Thành phố Hồ Chí minh: Chống ngập và bài toán quy hoạch

TP.HCM có giải quyết triệt để tình trạng ngập nước hay chỉ là chống chỗ này, ngập lại xuất hiện nơi khác. Rất nhiều ý kiến của các chuyên gia lo ngại về những giải pháp chống ngập của TP.HCM thời gian qua vì các giải pháp và hướng tiếp cận không có gì mới.

“Quên” xây cống thoát nước

Quy hoạch xây dựng tràn lan và thiếu kiểm soát đang dẫn đến hậu quả gây ngập nặng nề. Những sai lầm trong quá trình đô thị hóa khi các vùng đất trũng vùng ven đã được san lấp để xây dựng các cụm công nghiệp cùng hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp đã được phân lô để xây dựng nhà ở.

Khu vực ngoại thành lại đang đối mặt với nguy cơ ngập lụt vì hệ thống đê bao đang được thi công kiểu chắp vá khi kinh phí đầu tư bị chẻ nhỏ. Những điểm ngập mới đang tiếp tục phát sinh do những bất cập trong công tác quản lý đô thị. Những điểm ngập mới này tập trung ở các quận, huyện ven như quận 7, quận 9, ,quận 12… những khu vực mà thời gian gần đây (từ khoảng 2007 - 2008) bắt đầu tiến trình đô thị hóa rất mạnh mẽ. Đáng lo ngại là những điểm ngập như vậy đang có xu hướng gia tăng về số lượng lẫn thời gian ngập cũng như mức độ ngập.

Đặc biệt dọc theo sông Sài Gòn từ các quận, huyện như Hóc Môn, 12, Thủ Đức... những khu vực cao của thành phố từ trước đến nay chưa bao giờ ngập nhưng nay cũng bắt đầu ngập, đó là những ngôi làng trù phú một thời chuyên nghề trồng mai, hoa lài, hoa lan và cây cảnh các loại. Những làng hoa truyền thống bậc nhất Sài Gòn đang bị đe dọa thực sự từ sông Sài Gòn. Không chỉ có thế, những nơi này còn trở thành khu vực có số lượng các điểm ngập gia tăng nhanh nhất trong thời gian qua.

Những tuyến đê bao chắn triều cường được xây dựng sơ sài bằng bùn và cừ bê tông.

Đi tìm nguyên nhân của tình trạng này không khó… Trước đây, những địa phương nêu trên, thoát nước chủ yếu xuống các sông, kênh rạch quanh vùng. Nay khi nhiều khu dân cư mới mọc lên, lấp đi nhiều kênh rạch, đường đất bị bê tông hóa, nước không có chỗ thoát, chỗ thấm xuống đất nên đọng lại và gây ngập. Có một thực tế là tại các khu dân cư, đô thị mới, chủ đầu tư thường xem nhẹ quy hoạch thoát nước, chủ đầu tư chỉ chăm chăm vào làm đường cho đẹp để thu hút khách hàng hòng khai thác quỹ đất một cách tối ưu. Và họ cũng lờ luôn quy định khi lấp kênh rạch thì phải trả lại diện tích mặt nước. Đặc biệt, còn một điều hết sức nguy hại cần được cảnh báo là nhiều chủ đầu tư chỉ chăm chăm lo làm đường ở khu đô thị của mình cao lên, bất chấp quy hoạch chung của khu vực. Vì vậy, nhiều tuyến đường xung quanh các khu đô thị mới cứ mưa là ngập do trũng thấp.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, khi xây dựng các khu dân cư mới, chủ đầu tư bao giờ cũng phải xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật, trong đó có hệ thống thoát nước. Tuy nhiên, không mấy chủ đầu tư làm được như vậy. Ông Hòa cho rằng, lỗi trước tiên là do công tác quy hoạch còn yếu; tuy nhiên, công tác quản lý sau quy hoạch lại có nhiều bất cập.

Thấy gì từ các dự án chống ngập

TP.HCM đang triển khai 4 dự án thoát nước với tổng trị giá hơn 1 tỷ USD từ nguồn vốn ODA, và hàng chục tiểu dự án khác ở các quận, huyện vùng ven, đó là chưa kể một đại dự án trị giá 12 ngàn tỷ đồng do Bộ NN và PTNT làm chủ đầu tư.

Tuy nhiên các dự án trên do thời gian triển khai quá lâu khiến cho các số liệu đã lạc hậu so với thực tế. Hậu quả là sau mỗi cơn mưa hay triều cường đều xảy ra hiện tượng ngập ngay trên những dự án chống ngập. Cụ thể, tại nhiều tuyến đường đã được nâng cấp hệ thống thoát nước tình trạng ngập trong và sau mưa vẫn trầm trọng. Cụ thể, trên các tuyến như Hàn Hải Nguyên, Ba Tháng Hai, Minh Phụng, An Dương Vương… dự án chống ngập đã hoàn thành với kinh phí đầu tư hàng tỷ đồng nhưng hễ mưa là ngập. Những biến đổi của tự nhiên kết hợp với việc làm biến mất các vùng chứa triều tự nhiên làm cho công tác chống ngập của TP.HCM ngày càng trở nên phức tạp và khó khăn. Chỉ riêng việc kiểm soát yếu tố ngập do mưa cũng đã là một vấn đề lớn. Hiện nay chỉ cần một cơn mưa có vũ lượng mưa trung bình, kéo dài 10 – 15 phút cũng khiến nhiều con đường tại TP.HCM bị ngập.

PGS - TS Hồ Long Phi, Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh đã từng nhận định rằng nếu cả 4 dự án chống ngập lớn hoàn thành trong 5 năm tới, dự báo cũng chỉ giảm được 50% số lượng điểm ngập. Lý do là lượng mưa tăng bất thường trong 20 năm trở lại đây đã làm hệ thống cống thoát nước đang xây dựng bị quá tải. Nhìn nhận khách quan tại một dự án thì các yếu tố kỹ thuật về hệ thống cống thoát nước của dự án nạo vét lưu vực rộng 3.500ha của kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè mặc dù đang xây dựng với tổng vốn trên 300 triệu USD, nhưng khả năng tiêu thoát nước của mạng lưới cống của dự án đã lạc hậu so với lượng mưa tăng cao bất thường gần đây. Vì vậy, ngay cả khi dự án hoàn thành đúng tiến độ thì diện tích vùng ngập vẫn còn đến 900ha nếu trời mưa to.

Ý KIẾN

Ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh:
“Siết” quy hoạch

Trên cơ sở các quy hoạch Chính phủ phê duyệt và kết quả nghiên cứu của các tổ chức khoa học trong, ngoài nước, nhằm chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, nâng cao hiệu quả quản lý công tác chống ngập trên địa bàn, nhiệm vụ trọng tâm sắp tới của TP là tập trung quy hoạch hệ thống thoát nước mưa và phát triển hạ tầng kỹ thuật theo hướng: Đối với các khu vực nội thành hiện hữu (13 quận cũ), khu nội thành phát triển (6 quận mới), các khu dân cư nông thôn và khu đô thị mới tại 5 huyện trong vùng bờ hữu sông Sài Gòn - Nhà Bè thuộc hệ thống đê bao khép kín, có quy định khống chế cao độ nền xây dựng, chú trọng hoàn thiện mặt phủ, tăng diện tích cây xanh, thảm cỏ.

Tăng cường quản lý các quỹ đất, bảo đảm diện tích mặt nước, hệ thống sông rạch phục vụ tiêu thoát nước và chống ngập; quản lý chặt quỹ đất nông nghiệp, bố trí trục cây xanh, cảnh quan, mặt nước (chiều rộng từ 50 - 800 m) để hình thành 3 tuyến vành đai sinh thái (chiều rộng từ 2.000 - 3.000 m) dọc hai bên bờ sông Sài Gòn, sông Đồng Nai và sông Nhà Bè. Đồng thời quản lý chặt chẽ việc san lấp và xây dựng công trình trên sông, kênh, rạch, đầm hồ công cộng; quy hoạch tổng thể hệ thống và xây dựng các hồ điều tiết tại khu vực phù hợp, giảm sự gia tăng dòng chảy để hỗ trợ tiêu thoát nước; bảo đảm diện tích các khu đất ngập nước tại những nơi có địa hình thấp, diện tích sông rạch và tạo cảnh quan đô thị.

