Hội thảo được tổ chức trực tiếp tại Học viện Hành chính Quốc gia kết hợp trực tuyến với sự tham dự đông đảo các nhà khoa học, lãnh đạo, quản lý, nguyên lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết căn cứ vào chủ trương của Đảng và theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ xây dựng Đề án Chiến lược Quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn 2045. Bộ Nội vụ đang tổ chức xin ý kiến các bộ, ngành, chuyên gia, nhà khoa học trên cả nước để xây dựng Đề án. Cho đến nay, dự thảo Đề án đã qua nhiều lần chỉnh sửa, tập trung vào các nội dung như khái niệm nhân tài, tiêu chí xác định nhân tài; mục tiêu, quan điểm của Chiến lược; các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện Chiến lược thu hút nhân tài.
Thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung trong dự thảo Đề án, các nhà khoa học, chuyên gia nhấn mạnh nhân tài là nguồn lực đặc biệt, rất quan trọng, nếu được thu hút, trọng dụng sẽ tạo được sức mạnh to lớn để thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững của đất nước. Thu hút, trọng dụng nhân tài là một nhiệm vụ phải được coi trọng trên tất cả các lĩnh vực hoạt động của đời sống xã hội, trong đó ưu tiên tập trung nguồn lực thu hút, trọng dụng nhân tài theo các lĩnh vực: lãnh đạo, quản lý; khoa học-công nghệ; giáo dục-đào tạo; y tế; văn hóa-nghệ thuật, thể dục-thể thao.
Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng trong quan điểm của Chiến lược cần nêu bật yêu cầu đầu tiên là đổi mới tư duy về nhân tài và thu hút, trọng dụng nhân tài.
Thực tiễn có nhiều phát minh, sáng kiến, sản phẩm mang lại giá trị cao xuất phát từ những người không có học hàm, học vị, trình độ văn hóa không cao. Đó là những “nhà phát minh nông dân”, do đó khái niệm về nhân tài cần toàn diện, rộng mở hơn, thay vì nhấn mạnh tiêu chí trình độ, bằng cấp, học hàm, học vị và chỉ khu biệt trong một nhóm đối tượng nhất định.
Ông Trần Văn Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng nhân tài không hẳn phải là người có bằng cấp, học hàm, học vị mà họ là những người có những sáng kiến, đóng góp được xã hội ghi nhận. Do đó tránh tư duy cứng nhắc đặt ra những tiêu chuẩn cao mà cần linh hoạt trong việc xác định, công nhận nhân tài.
Từ kết quả nghiên cứu chính sách thu hút nhân tài ở Trung Quốc, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam (Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch), cho rằng việc trọng dụng nhân tài cần bao quát cả khu vực công và tư. Tuy nhiên, dự thảo Đề án còn tập trung vào việc thu hút nhân tài ở khối cơ quan nhà nước. Nhân tài là những người thực sự có tài năng và được lượng hóa bằng những cống hiến, đóng góp ghi nhận trên thực tế - Ts Thu Phương nêu quan điểm.
Qua kinh nghiệm thu hút nhân tài từ TP Hồ Chí Minh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh Phạm Đức Hải nhấn mạnh nếu không có chính sách rõ ràng sẽ không thu hút được nhân tài. Bên cạnh đó, cần có cơ chế để các cơ quan, đơn vị, địa phương ban hành chính sách vượt trội.
Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ, nêu thực tế thời gian qua có rất nhiều bộ, ngành, địa phương đưa ra chính sách thu hút nhân tài hấp dẫn song hiệu quả chưa cao, số nhân tài thu hút được còn rất thấp so với kỳ vọng. Nguyên nhân có phải do chế độ đãi ngộ chưa đủ hấp dẫn? Ông Dĩnh cho rằng thực tế có nhiều cơ quan đơn vị áp dụng chế độ đãi ngộ, thu nhập cao cho nhân tài song việc sử dụng lại chưa đúng vị trí và năng lực chuyên môn.
“Cái gốc của thu hút nhân tài chính là sự tin tưởng, tôn trọng, tạo môi trường, điều kiện để nhân tài làm đúng vị trí, đúng việc và đúng năng lực”, Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dĩnh nhấn mạnh.
Cho rằng, dự thảo Đề án Chiến lược chưa thể hiện được tính đột phá trong tư duy, nhận thức và cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, Tiến sĩ Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng lý luận Trung ương cho rằng cần có “cơ chế mềm” thu hút, sử dụng nhân tài, tránh tư duy “tuần tự tịnh tiến” để “đột phá” trong trọng dụng nhân tài. Theo đó, người được xác định là nhân tài, có nhiều đóng góp cho cơ quan đơn vị, địa phương thì cần được cất nhắc, bổ nhiệm vượt cấp với những cơ chế vượt trội, đồng thời tạo những “trung tâm xuất sắc”, “tổ chức ưu tú” quy tụ, nuôi dưỡng những ê kíp người tài trong các đơn vị.
Ghi nhận các ý kiến đóng góp của các nhà khoa học, chuyên gia, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Hành chính Việt Nam, đồng chủ trì Hội thảo cho biết Bộ Nội vụ và Hiệp hội sẽ tổng hợp các ý kiến để chuyển Ban soạn thảo Đề án tiếp tục hoàn thiện dự thảo, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, ban hành.