Theo đó, trong khi chờ ý kiến của các cơ quan chuyên ngành, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa sẽ phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại trại nuôi hổ, không để xảy ra vụ việc vi phạm về chế độ quản lý động vật hoang dã. Gia đình bà Lê Thị Hồng tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng các cá thể hổ hiện có tại trại nuôi, đảm bảo tuyệt đối an toàn cho tính mạng, sức khỏe cộng đồng, không được tự ý di chuyển hổ ra khỏi khu vực nuôi nhốt khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.
Trước đó, vào ngày 28/5, em Mai Văn Chiến (13 tuổi, xã Quảng Phú, huyện Thọ Xuân) và bạn cùng lớp rủ nhau tới trang trại nuôi hổ trên địa bàn cồn Tàu Voi, xã Xuân Tín (huyện Thọ Xuân) chơi. Khi hai bé trai trèo lên tường rào để xem hổ, bất ngờ một con trong đàn vồ trúng chân Mai Văn Chiến khiến phần bắp thịt và nhiều mạch máu bị đứt phải điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa và tiếp tục được chuyển ra Viện bỏng Quốc gia.
Ngay khi sự việc xảy ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã phối hợp với các ban ngành liên quan tiến hành rà soát, kiểm tra cơ sở nuôi nhốt hổ của chủ trại nuôi là gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến. Qua kiểm tra, trại nuôi hổ này được Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận trại nuôi với mục đích nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn thời hạn 5 năm và đã hết hạn ngày 22/5/2017. Số lượng cá thể hổ tại trại nuôi đến thời điểm này là 11 cá thể hổ.
Đại diện hộ gia đình bà Lê Thị Hồng (là vợ ông Nguyễn Mậu Chiến và được ông Chiến ủy quyền đứng tên chủ trại nuôi). Trại nuôi được xây dựng ở khu vực biệt lập, không có người lạ ra vào, không đạt được mục đích là nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn do số cá thể hổ cái tại trại nuôi không sinh sản; không có tác dụng giáo dục môi trường, giáo dục thiên nhiên hay nghiên cứu khoa học. Ông Nguyễn Mậu Chiến và bà Lê Thị Hồng hiện tại đều có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, không trực tiếp quản lý trại nuôi.
Đàn hổ của gia đình ông Nguyễn Mậu Chiến. Ảnh: nld.com.vn |
Theo thông tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an quận Hà Đông (thành phố Hà Nội), hiện ông Nguyễn Mậu Chiến đã bị cơ quan Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam với nhiều tang vật là động vật hoang dã và sản phẩm của chúng, trong đó có 2 cá thể hổ đông lạnh. Kết quả kiểm tra, rà soát bước đầu xác định trại nuôi chưa đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học theo quy định của Chính phủ về tiêu chí xác định loài và chế độ quản lý loài thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Trong một diễn biến khác, ngày 9/6/2017, Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa đã làm văn bản gửi Cục Kiểm lâm, Cơ quan quản lý CITES Việt Nam xin ý kiến về hoạt động gây nuôi, cấp phép trại nuôi hổ tại xã Xuân Tín nhưng đến ngày 27/6/2017 vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi.
Vì vậy, trong khi chờ xin ý kiến của các cơ quan chuyên ngành, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa đã chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm Thanh Hóa phối hợp với UBND huyện Thọ Xuân tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại trại nuôi hổ, không để xảy ra vụ việc vi phạm về chế độ quản lý động vật hoang dã.
Cuối năm 2006, ông Nguyễn Mậu Chiến mua đàn hổ con do người dân bắt được từ Lào mang về, đưa về nhà nuôi nhốt tại xóm 27, xã Xuân Tín. Việc mua, nuôi nhốt số hổ nói trên không có bất cứ một loại thủ tục, giấy tờ nào của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Việc gia đình ông Chiến nuôi nhốt trái phép hổ trong khu dân cư đã từng gây bức xúc và lo lắng cho nhiều hộ dân sinh sống ở khu vực này. Sau gần 5 năm, đến tháng 3/2011, gia đình ông Chiến đã được huyện Thọ Xuân cho thuê 7,6 ha đất (thời hạn 50 năm) tại khu vực cồn Tàu Voi - xã Xuân Tín để xây dựng trại nuôi nhốt hổ, đàn hổ được ông Chiến di chuyển về đây và giao cho người nhà chăm sóc.
Khi phát hiện đàn hổ nuôi nhốt trái phép này, năm 2007 - 2008, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ký 2 quyết định số 1505 và quyết định số 2320 xử phạt vi phạm hành chính ông Nguyễn Văn Tư và ông Nguyễn Mậu Chiến vì nuôi nhốt hổ trái phép.
Các quyết định xử phạt cũng giao cho ông Nguyễn Mậu Chiến và ông Nguyễn Văn Tư (là người nhà ông Chiến) tiếp tục nuôi nhốt đàn hổ và lập phương án nuôi nhốt trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, trên nguyên tắc nuôi nhốt phải đảm bảo điều kiện an toàn cho người nuôi và nhân dân trong vùng, an toàn dịch bệnh đối với vật nuôi, kiến thức khoa học trong chăm sóc, nuôi sinh trưởng, sinh sản để bảo tồn loài động vật này, đưa vào hệ thống quản lý, theo dõi thường xuyên, chặt chẽ của các cơ quan chức năng theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, nghiêm cấm giết mổ, mua bán, kinh doanh vì mục đích thương mại, không được tự ý di chuyển hoặc mua thêm hổ để nuôi. Nếu vi phạm các nội dung này hoặc làm thất thoát số hổ nói trên đều phải xử lý nghiêm theo pháp luật.