-5, nhiệt độ miền Nam sẽ tăng cao do bước vào cao điểm mùa khô, cao nhất có thể dao động từ 34-38 độ C, một số nơi xảy ra nắng nóng.
Bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ nhận định, đợt không khí lạnh năm nay tuy mạnh nhưng lệch đông nên sẽ khuếch tán ra biển chủ yếu chứ không vào phía Nam nhiều. Do đó thời tiết miền Nam tuy có giảm nhiệt độ nhưng không quá rõ rệt, chủ yếu chỉ xuất hiện mưa trái mùa không quá lớn nhưng kèm theo dông sét nguy hiểm. Trong tuần tới thời tiết phổ biến của Nam Bộ là sáng nắng, chiều mưa, càng về đêm nhiệt độ càng giảm nhưng không giảm đến dưới 20 độ C vì hiện nền nhiệt cao nhất vốn dĩ đã đạt 35-37 độ C, nếu có giảm cũng chỉ xuống tầm 32-34 độ C, thấp nhất 21-24 độ C chứ không thấp hơn.
Đặc biệt, theo bà Lê Thị Xuân Lan, mưa trái mùa tuy giúp giảm bớt nắng nóng oi bức trong ngày nhưng không tốt cho sức khỏe vì nước mưa thường chứa các bụi bẩn ô nhiễm. Do đó người dân khi gặp mưa cần che chắn cẩn thận, tránh để cơ thể tiếp xúc với nước mưa quá nhiều. Ngoài ra, mưa trái mùa còn có thể gây bệnh đạo ôn cho cây lúa nên người nông dân cần chú ý. Tuy nhiên, cũng có mặt lợi là đợt mưa này giúp hạn mặn đến chậm hơn một chút.
Theo thông tin cảnh báo về tia cực tím (tia UV) của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, ngày 21/2, TP Hồ Chí Minh đạt chỉ số UV cao nhất là 9,9 vào thời điểm 12 giờ, lúc 10 giờ chỉ số tia UV là 7,6; 11 giờ là 9,3 và 13 giờ là 9,1. Đây đều là ngưỡng chỉ số UV trên mức 8, tức là có nguy cơ gây hại rất cao. Với chỉ số này, theo cảnh báo của các bác sĩ da liễu, nếu tiếp xúc trực tiếp dưới nắng trong thời gian dài không áo chống nắng, kính che mát có thể gây bỏng da hoặc các bệnh về da khác.
Dự báo 2 ngày tới, chỉ số tia UV ở TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức 10 (nguy cơ gây hại rất cao), tới ngày 24/2, chỉ số tia UV về 9, cũng có nguy cơ gây hại rất cao. Để phòng tránh các tác hại của tia cực tím và đề phòng sốc nhiệt, người dân khi làm việc ngoài trời nắng cần trang bị đồ dùng chống nắng như: quần áo bảo hộ lao động, mũ, nón, kính… luôn đảm bảo đủ nước uống cho cơ thể.