Cần phải có sự điều chỉnh trong giai đoạn ngắn hạn
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung, tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta hiện nay vẫn đang diễn biến rất phức tạp. Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, đặc biệt đợt dịch COVID-19 lần thứ tư ở Việt Nam diễn ra từ tháng 4/2021 đã tác động mạnh mẽ và nặng nề tới nhiều mặt của đời sống xã hội; ảnh hưởng tiêu cực đến người lao động cũng như doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh trong hoạt động sản xuất, kinh doanh như các doanh nghiệp ngành du lịch, ngành dịch vụ, doanh nghiệp sản xuất trong chuỗi cung ứng nhu cầu thiết yếu.
Trong năm 2021, đã có hàng triệu người lao động mất việc, lao động trong các ngành kinh tế tiếp tục giảm. Lao động mất việc trong khu vực công nghiệp và xây dựng là 16,3 triệu người (chiếm 33,2%), giảm 254,2 nghìn người so với năm trước; khu vực dịch vụ là 18,6 triệu người (chiếm 37,9%), giảm 800,8 nghìn người so với năm trước; khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 14,2 triệu người (chiếm 28,9%), tăng 37,3 nghìn người so với năm trước.
Trong quý 4/2021, các doanh nghiệp hoạt động trở lại, tập trung đẩy mạnh hoạt động sản xuất nhằm sớm phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Tuy nhiên, tính chung cả năm 2021 thị trường lao động vẫn còn gặp nhiều khó khăn, với tỷ lệ thất nghiệp năm nay cao hơn năm trước, trong đó: Tỷ lệ thất nghiệp lao động trong độ tuổi khu vực thành thị ở mức cao là 4,42%, cao hơn 1,94% so với khu vực nông thôn; tỷ lệ thiếu việc làm của lao động trong độ tuổi ở khu vực thành thị là 3,33%, cao hơn 0,37% so với khu vực nông thôn. Sau khi kết thúc giãn cách xã hội, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021, các địa phương đã trở lại trạng thái bình thường mới, thực hiện chuyển hướng chiến lược phòng, chống dịch sang "thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Nhưng do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 xảy ra liên tục trong 2 năm qua làm hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, lao động không có việc làm và thất nghiệp tăng, sự dịch chuyển lao động lớn gây thiếu hụt lao động có trình độ kỹ thuật ở nhiều địa phương…
Vì vậy, việc hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do tác động bởi đại dịch COVID-19 là cần thiết, là giải pháp tình thế trong hoàn cảnh đặc biệt để kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách hỗ trợ đời sống nhân dân, người lao động; hỗ trợ người sử dụng lao động ổn định, phục hồi sản xuất, kinh doanh và tạo đà phát triển trong thời gian tới; đáp ứng nhu cầu sử dụng lao động và tăng sự linh hoạt việc bố trí sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19.
Theo quy định tại Điều 107 Bộ luật Lao động thì người sử dụng lao động được phép thoả thuận với người lao động làm thêm không quá 40 giờ/tháng, đồng thời một số ngành, nghề, công việc (như dệt may, da, giày, chế biến thuỷ hải sản…) được làm thêm từ trên 200 giờ đến 300 giờ/năm.
Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã nhận được nhiều phản ánh của các doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp về thực trạng hoạt động sản xuất, đặc biệt là những khó khăn về lực lượng lao động, mong muốn được thỏa thuận làm thêm giờ để phục hồi sản xuất, làm bù cho khoảng thời gian phải ngừng việc.
Thực tế trên cho thấy các quy định về giới hạn làm thêm trong tháng, trong năm tại Điều 107 của Bộ luật Lao động cần phải có sự điều chỉnh trong giai đoạn ngắn để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, người lao động có việc làm và thêm thu nhập, ổn định lại cuộc sống.
Cũng theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, trong thời gian vừa qua, để kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng, chống dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động. Chính sách về làm thêm giờ cũng là một trong những giải pháp góp phần hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động.
Vì vậy, Chính phủ đã xây dựng Nghị quyết về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động, trong đó đề xuất nâng số giờ làm thêm trong 1 tháng của người lao động từ không quá 40 giờ lên không quá 72 giờ và số giờ làm thêm trong 1 năm của người lao động là không quá 300 giờ và được áp dụng cho tất cả các ngành, nghề, công việc.
Nội dung chính sách được xây dựng trong dự thảo Nghị quyết này là các vấn đề khác với quy định của Bộ luật Lao động 2019; thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 15 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020). Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội Khóa XV quy định: “để ứng phó kịp thời, có hiệu quả với diễn biến phức tạp của tình hình dịch COVID-19”, Quốc hội tán thành việc giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ “tiếp tục có biện pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ cụ thể cho người dân, người lao động, người sử dụng lao động”; “đối với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thì Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định trước khi thực hiện”; “trường hợp cần thiết phải ban hành quy định về phòng, chống dịch COVID-19 khác với quy định của luật thì trong thời gian Quốc hội không họp, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định theo trình tự, thủ tục rút gọn trước khi thực hiện”.
Việc điều chỉnh quy định thời giờ làm thêm giờ thuộc thẩm quyền của Quốc hội
Thẩm tra sơ bộ dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động, Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội nhận thấy, dịch bệnh COVID-19 đã để lại ảnh hưởng tiêu cực lớn đến nhiều doanh nghiệp, người sử dụng lao động khi chuỗi sản xuất, kinh doanh, cung ứng cùng hàng loạt đơn hàng bị đứt gãy, đình trệ…, tác động mạnh tới người lao động, đẩy người lao động vào hoàn cảnh khó khăn do phải giãn việc, ngừng việc, nghỉ việc, mất việc làm.
Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho rằng, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, để nhất quán thực hiện chính sách thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh thì việc tăng thời giờ làm thêm trong thời điểm hiện nay được nhìn nhận và đánh giá như một giải pháp hỗ trợ khôi phục sản xuất, khắc phục những tổn thất do dịch COVID-19 gây ra cho người lao động và người sử dụng lao động trong hơn hai năm vừa qua, góp phần cho quá trình phục hồi kinh tế - xã hội của đất nước là rất cần thiết (mặc dù đến thời điểm hiện nay mới trình là muộn hơn so với yêu cầu của thực tiễn).
Thường trực Ủy ban Xã hội và các ý kiến tham gia thẩm tra cơ bản đều đồng tình với quan điểm của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Nghị quyết quy định về biện pháp hết sức đặc biệt này như là một giải pháp tình thế và chỉ áp dụng trong một thời gian ngắn. Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không nên ban hành Nghị quyết về vấn đề này khi chỉ còn hiệu lực hơn 9 tháng, mà nên trình Quốc hội ban hành Nghị quyết như là một giải pháp đặc biệt vừa phục hồi, phát triển kinh tế vừa có phần gắn với phòng, ngừa dịch bệnh COVID-19 và thực hiện trong thời gian cả năm 2022 và năm 2023. Về thẩm quyền ban hành, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết: Thời giờ làm thêm trong 1 tháng và trong 1 năm của người lao động được quy định tại Điều 107 của Bộ luật Lao động năm 2019, nên việc điều chỉnh quy định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội.
Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp với nhiều hậu quả tác động nặng nề đối với nền kinh tế và đời sống người dân; căn cứ vào điểm 3.3, 3.4 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội và khoản 1 Điều 146 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Thường trực Ủy ban Xã hội và Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thống nhất, việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết về nội dung này theo trình tự, thủ tục rút gọn là có cơ sở và phù hợp.
Bên cạnh đó, có ý kiến trong Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng, Chính phủ có thể áp dụng điểm d và điểm đ khoản 3 Điều 107 của Bộ luật Lao động năm 2019 để quy định về các trường hợp khác được làm thêm không quá 300 giờ trong 1 năm. Căn cứ vào kết quả phiên họp thẩm tra, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Xã hội kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Thường trực Ủy ban Xã hội, ý kiến tham gia thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và phối hợp với Thường trực Ủy ban Xã hội hoàn thiện dự thảo Nghị quyết, đồng thời với việc hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành (nếu có) để Nghị quyết thực hiện được ngay sau khi ban hành; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm việc làm thêm giờ phải được sự đồng ý của người lao động trên tinh thần tự nguyện.
Đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn nâng cao vai trò của các công đoàn cơ sở trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, thúc đẩy việc đàm phán linh hoạt và ký kết thỏa ước lao động tập thể, các thỏa thuận bảo đảm phúc lợi cho người lao động trong quá trình thực hiện Nghị quyết này, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 còn diễn biến phức tạp.
Đề nghị Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tăng cường tuyên truyền, thông tin đến giới chủ, các hiệp hội doanh nghiệp, người sử dụng lao động để thực hiện nghiêm chỉnh Nghị quyết này, đồng thời bảo đảm hài hòa quyền và lợi ích giữa các bên trong quan hệ lao động với bối cảnh đặc biệt hiện nay, cố gắng hỗ trợ và tăng cường các chế độ phúc lợi cho người lao động để cùng vượt qua khó khăn, góp phần phục hồi sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh giao Thường trực Ủy ban Xã hội chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan có liên quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét thông qua.