Tổng mức hỗ trợ của chương trình này là 6.600 tỷ đồng. Người lao động đang làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang rất mong muốn sớm được nhận hỗ trợ, để góp phần khắc phục những khó khăn trước mắt do ảnh hưởng của dịch COVID-19
Trong căn phòng rộng chỉ hơn 10m2 ở Khu công nghiệp Hoằng Long, thành phố Thanh Hóa, vợ chồng chị Nguyễn Thị Thanh Thúy (34 tuổi, quê Bắc Ninh) đang cùng nhau nấu bữa cơm chiều. Lương công nhân của vợ chồng eo hẹp nên chị Thúy cũng chỉ dám thuê phòng với giá 700.000 đồng/tháng. Không có khu bếp nấu riêng, nơi nấu ăn được kê ngay trong phòng khiến không gian khá chật chội. Vài năm nay, dịch COVID-19 đã khiến vợ chồng chị phải nhiều lần tạm ngưng việc.
"Trước còn có lương tăng ca, giờ thì không những không tăng mà còn giảm giờ làm nên thu nhập của vợ chồng không còn bao nhiêu. Tôi phải tằn tiện lắm mới đủ chi phí sinh hoạt và gửi về quê nuôi hai con nhỏ. Chúng tôi mong sớm được hưởng chính sách hỗ trợ tiền trọ cho công nhân để phần nào bớt chật vật".
Nguồn thu nhập chính của gia đình phụ thuộc vào mấy sào ruộng nên cuộc sống của gia đình chị Nguyễn Thị Loan (huyện Như Thanh, Thanh Hóa) còn nhiều khó khăn. Để có thêm thu nhập, chị đành gửi con cho ông bà lên thành phố Thanh Hóa thuê trọ làm công nhân tại Công ty trách nhiệm hữu hạn may Việt Nhật (Khu công nghiệp Lễ Môn, thành phố Thanh Hóa). Lương công nhân ít ỏi, phải tiết kiệm gửi về quê nuôi con nên chị Loan chỉ thuê căn phòng nhỏ rộng chừng 10m2.
Theo chị Loan, dịch bệnh khiến nhiều công nhân phải giảm giờ làm, thu nhập bấp bênh trong khi phải chi phí nhiều thứ, đặc biệt là tiền ở trọ. Qua Tết, quay trở lại làm việc công nhân bị mắc COVID-19 tương đối nhiều phải nghỉ ở nhà điều trị, cách ly. Nếu được nhận sự hỗ trợ của Chính phủ thời điểm này là rất quý. Tuy nhiên, cần tối giản nhất có thể các thủ tục để người lao động sớm nhận tiền hỗ trợ. Hiện, công nhân đã đi làm trở lại nên nếu phải xin nghỉ nhiều ngày để làm thủ tục nhận hỗ trợ thì sẽ rất khó cho người lao động.
Có rất nhiều công nhân không chỉ ngoại tỉnh mà trong tỉnh đang phải thuê trọ tại các khu công nghiệp để gần nơi làm việc. Cuộc sống của họ vô cùng khó khăn, giá phòng trọ dù không quá cao nhưng cũng là khoản chi phí lớn trong tháng của mỗi gia đình. Nhiều công nhân khi nhắc đến khoản tiền sắp được hỗ trợ đều rất phấn khởi và mong ngóng.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh, Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến và Xuất khẩu nông sản Việt (Khu công nghiệp Hoằng Long) cho rằng hỗ trợ tiền thuê nhà là đỡ đi phần nào gánh nặng cho công nhân sau thời gian đầy khó khăn. Tôi cho rằng, chính sách này rất nhân văn, giúp công nhân yên tâm làm việc, góp phần phát triển doanh nghiệp và đóng góp cho sự phát triển của xã hội.
Trao đổi về vấn đề này, ông Ngô Thế Anh, Chủ tịch Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp Thanh Hóa cho biết, gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng là chính sách an sinh thiết thực, kịp thời và là đòn bẩy để người lao động vực dậy sau khi chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19. Cùng với Nghị quyết 68, Nghị quyết 116... của Chính phủ, gói hỗ trợ 6.600 tỷ đồng thể hiện rõ sự quan tâm của Đảng, Chính phủ đến đời sống công nhân, người lao động.
Chủ tịch Công đoàn Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu Công nghiệp cũng kỳ vọng, thời gian tới khi có quyết định chính thức, Bộ chủ quản kết hợp với cấp ủy chính quyền địa phương, đặc biệt là lực lượng công an, xã phường trên địa bàn có người lao động để khảo sát, đánh giá đúng đối tượng, tránh tình trạng lợi dụng chính sách và cũng không để bỏ sót đối tượng được hưởng.