Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức họp trực tuyến ứng phó với cơn bão số 4. Ảnh: Hoàng Hùng/TTXVN |
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, Đặng Ngọc Sơn cho biết: Tỉnh đã ban hành Công điện chỉ đạo các cơ quan chức năng và các đơn vị thuộc tỉnh tập trung ứng phó với bão, liên tục phát tin dự báo, cảnh báo về bão trên các phương tiện thông tin đại chúng để nhân dân biết và chủ động phòng tránh. Tỉnh cũng ban hành lệnh cấm biển vào 8 giờ ngày 24/7 đồng thời kiểm soát việc di dời dân về nơi tránh trú an toàn, cắt cử cán bộ giám sát, hướng dẫn, giúp đỡ nhân dân tại các điểm có nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống.
Tỉnh Nghệ An cũng triển khai họp trực tuyến với các sở, ngành, huyện, thành phố để triển khai công tác ứng phó bão số 4, hoãn các cuộc họp không cần thiết đồng thời chỉ đạo các đơn vị trực 24/24 giờ để ứng phó với bão, ông Đinh Viết Hồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nói.
Bão số 4 dự kiến đổ vào các tỉnh Bắc Trung Bộ với trọng tâm từ Hà Tĩnh đến Quảng Trị. Đây là khu vực vừa bị thiệt hại nặng nề do bão số 2 và đang trong giai đoạn khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường đề nghị huy động mọi lực lượng tập trung ứng phó với bão số 4, tránh tư tưởng chủ quan trong công tác phóng tránh bão và tiếp tục thực hiện Công điện số 29, ngày 23/7 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy Ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương tiếp tục theo dõi, cập nhật, ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo về diễn biến của bão. Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài tiếng nói Việt Nam và các cơ quan báo chí tăng thời lượng phát sóng, đưa tin về diễn biến của bão và phổ biến các kỹ năng ứng phó với bão và mưa lũ để người dân, tổ chức chủ động phòng, chống, giảm thiểu thiệt hại. Các bộ, ngành chức năng chỉ đạo, giúp đỡ, hỗ trợ các địa phương trong công tác ứng phó với bão (đặc biệt ngành điện, giao thông vận tải, Biên phòng, lực lượng an ninh...).
Trưởng ban Chỉ đạo yêu cầu: Triển khai mọi phương án với mục tiêu đảm bảo về người và tài sản của nhân dân, quyết liệt triển khai sơ tán dân trên các phương tiện, lồng bè, chòi canh, khu nuôi trồng thủy sản, vùng thấp trũng ven biển đến nơi an toàn tuyệt đối (đặc biệt tại các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị - vùng tâm bão dự báo đi qua). Kiên quyết kêu gọi tàu thuyền vào nơi tránh trú; hướng dẫn, tổ chức sắp xếp tàu thuyền tại khu neo đậu để đảm bảo an toàn, tránh việc có nhiều tàu thuyền bị chìm tại khu neo đậu khi bão đổ bộ như tại Quảng Bình trong bão số 2 vừa qua; kiểm soát chặt chẽ các tàu vận tải, tàu vãng lai, tổ chức neo đậu, tránh thiệt hại do tư tưởng chủ quan tàu lớn có thể chống chịu được bão như tại Nghệ An vừa qua.
Theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; cảnh báo, thông tin kịp thời đến các cấp chính quyền, người dân để chủ động các biện pháp phòng tránh; chủ động tiêu thoát nước đệm để đảm bảo an toàn chống úng cho các diện tích lúa và hoa màu; dự phòng phương án khôi phục sản xuất, đặc biệt là tại những địa phương đã bị thiệt hại do bão số 2. Sẵn sàng phương án bố trí lực lượng kiểm soát giao thông tại các vị trí ngầm, tràn, đường giao thông có nguy cơ bị ngập sâu do lũ; sẵn sàng phương án bảo vệ các trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu. Các lực lượng, phương tiện, trang thiết bị cứu hộ cứu nạn để xử lý các tình huống có thể xảy ra. Đồng thời, rà soát an toàn hệ thống điện đảm bảo cung cấp thường xuyên, liên tục phục vụ sản xuất và sinh hoạt; có phương án sẵn sàng khôi phục kịp thời khi có sự cố xảy ra.
Theo báo cáo số 261 ngày 25/7 của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 25/7, các tỉnh ven biển từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa đã kiểm đếm, hướng dẫn cho 72.070 phương tiện/287.407 lao động biết diễn biến, hướng di chuyển của bão số 4 để chủ động di chuyển phòng tránh hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm, trong đó, hoạt động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa: 520 tàu/3.439 lao động (Đà Nẵng15 tàu/186 lao động; Quảng Nam 130 tàu/2.025 lao động; Quảng Ngãi 132 tàu/910 lao động; Bình Định 240 tàu/1.440 lao động; Khánh Hòa 2 tàu/17 lao động; Quảng Bình 4 tàu/24 lao động).
Hoạt động, neo đậu ở khu vực từ 16,0-20,0 độ Vĩ Bắc và phía Tây kinh tuyến 111,5: 30.209 tàu/108.339 lao động; hoạt động các vùng biển khác và neo đậu tại bến là 41.341 tàu/175.629 lao động; 1.863 lều, chòi nuôi trồng thủy sản/2.584 người (Hải Phòng 751 lồng bè, lều chòi/1.205 lao động; Ninh Bình 196 chòi/154 lao động; Nam Định 916 lều chòi/1.125 lao động).