Tình hình COVID-19 ngày 20/9: Đề nghị COVAX phân bổ nhanh vaccine cho Việt Nam; Hà Nội ra chỉ thị 22 về phòng, chống dịch

Thông tin đáng chú ý trong ngày 20/9 về tình hình COVID-19 là: Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị COVAX phân bổ nhanh vaccine dành cho Việt Nam; thành lập đường dây nóng về COVID-19; Hà Nội ra chỉ thị số 22 về biện pháp phòng, chống dịch từ 6 giờ ngày 21/9.

Thủ tướng đề nghị COVAX ưu tiên phân bổ vaccine cho Việt Nam 

Chiều 20/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã họp trực tuyến với bà Aurélia Nguyen, Giám đốc điều hành Chương trình COVAX.

Chú thích ảnh
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trao đổi với bà Aurélia, Thủ tướng khẳng định, chủ trương nhất quán của Việt Nam là đặt sức khoẻ và an toàn của người dân lên trên hết và trước hết; Việt Nam đang phấn đấu tiêm vaccine bao phủ cho toàn dân nhanh nhất, sớm nhất có thể.

Nhấn mạnh Việt Nam đang rất khó khăn về vaccine, để bảo đảm tiêm đủ vaccine cho người dân, Thủ tướng đề nghị COVAX ưu tiên phân bổ vaccine cho Việt Nam càng nhanh càng tốt, càng nhiều càng tốt, nhất là trong các tháng 9, 10 và 11; hoàn thành thoả thuận cung cấp vaccine cho Việt Nam trong năm 2021.

Thủ tướng cũng đề nghị COVAX điều phối, cung cấp vaccine Moderna để Việt Nam tiêm mũi thứ 2 cho người dân; giúp kết nối, chia sẻ thông tin về các nước có khả năng dôi dư vaccine hoặc những nước đã được phân bổ nhưng chưa sử dụng ngay để Việt Nam vay hoặc mua lại; hỗ trợ Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế về công nghệ sản xuất vaccine, thuốc điều trị; giúp Việt Nam tiếp cận các nguồn vaccine dành cho trẻ em dưới 18 tuổi.

Giám đốc điều hành COVAX chia sẻ với những khó khăn và nhu cầu cấp bách về vaccine của Việt Nam hiện nay, đồng thời đánh giá cao các kết quả tích cực của Việt Nam trong công tác phòng, chống dịch; cảm ơn và hoan nghênh Việt Nam là một trong số ít các nước đang phát triển đã đóng góp tài chính cho cơ chế COVAX, thể hiện cam kết và hợp tác chặt chẽ của Việt Nam với COVAX và trách nhiệm trong các nỗ lực toàn cầu về phòng, chống dịch.

Bà Aurélia cho biết, trong bối cảnh nguồn cung vaccine trên thế giới tiếp tục khan hiếm, COVAX gặp nhiều khó khăn trong việc bảo đảm phân bổ đủ vaccine, COVAX sẽ cố gắng hết sức thực hiện các cam kết với Việt Nam; trong tháng 10 COVAX sẽ tiếp tục phân bổ 85 triệu liều vaccine cho các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam; sẽ tiếp tục quan tâm, phân bổ vaccine cho Việt Nam trong thời gian tới. COVAX hiện đang theo dõi sát tiến triển về nghiên cứu các vaccine dành cho trẻ em dưới 18 tuổi và sẽ thông tin, phối hợp chặt chẽ với Việt Nam về vấn đề này.

Lập đường dây nóng 019 - Không COVID của Việt Nam

Văn phòng Chính phủ có công văn số 6639/VPCP-KGVX ngày 20/9/2021 truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chỉ đạo lập đường dây nóng 019 - Không COVID của Việt Nam.

Để tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan lập đường dây nóng 019 - Không COVID của Việt Nam; trình lên Tổ chức Y tế Thế giới để đẩy lên toàn cầu sử dụng.

Ngày 20/9, số ca mắc nhiễm mới giảm còn 8.681, thấp nhất trong 1 tháng trở lại đây

Ngày 20/9, Việt Nam ghi nhận 8.681 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, có 5.521 ca nặng đang điều trị; cả ngày có 6.821 ca khỏi bệnh.

Chú thích ảnh

Tính từ 17 giờ ngày 19/9 đến 17 giờ ngày 20/9, trên Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 8.681 ca nhiễm mới SARS-CoV-2, gồm 13 ca nhập cảnh và 8.668 ca ghi nhận trong nước (giảm 1.357 ca so với ngày trước đó và là mức thấp nhất trong 1 tháng trở lại đây) tại 38 tỉnh, thành phố (có 6.154 ca trong cộng đồng).

Trung bình số ca nhiễm mới trong nước ghi nhận trong 7 ngày qua là 10.160 ca/ngày.

Kể từ đầu vụ dịch đến nay, Việt Nam có 695.744 ca nhiễm, đứng thứ 47/222 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 156/222 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 7.070 ca nhiễm).

Đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay); số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 691.285 ca, trong đó có 459.147 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 20/9, số bệnh nhân được công bố khỏi bệnh là 6.821 ca.Tổng số ca được điều trị khỏi là 464.326 ca.

Trong ngày, tổng hợp số liệu tử vong do các Sở Y tế công bố trên hệ thống ghi nhận 215 ca tử vong tại: TP. Hồ Chí Minh (163 ca), Bình Dương (36 ca), Bình Thuận (3 ca), Long An (3 ca), Kiên Giang (3 ca), Đà Nẵng (2 ca), Bà Rịa - Vũng Tàu (2 ca), Bạc Liêu (1 ca), An Giang (1 ca), Nghệ An (1 ca). Trung bình số tử vong ghi nhận trong 7 ngày qua là 234 ca.

Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 17.305 ca, chiếm tỷ lệ 2,5% so với tổng số ca mắc và cao hơn 0,4 điểm phần trăm so với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới (2,1%).

Trong ngày 19/9, cả nước có 432.575 liều vaccine phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vaccine đã được tiêm là 34.553.590 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 27.913.529 liều, tiêm mũi 2 là 6.640.061 liều.

Hà Nội ban hành chỉ thị mới về biện pháp phòng, chống dịch

Chiều 20/9, sau nghe các sở ngành liên quan báo cáo và đề xuất các biện pháp phòng chống dịch trong thời gian tới, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội cho biết, trong hôm nay, UBND TP Hà Nội sẽ ban hành chỉ thị mới thông tin cụ thể về các biện pháp phòng, chống dịch trên địa bàn thành phố trong 15 ngày tiếp theo.

"Chỉ thị này sẽ áp dụng cho 2 tuần tiếp theo nhưng trên thực tế không "đóng đinh" trong 2 tuần mà căn cứ thực tiễn có thể điều chỉnh cho phù hợp", Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội khẳng định.

Một số nội dung đáng chú ý trong chỉ thị mới, theo ông Nguyễn Văn Phong, là: Từ 6 giờ sáng 21/9, TP Hà Nội sẽ điều chỉnh, nới lỏng một số hoạt động, ví dụ không kiểm soát giấy đi đường, bỏ các phân vùng… nhưng ưu tiên hàng đầu vẫn là công tác đảm bảo sức khỏe cho nhân dân và an toàn cho Thủ đô…. Bên cạnh đó, từ ngày 21/9, 22 chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào Thủ đô Hà Nội vẫn hoạt động. Người từ tỉnh khác về cần đáp ứng yêu cầu phòng dịch COVID-19. Đặc biệt, Hà Nội tiếp tục dừng hoạt động vận tải hành khách liên tỉnh, hoạt động vận tải công cộng đến Hà Nội và hoạt động vận tải công cộng nội bộ thành phố. Hoạt động vận chuyển hàng hoá trong nội đô sẽ được tạo điều kiện tối đa để đảm bảo cung ứng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống người dân.

Như vậy, tính đến 6 giờ ngày 21/9, Hà Nội sẽ chính thức kết thúc đợt giãn cách lần thứ 4 để phòng, chống dịch COVID-19.

Tối 20/9, ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã ký ban hành hoả tốc Công điện số 22/CT-UBND về việc điều chỉnh các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.

Chú thích ảnh
Hà Nội áp dụng Chỉ thị 15, cho phép mở lại tiệm cắt tóc, cửa hàng ăn uống từ 6 giờ ngày 21/9/2021.

Theo đó, từ 6 giờ ngày 21/9/2021, Hà Nội áp dụng Chỉ thị số 15/CT-TTg (ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ) và một số biện pháp cao hơn phù hợp với tình hình thực tế cho đến khi hoàn thành việc tiêm chủng mũi 2 cho toàn bộ người dân trong độ tuổi tiêm chủng.

Cụ thể, TP Hà Nội vẫn duy trì hoạt động 22 chốt tại các cửa ngõ ra/vào Thành phố và 33 chốt tại các quận, huyện, thị xã giáp ranh các tỉnh lân cận để thực hiện kiểm soát người và phương tiện đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19; Tiếp tục duy trì các chốt tự quản tại các khu dân cư, tổ dân phố; kiểm soát chặt di biến động của người dân.

TP Hà Nội đề nghị Bộ Giao thông Vận tải dừng các chuyến bay thương mại nội địa đến sân bay quốc tế Nội Bài và vận tải hành khách bằng đường sắt đến Hà Nội; Tiếp tục kiểm soát chặt, không phát sinh các chợ cóc, chợ tạm trên địa bàn.

Công điện số 22 nêu rõ, Hà Nội tiếp tục tạm dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ, đường thủy: xe buýt, xe taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách bằng xe mô tô; trừ trường hợp: phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.

Hoạt động tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại địa điểm công cộng (trừ các hoạt động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép).

Đối với hoạt động cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn được điều chỉnh như sau:

- Đối với các hoạt động chính trị, đối ngoại cấp Nhà nước trên địa bàn được thực hiện theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền và đảm bảo các quy định phòng chống dịch bệnh.

- Các cơ quan, công sở, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn (trừ các lực lượng vũ trang, cơ quan, đơn vị, lực lượng làm nhiệm vụ phòng, chống dịch) bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động làm việc theo nguyên tắc 50/50 (50% tại trụ sở và 50% sử dụng công nghệ thông tin làm việc tại nhà). Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo hình thức trực tiếp của các cơ quan, đơn vị (nếu có) hoạt động bình thường, đảm bảo kịp thời giải quyết thủ tục hành chính cho các cá nhân và tổ chức theo quy định.

- Các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung không quá 20 người trong 1 phòng (trường hợp hội họp đông người thực sự cấp thiết do cấp ủy, chính quyền địa phương quyết định và phải đảm bảo thực hiện giãn cách tối thiểu, các biện pháp phòng chống dịch); không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

- Các cơ sở cung ứng hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; siêu thị, chợ, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng kinh doanh hoa, quả, trái cây, chuỗi kinh doanh nông sản thực phẩm trên địa bàn; cửa hàng thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư tiêu hao phục vụ khám chữa bệnh và phòng chống dịch; dịch vụ khám chữa bệnh, ngân hàng, kho bạc, các cơ sở kinh doanh dịch vụ trực tiếp liên quan đến hoạt động ngân hàng và bổ trợ doanh nghiệp, chứng khoán, bưu chính, viễn thông, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển, xuất, nhập khẩu hàng hóa, cơ sở cai nghiện, cơ sở bảo trợ xã hội; cửa hàng cắt tóc, gội đầu; dịch vụ kinh doanh, sửa chữa, rửa xe ôtô, xe máy, phương tiện giao thông, điện tử, điện lạnh và đồ gia dụng; cơ sở kinh doanh văn phòng phẩm, sách, thiết bị, đồ dùng học tập; cửa hàng kinh doanh vật tư, vật liệu xây dựng; hoạt động kinh doanh trên các sàn điện tử thương mại, sử dụng dịch vụ giao hàng trực tuyến; cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống (chỉ bán hàng mang về) và đóng cửa trước 21 giờ hàng ngày.

- Ngoài xe mô tô, xe hai bánh vận chuyển bưu gửi, hàng hóa đang được phép hoạt động, cho phép xe mô tô, xe hai bánh tham gia ứng dụng công nghệ được phép hoạt động. Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ vận chuyển bằng xe mô tô, xe hai bánh có ứng dụng công nghệ chỉ được phép bố trí không quá 50% số lượng phương tiện hoạt động. Người giao hàng phải được tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin phòng COVID-19, khai báo y tế hàng ngày trên ứng dụng VN-eID hoặc website: suckhoe.dancuquocgia.gov.vn; chịu trách nhiệm thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 theo quy định. Thời gian hoạt động từ 09h00 đến 22h00 hàng ngày (áp dụng cho cả xe mô tô, xe hai bánh đang được phép hoạt động và xe tham gia ứng dụng công nghệ).

- Tổ chức đám tang trong phạm vi gia đình, không quá 20 người; hạn chế các đoàn viếng, mỗi đoàn không quá 5 người.

TP Hà Nội đề nghị người dân thực hiện nghiêm quy định 5K, khai báo y tế hàng ngày trên website www.tokhaiyte.vn hoặc ứng dụng Ncovi, Bluezone. Liên hệ ngay với chính quyền địa phương, cơ sở y tế khi xuất hiện triệu chứng sốt, ho, khó thở, mất vị giác...

Với những trường hợp di chuyển vào Thành phố vì lý do công vụ, phòng chống dịch, phục vụ sản xuất phải thực hiện khai báo y tế và tuân thủ các biện pháp giám sát, cách ly y tế theo quy định của Thành phố.

Học sinh Hà Nội sẽ đến trường sau khi tiêm phủ 2 mũi vaccine cho người dân

Chú thích ảnh
Học sinh trường THCS Trưng Vương, quận Hoàn Kiếm trong một tiết học. Ảnh tư liệu: Thành Đạt/TTXVN

Chiều 20/9, tại cuộc họp báo thông tin về công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội nhận định, mặc dù hiện nay thành phố đã tiêm vaccine mũi 1 cho trên 94% người trên 18 tuổi đủ điều kiện, đây là tỷ lệ rất cao, nhưng theo yêu cầu của ngành Y tế thì trạng thái của Hà Nội vẫn chưa thể trở lại "bình thường mới".

Bên cạnh đó, hiện tỷ lệ tiêm mũi 2 của Hà Nội mới đạt 12%, trong khi yêu cầu bắt buộc phải là trên 70% mũi 1 và trên hoặc bằng 20% mũi 2.

"Nguy cơ dịch bệnh bùng phát vẫn còn, chưa thể lạc quan có thể mở cửa ngay trở lại cuộc sống bình thường được; thành phố đang giao các ngành xây dựng kế hoạch phục hồi sản xuất kinh doanh để tập trung thực hiện sau ngày 21/9", ông Nguyễn Văn Phong nhấn mạnh và cho biết.

Đồng thời, TP Hà Nội sẽ tiếp tục chuẩn bị phương án tiêm phủ vaccine mũi 2 cho người dân vào đầu tháng 11/2021, trên cơ sở đó tính phương án cho học sinh quay trở lại trường cũng như các trường cao đẳng, đại học hoạt động trở lại.

PV/Báo Tin tức
Hà Nội vẫn duy trì 22 chốt, không cấm người từ tỉnh khác về Thủ đô
Hà Nội vẫn duy trì 22 chốt, không cấm người từ tỉnh khác về Thủ đô

Sau lệnh nới lỏng giãn cách xã hội vào sáng mai (21/9), 22 chốt kiểm soát ở cửa ngõ ra vào Thủ đô Hà Nội vẫn hoạt động. Người từ tỉnh khác về Thủ đô cần đáp ứng đủ yêu cầu phòng dịch COVID-19.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN