Đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt dịch COVID-19 lần thứ tư ở Việt Nam diễn ra từ tháng 4/2021, đã tác động mạnh mẽ và nặng nề tới nhiều mặt của đời sống xã hội; ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động (NLĐ) cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như các doanh nghiệp ngành du lịch, ngành dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng nhu cầu thiết yếu.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, trong năm 2021, đã có hàng triệu NLĐ mất việc, lao động trong các ngành kinh tế tiếp tục giảm. Lao động mất việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254,2 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800,8 nghìn người so với năm trước; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37,3 nghìn người so với năm trước.
Trong quý 4/2021, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó: Tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ở mức cao là 4,42%, cao hơn 1,94% so với khu vực nông thôn; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%, cao hơn 0,37% so với khu vực nông thôn.
Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 xảy ra liên tục trong 2 năm qua làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, sự dịch chuyển lao động lớn gây thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương…
Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc hỗ trợ NLĐ và người sử dụng lao động gặp khó khăn do tác động bởi đại dịch COVID-19 là cần thiết, là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách hỗ trợ đời sống nhân dân, NLĐ. Hỗ trợ người sử dụng lao động ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh và tạo đà phát triển trong thời gian tới; đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt việc bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động được phép thoả thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, đồng thời một số ngành, nghề, công việc (như dệt may, da, giày, chế biến thuỷ hải sản…) được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm.
Thực tế trên cho thấy các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Điều 107 của Bộ luật Lao động cần phải có sự điều chỉnh trong giai đoạn ngắn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, NLĐ có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống.
Trong thời gian vừa qua, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và NLĐ. Chính sách về làm thêm giờ cũng là một trong những giải pháp góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, NLĐ.
Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của NLĐ và Nghị quyết này đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, thông qua tại Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH1 quy định: Trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm giờ không quá 60 giờ/tháng và không quá 300 giờ/năm, trừ một số trường hợp.
Theo Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trường hợp người sử dụng lao động có nhu cầu và được sự đồng ý của NLĐ thì được sử dụng NLĐ làm thêm trên 200 giờ nhưng không quá 300 giờ trong 1 năm, trừ các trường hợp NLĐ: Từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi; là người khuyết tật nhẹ suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên, khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; lao động nữ mang thai từ tháng thứ 7 hoặc từ tháng thứ 6 nếu làm việc ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; lao động nữ đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
Nghị quyết số 17/2022/UBTVQH15 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV, phiên họp thứ 9 thông qua ngày 23/3/2022 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/4/2022. Riêng quy định về số giờ làm thêm trong 1 năm có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022. Việc thực hiện quy định về số giờ làm thêm tại Nghị quyết này phải tuân thủ đầy đủ các quy định khác có liên quan của Bộ luật Lao động.
Người sử dụng lao động có trách nhiệm áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động và các biện pháp khác nhằm giảm thiểu việc làm thêm giờ; trong trường hợp phải làm thêm giờ, người sử dụng lao động thực hiện các chế độ phúc lợi bảo đảm cho người lao động có điều kiện thuận lợi hơn so với quy định của pháp luật về lao động.