Tập trung ngăn chặn gia cầm nhập lậu

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tình hình buôn bán, vận chuyển gia cầm nhập lậu càng trở nên phức tạp. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến việc chăn nuôi gia súc, gia cầm, mà còn đe dọa sức khỏe của người tiêu dùng. Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã có yêu cầu mở đợt cao điểm ngăn chặn gia cầm nhập lậu đến tháng 2/2013.

 

60% mẫu gia cầm chứa virút


Theo Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), việc vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu không rõ nguồn gốc, chưa qua kiểm dịch, không đảm bảo an toàn thực phẩm với số lượng ngày càng lớn là nguy cơ gây lây lan bệnh cúm gia cầm, ảnh hưởng xấu đến thị trường, gây thiệt hại cho ngành chăn nuôi trong nước vẫn chưa được ngăn chặn, gây bức xúc trong xã hội.

 

Lực lượng quản lý thị trường kiểm tra một điểm kinh doanh gia cầm tại chợ Giếng Vuông (TP Lạng Sơn).

Việc nhập lậu gia cầm thải loại dẫn đến nguy cơ lây lan dịch bệnh sang đàn gia cầm trong nước rất cao do có tới 60% mẫu gia cầm nhập lậu kiểm nghiệm chứa virút, trong đó có một số chủng virút gây dịch bệnh mà hiện nay nước ta chưa có vắcxin đặc hiệu để phòng ngừa. Gia cầm thải loại nhập lậu còn có hàm lượng thuốc kháng sinh và các loại hóa chất khác cao quá mức với 100% mẫu xét nghiệm cho thấy tồn dư. Đây là mối nguy khôn lường với sức khỏe của người tiêu dùng.


Do chênh lệch giá giữa gà nhập và gà trong nước khá lớn (giá gà thải loại không rõ nguồn gốc ở bên kia biên giới chỉ khoảng 15.000 đồng/kg, về đến Móng Cái - Quảng Ninh có giá gấp đôi và khi đến tay người tiêu dùng giá lên đến 65.000 - 70.000 đồng/kg, nên chỉ trong tuần cuối của năm 2012, lực lượng chức năng các địa phương đã liên tiếp phát hiện nhiều vụ nhập lậu gia cầm.

 

Điển hình là ngày 29/12, Cục Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Hải Phòng đã kiểm tra và phát hiện tàu Fucheng 16 của Trung Quốc đang vận chuyển trên 250 tấn sản phẩm gia cầm đông lạnh. Do số hàng hóa không có giấy tờ, vi phạm các quy định của pháp luật nên cơ quan chức năng đã tạm giữ tàu và hàng hóa để xử lý theo quy định. Cũng tại Hải Phòng, ngày 27/12, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh cũng phát hiện xe ô tô BKS 17C-00581 vận chuyển 8.000 con gà giống không có hóa đơn, chứng từ xuất xứ.

 

Chủ xe hàng này cho biết, số gà nhập lậu từ Trung Quốc này được nhập lậu vào Uông Bí - Quảng Ninh và đang trên đường vận chuyển về Thái Bình tiêu thụ. Ngày 23/12, Phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Bắc Giang) và Chi cục Quản lý thị trường cũng đã phát hiện và bắt giữ xe ô tô BKS 12A - 007.16 đang vận chuyển 11.000 con gà giống nhập lậu. Ngay sau khi phát hiện vi phạm, các lực lượng đã lập biên bản xử phạt hành chính và tiêu hủy toàn bộ số gà này. Cũng trong ngày 23/12, Phòng Cảnh sát môi trường (Công an Hà Nội) phối hợp với Công an huyện Thường Tín và Đội quản lý thị trường số 30 đã phát hiện một chiếc xe tải chở 3 tấn gà lậu nhưng không có hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc xuất xứ…

 

Xử lý triệt để


Tại cuộc họp sơ kết một tháng triển khai phương án ngăn chặn việc vận chuyển, kinh doanh gà nhập lậu được tổ chức gần đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đánh giá, bước đầu lượng gà nhập lậu đã giảm rõ rệt nên đã có tác động tích cực tới ngành chăn nuôi gia cầm trong nước, giúp giá gà trong nước tăng, thu nhập của người chăn nuôi được cải thiện, kích thích sản xuất phát triển. Mặc dù lượng gà nhập lậu đã giảm, nhưng Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an điều tra, xác định rõ đối tượng cầm đầu tổ chức vận chuyển, kinh doanh gia cầm nhập lậu ở khu vực phía Bắc, phối hợp với UBND các tỉnh có biện pháp đấu tranh, ngăn ngừa tới từng đối tượng, xử lý nghiêm minh đúng luật pháp đối với người và phương tiện vận tải tham gia.


Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương làm đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin cho các bộ, ngành và địa phương liên quan về tình hình gia cầm nhập lậu qua biên giới, diễn biến quá trình vận chuyển, tiêu thụ trong nội địa và việc xử lý tại các địa phương. UBND các tỉnh, thành phố phía Bắc chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung rà soát, xử lý triệt để các đối tượng vận chuyển, kinh doanh gia cầm không được phép nhập khẩu. Ngoài ra, các bộ, ngành, địa phương và thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai đợt cao điểm ngăn chặn gia cầm nhập lậu đến hết Tết Nguyên đán Quý Tỵ, tập trung xử lý triệt để các phương tiện vận chuyển gia cầm nhập lậu, tạo tiền đề chuyển sang các biện pháp phòng, chống nhập lậu bền vững.


Trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Đề án phòng ngừa, ngăn chặn vận chuyển và kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu trái phép, tập trung thực hiện tại các tỉnh, thành phố gồm Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái, Hòa Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên, Thái Bình, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội. Thủ tướng yêu cầu từ ngày 27/12 đến hết tháng 2/2013, các lực lượng chức năng phải triển khai đợt hoạt động cao điểm ngăn chặn nhập khẩu, vận chuyển, tiêu thụ gia cầm không được phép nhập khẩu. Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) chỉ đạo hoặc trực tiếp điều tra nắm tình hình các đối tượng đầu nậu, các đường dây chuyên mua bán, nhập lậu gia cầm qua biên giới; khi thấy cần thiết, có thể trực tiếp tổ chức lực lượng phối hợp kiểm tra, xử lý. Các tỉnh, thành phố có thể thành lập đội kiểm soát cơ động liên ngành để kiểm soát gà nhập lậu…

 

Văn Xuyên

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN