Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc.
|
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội cho biết: Bên cạnh công tác quản lý và xử lý các loại chất thải, Thành phố Chí Minh cũng đang đi đầu trong việc thực hiện phân loại rác tại nguồn, được triển khai đồng bộ ở 24 quận, huyện trên địa bàn thành phố. Đây cũng là địa phương chịu khó kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư thực hiện các công nghệ hiện đại xử lý chất thải, đảm bảo vệ sinh môi trường.
Theo ông Phan Xuân Dũng, nhằm thực hiện tốt hơn công tác quản lý và xử lý chất thải, Thành phố Chí Minh cần có những giải pháp hiệu quả trong việc giảm tỷ lệ rác thải chôn lấp, tăng tỷ lệ xử lý rác thải bằng phương pháp đốt, nhất là công nghệ đốt phát điện vừa đảm bảo môi trường vừa tạo ra nguồn điện đấu nối vào lưới điện quốc gia.
Chia sẻ về những giải pháp tăng cường thực hiện công tác quản lý và xử lý chất thải, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Chí Minh cho biết: Thành phố đang xây dựng và sẽ ban hành bảng giá dịch vụ thu gom rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố trong tháng 5. Bên cạnh các giải pháp xử lý rác thải sinh hoạt đô thị, nông thôn, rác thải y tế, rác thải chăn nuôi, rác thải công nghiệp, thành phố cũng đang tập trung các giải pháp để xử lý nước thải gồm nước thải công nghiệp, nước thải nông nghiệp và nước thải sinh hoạt. Nước thải trên địa bàn thành phố được quy hoạch xử lý ở 11 lưu vực, trong đó 1 lưu vực là nhà máy Bình Hưng Hòa đang hoạt động hiệu quả, 2 lưu vực đang được thi công và 2 lưu vực khác đang được kêu gọi đầu tư. Bên cạnh đó, các khu công nghiệp, khu chế xuất đều có trạm quan trắc nước thải, thường xuyên chuyển dữ liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi.
Theo ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh, hiện khối lượng chất thải rắn sinh hoạt của thành phố được thu gom và xử lý đạt khoảng 8.900 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại khu liên hợp xử lý chất thải Tây Bắc, huyện Củ Chi, với diện tích 687 ha và khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước, huyện Bình Chánh, với diện tích 614 ha, tỷ lệ chất thải rắn chôn lấp chiếm 69%, chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng đốt, tái chế, làm phân compost chiếm tỷ lệ 31%.
Nhằm từng bước áp dụng công nghệ hiện đại trong công tác xử lý chất thải rắn, giảm chất thải phát sinh ra môi trường, thành phố đã tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư trong lĩnh vực xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại. Qua đó, thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ khí hóa plasma kết hợp phát điện do Công ty Trisun Green Energy Corporation làm chủ đầu tư. Bên cạnh đó, Thành phố Chí Minh cũng đang phối hợp với tỉnh Long An thực hiện dự án Khu công nghệ Môi trường xanh với diện tích 1.760 ha tại huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An, để xử lý chất thải rắn của vùng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Thành phố Chí Minh kiến nghị Trung ương xây dựng và ban hành quy định về việc thải bỏ, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn công kềnh, tháo gỡ khó khăn cho thành phố trong việc triển khai thực hiện sử dụng phương tiện ghi hình để xử phạt, thẩm quyền phạt tiền và mức phạt phù hợp áp dụng cho đối tượng hộ gia đình không thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn…