Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) ngày 4/1 tại Hà Nội, VNR báo cáo năm 2019 đạt giá trị sản xuất kinh doanh hơn 8.400 tỷ đồng, doanh thu gần 8.200 tỷ đồng, thu nhập bình quân người lao động 9,12 triệu đồng/tháng...
Để có được kết quả này, VNR đã chủ động, tích cực tìm kiếm nguồn hàng và phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ mới như tàu hàng container nhanh, tàu container lạnh, vận chuyển hàng lẻ từ nhà đến ga, tổ chức vận tải đoàn khách theo hình thức trọn gói và theo yêu cầu, giá cước được điều chỉnh linh hoạt cho phù hợp với nhu cầu vận tải và thời điểm đi tàu...; đồng thời, nâng cao chất lượng dịch vụ, tiện ích trên tàu, đem lại sự hài lòng cho hành khách.
Tuy nhiên, ông Vũ Anh Minh, Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) VNR thừa nhận, sản lượng và doanh thu duy trì được ở mức bằng so với cùng kỳ năm 2018, nhưng chưa đạt kế hoạch đề ra, tất cả các chỉ tiêu về sản lượng vận tải đều không đạt kế hoạch, vận tải hành khách có hệ số sử dụng chỗ thấp và giảm so với cùng kỳ.
Nguyên nhân là do ngành Đường sắt đang có những rào cản phát triển như hệ thống văn bản dưới Luật, Nghị định chưa hoàn thiện, vướng mắc về cơ chế, chính sách trong lĩnh vực khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng đường sắt và quản lý sử dụng đất chưa được giải quyết... gây ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả sản suất kinh doanh.
Cũng theo ông Vũ Anh Minh, sự ra đời của các hãng hàng không giá rẻ, với nhiều đường bay mới, có cự ly ngắn, trung bình (vốn là lợi thế của vận tải đường sắt) và đường bộ cao tốc đang tạo áp lực cạnh tranh lớn và làm giảm thị phần vận tải đường sắt, cộng với áp lực cạnh tranh ngày càng tăng với đường biển và đường bộ về vận tải hàng hóa...
Trong khi đó, vốn đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đường sắt năm 2019 không được giao vì vướng cơ chế, nên một số điểm hạn chế tải trọng chưa được giải quyết; vốn sự nghiệp kinh tế dành cho bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt vẫn chỉ đạt có 40%, gây nguy cơ mất an toàn giao thông đường sắt...
Ở góc độ quản lý, bà Nguyễn Thị Phú Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cho hay, ngành Đường sắt so với ngành khác đang bị cạnh tranh quyết liệt, nhưng ngành vẫn đảm bảo an toàn đường sắt. Khó khăn lớn nhất hiện nay là công tác quản trị và nâng cao sức cạnh tranh. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã làm việc với VNR, đề ra chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và hy vọng các bộ, ban, ngành, địa phương hỗ trợ VNR sớm trình Chính phủ đề án về kết cấu hạ tầng, có thêm các cơ chế, chính sách, nhằm năng cao khả năng cạnh trạnh.
Về vấn đề này, ông Vũ Anh Minh cũng thừa nhận, đường sắt đang chịu cạnh tranh khốc liệt so với 5 lĩnh vực giao thông. Đường bộ có 5 tuyến trục xuyên suốt cả nước, cảng biển xấp xỉ đạt 700 triệu tấn hàng hóa thông qua, kết cấu hạ tầng hàng không tăng sản lượng hành khách lên 100 triệu, nhiều cảng đường thủy xây mới... trong khi, đường sắt “oằn mình” hàng trăm năm nay và hệ thống đường sắt chỉ có cắt bớt đi, không được xây mới, cũng không thể bỏ tiền đầu tư.
Nhìn nhận ngành đường sắt đã có giải pháp, ông Vũ Anh Minh khẳng định, sự thay đổi khó nhất của ngành Đường sắt hiện nay là thay đổi tư duy và nhìn nhận của xã hội. Luật Đường sắt sửa đổi năm 2017 đã mở ra cơ hội tốt cho ngành về các cơ chế, chính sách. Vì vậy, ngành Đường sắt tin tưởng sẽ thay đổi được, nhưng không phải một sớm một chiều, mà cần thời gian và lộ trình tổng thể, trên tinh thần đoàn kết, kiên trì tiếp tục nỗ lực hơn.
Triển khai nhiệm vụ năm 2020, VNR sẽ xây dựng biểu đồ chạy tàu trên từng khu đoạn, tuyến đường theo từng thời điểm, mùa vụ phù hợp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác; tận dụng tối đa thời gian phong tỏa khu gian khi triển khai 4 dự án cải tạo nâng cấp nền đường ray, cầu, hầm.
Bên cạnh đó, VNR tiếp tục kiềm chế và giảm dần tai nạn giao thông đường sắt, phấn đấu giảm so với năm 2019 ít nhất là 5% về số vụ, số người chết và số người bị thương; nghiên cứu áp dụng một số biện pháp để giảm chi phí, hạ giá thành dịch vụ điều hành; khai thác đầu máy hiệu quả để giảm chi phí nhiên liệu, tuân thủy quy định về tác nghiệp đoàn tàu đảm bảo an toàn chạy tàu...
VNR cũng tập trung triển khai đề án tái cơ cấu VNR giai đoạn 2017 - 2020 ngay sau khu được cấp có thẩm quyền phê duyệt; triển khai công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn vốn đầu tư vào kết cấu hạ tầng đường sắt; nghiên cứu, phát triển, đa doạn hóa các dịch vụ hỗ trợ tại ga đề tăng doanh thu; đẩy mạnh khai thác hành lý, hàng hóa nối theo tàu khách, hàng hóa liên vận; phát triển dịch vụ vận chuyển hàng lẻ, bưu kiện từ nhà đến nhà...