Bên cạnh đó, phải tính toán các tiêu chí về các yếu tố mưa, triều, lũ, sinh thái khi xem xét lập hồ sơ các dự án, thiết kế công trình để khi đưa vào sử dụng bảo đảm tính bền vững thích ứng với biển đổi khí hậu. Tăng cường công tác quản lý đô thị, xây dựng những quy định phù hợp về bù đắp diện tích mặt nước bị san lấp và ngăn chặn việc gia tăng hệ số chảy tràn; quy định các biện pháp chế tài mạnh để bảo vệ có hiệu quả hệ thống cống thoát nước, kênh rạch, vùng đệm, vùng điều tiết nước.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Hồ Long Phi, Đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh: TP cần phải có những hồ điều tiết
Xây dựng hồ điều tiết đã được đề cập trong nhiều quy hoạch của thành phố và trong điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025; trong quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước TP.HCM đến năm 2020, hồ điều tiết cần thực hiện để chống ngập cho các vùng cao. Tuy nhiên, cần phải đặt ngay vấn đề hồ điều tiết ở những khu dân cư mới thành lập, để sau này đỡ phải sửa. Với những dự án mới, cố gắng sẽ đưa vào thể chế: Khi xây dựng, nhà đầu tư phải dành một diện tích nhất định trong dự án của mình để làm hồ điều tiết. Còn đối với những khu nhà ổ chuột hiện nay, cố gắng chỉnh trang đô thị đưa ra những tầng nhà cao hơn nhằm tiết kiệm diện tích đất, đất dôi dư ra sẽ làm diện tích cây xanh, trong đó có hồ điều tiết.

Chị Nguyễn Thị Đào, quận Thủ Đức: Mua nhà trên cao cũng không thoát ngập
Trước đây quận Thủ Đức rất ít bị ngập, người đi lại rất dễ dàng, còn bây giờ thì sau mỗi cơn mưa nhiều khu vực như biến thành sông. Những ai thường xuyên đi lại trên đường Kha Vạn Cân mới thấm thía cảnh lội sông bì bõm. Mỗi tháng có hàng chục ngày nhiều đoạn đường bị ngập. Trước đây nghe theo lời người ta mình về mua đất ở Thủ Đức vì nó cao không bị ngập, ai dè nhà cửa mọc lên san sát, ao hô kênh rạch bị bồi lấp và hậu quả mỗi trận mưa nước có lối thoát chỉ chảy từ khu này qua khu vực khác, ngập càng nặng hơn.

Theo số liệu từ Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ - tổng lượng mưa trung bình hằng năm ở TP.HCM khá cao từ 1.800 – 2.000mm, tập trung trong 7 tháng (từ tháng 5 - 11) chiếm khoảng 90% lượng mưa của cả năm. Và những cơn mưa có vũ lượng từ 80 đến hơn 100mm đã xuất hiện nhiều hơn. Cụ thể: Nếu trong 5 năm (1992 -1996) chỉ có tổng cộng 8 trận mưa trên 80mm, thì đến 5 năm tiếp theo (1997-2001) đã xuất hiện đến 14 trận và giai đoạn 2002-2006 cũng có khoảng 14 trận mưa với vũ lượng lớn. Đặc biệt, tần suất những cơn mưa có vũ lượng lớn hiện nay xảy ra dày hơn, chỉ trong 2 năm (2008 và 2009) đã có đến 13 trận mưa từ trên 80 đến 140mm. Trong khi đó, hệ thống cống cũ và mới được thiết kế chỉ có khả năng chịu nổi đối với những trận mưa có vũ lượng dưới 80mm.

Chống ngập-thiếu “nhạc trưởng”

“Mưa ngập, nắng bụi” đó là chuyên của trời, thiên nhiên rất khắc nghiệt nếu như con người phát triển đi ngược lại với quy luật tự nhiên. TP.HCM vùng đất nằm ven sông lẽ ra sẽ được hưởng rất nhiều ưu đãi này, nhưng rất tiếc việc quy hoạch vụn và chắp vá khiến TP này đã và đang phải gánh hậu quả.

Nhìn lại 10 năm gần đây, tình trạng ngập lụt TP không được cải thiện đáng kể. Các dự án chống ngập có trị giá hàng chục triệu USD dường như chỉ giải quyết tình trạng ngập nước cục bộ được của một khu vực. Xét về tổng thể ngập vẫn là bài toán hết sức nan giải của lãnh đạo TP.HCM.

Theo TS Tô Vân Trường, bất kỳ quốc gia nào khi tiến hành các giải pháp chống ngập cho thành phố đều phải có quy hoạch chống ngập nằm trong quy hoạch phát triển tổng thể dưới sự chỉ huy chung của “nhạc trưởng” được lãnh đạo thành phố ủy quyền. Nguyên nhân gây ngập ở TP.HCM do mưa, triều, xả lũ từ các hồ chứa ở thượng lưu, tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, nhiều nơi nền bị lún v.v… Quy hoạch chống ngập úng TP.HCM trong thời gian vừa qua là những bước đi đầu tiên nhằm tìm kiếm những giải pháp khả thi, hiệu quả. Tuy vậy, do thiếu gắn kết một cách đồng bộ giữa các quy hoạch thành phần nên mặc dù đã có nhiều cố gắng trong quá trình thực thi nhưng những vấn nạn tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường do úng ngập trên địa bàn thành phố vẫn là nỗi bức xúc của người dân chưa tìm thấy hướng giải quyết rõ ràng.

Giải quyết vấn nạn ngập nước, TP.HCM như một đại công trình với Dự án chống ngập của JICA (Nhật Bản) chủ yếu mới tập trung vào khu lõi của thành phố mục tiêu chống ngập do nước mưa, với các công trình đang thi công chủ yếu là vốn vay của ODA đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành. Và một dự án khác đang chuẩn bị triển khai đó là Dự án quy hoạch chống ngập do Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) thực hiện chú trọng vào ngăn triều theo phương án bao trong với hệ thống đê và 12 cống lớn, nguồn kinh phí được phê duyệt khoảng 12 ngàn tỷ đồng.

Tuy nhiên theo TS Tô Vân Trường, Dự án chống ngập do triều của Bộ NN&PTNT vẫn còn ý kiến băn khoăn về hiệu quả của dự án mặc dù đã được Thủ tướng phê duyệt. Đáng lý ra, ngay từ khi Bộ NN&PTNT trình bày dự án quy hoạch chống ngập úng, TP.HCM cần phải chủ động thành lập Hội đồng tư vấn độc lập để đánh giá so sánh phương án bao ngoài cửa sông với phương án bao trong như hiện nay về các mặt kinh tế, xã hội, môi trường, có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

Thực tế việc chống ngập rất quan trọng nên thành phố đã thành lập Trung tâm chống ngập, nhưng quyền hạn còn rất hạn chế nên chưa thể hiện được vai trò “nhạc trưởng” trong việc phối hợp với các ngành, các cấp. Điều này đã dẫn đến những hạn chế là chưa có một chiến lược tổng thể, toàn diện về xóa, giảm ngập; giải pháp về kiểm soát triều, quy hoạch chi tiết các lưu vực thoát nước, bình đồ hệ thống thoát nước với sự cập nhật bổ sung thường xuyên… Chưa đảm bảo sự phối hợp đồng bộ giữa các sở, ngành của thành phố với các tỉnh lân cận và các bộ, ngành trung ương lại bị phân tán về nguồn lực, dàn trải về mục tiêu và giải pháp do không có một cơ quan chỉ huy thống nhất để điều hành chương trình; tiến độ thực hiện các dự án, nhất là các dự án ODA vốn được xem là một giải pháp đột phá để thực hiện chương trình chống ngập rất chậm đặc biệt là chưa có những giải pháp hiệu quả để huy động các nguồn lực xã hội cùng tham gia chương trình chống ngập.

Đăng Giới - Sĩ Dũng

Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011- 2015
Chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011- 2015

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ IX về chương trình giảm ngập nước giai đoạn 2011 – 2015, UBND TP vừa ban hành quyết định thực hiện chương trình này với mục tiêu tập trung giải quyết cơ bản tình trạng ngập nước...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN