Theo Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, Dự án Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân gồm 5 dự án Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Vĩnh Tân 1, 2, 3, 4 và 4 mở rộng) được đầu tư trên địa bàn xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận.
Trong tổ hợp 5 nhà máy có 2 nhà máy thuộc tập đoàn Than Khoáng sản Việt Nam, 3 nhà máy của Trung Quốc đầu tư và vốn doanh nghiệp Việt Nam. Trong các nhà máy nhiệt điện, hiện có Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 đi vào hoạt động,
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 theo kế hoạch sẽ phát điện thương mại trong năm 2018-2019. Các nhà máy còn lại dự kiến đi vào hoạt động theo Quy hoạch sơ đồ điện của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt trong thời gian tới.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Bình Thuận, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 hiện sử dụng chung bãi thải tro, xỉ, diện tích hơn 38 ha, sức chứa khoảng 9,3 triệu m3. Đến nay, bãi xỉ của nhà máy đã chứa khoảng 4,4 triệu m3, mỗi năm chỉ riêng Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 thải ra khoảng 1,2 triệu m3.
Bãi thải tro, xỉ của Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 dự kiến sẽ được lấp đầy theo thiết kế vào năm 2019. Do đó, vấn đề tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và khi cả năm Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (dự kiến tổng lượng tro, xỉ phát sinh khoảng 3,3 triệu tấn/năm) đi vào hoạt động sẽ rất phức tạp.
Đại diện Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 cho biết: Hiện đơn vị đã thi công nâng tầng đê bao bãi thải xỉ, đảm bảo an toàn cho bãi xỉ trong mùa mưa, thực hiện quy trình thu gom, vận chuyển, chôn lấp tro xỉ theo quy trình đã được UBND tỉnh chấp thuận, không phát tán bụi khi có gió lớn, lốc xoáy.
Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 trong quá trình vận hành mỗi ngày thải ra 4.000 tấn tro, xỉ than; trong khi dự án lấy tro, xỉ làm gạch xây dựng của Công ty Cổ phần Đầu tư Mãi Xanh đặt tại huyện Tuy phong chậm tiến độ, mỗi ngày công suất tiêu thụ tro, xỉ than chỉ xấp xỉ 3%. Hiện nay, dự án này mới chỉ lắp được 3/28 dây chuyền sản xuất gạch. Việc chậm tiến độ của nhà máy này ảnh hưởng đến quá trình tiêu thụ tro, xỉ của trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân.
Bên cạnh đó, một nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng tồn tại lượng tro, xỉ quá lớn là do thiếu cơ chế, chính sách phù hợp. Hiện nay, cơ quan có thẩm quyền chưa ban hành tiêu chuẩn tro, xỉ làm vật liệu san lấp, do đó nhiều đơn vị muốn dùng tro, xỉ vào mục đích này chưa thể thực hiện được. Từ những vướng mắc này, Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 2 kiến nghị các cơ quan chức năng sớm ban hành tiêu chuẩn tro, xỉ làm vật liệu san lấp để tháo gỡ khó khăn và giải quyết lượng tro, xỉ tồn đọng.
Để giải quyết vấn đề tro, xỉ, UBND tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo các sở, ngành phối hợp với Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân giải quyết những vấn đề liên quan đến bãi tro, xỉ và hướng tiêu thụ. Song song đó, UBND tỉnh Bình Thuận đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng ban hành quy chuẩn về xử lý, sử dụng tro, xỉ làm nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và sử dụng trong các công trình xây dựng...; chỉ đạo Bộ Công Thương khẩn trương đánh giá sức chịu tải của các bãi thải xỉ tại Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, hướng dẫn lập, phê duyệt đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ của các nhà máy nhiệt điện.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát, công bố rộng rãi về “sự an toàn của việc sử dụng tro, xỉ (là chất độc hại hay không độc hại) trong các công trình xây dựng”, nhất là công trình xây dựng cơ sở hạ tầng.