Tăng phí với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng từ 1/4

Đây là đợt tăng phí nóng cuối cùng của tuyến đường. Theo đó, tuyến cao tốc HN-HP sẽ tăng phí 25%, Quốc lộ 5 tăng gấp đôi.

Theo đại diện Tổng Công ty Phát triển hạ tầng và Đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI), bắt đầu từ 0 giờ ngày 1/4/2016,  Tổng Công ty sẽ điều chỉnh mức thu phí sử dụng đường bộ đối với đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và 2 trạm thu phí trên Quốc lộ 5, theo quy định tại Thông tư số 153/2015/TT – BTC ngày 2/10/2015 của Bộ Tài chính và theo phương án tài chính đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được các bộ, ngành phê duyệt.

"Đây là lần điều chỉnh mức thu phí theo lộ trình tăng phí sử dụng đường bộ trên Quốc lộ 5 do Bộ Tài chính quy định để duy tu, sửa chữa đảm bảo an toàn giao thông quốc lộ 5 và phần còn lại để hoàn vốn theo phương án tài chính của Dự án đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng được đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT", ông Đào Văn Chiến, Chủ tịch VIDIFI, cho biết.


Cũng theo ông Đào Văn Chiến, đường cao tốc Hà Nội- Hải Phòng hiện khá vắng xe chạy vì tốc độ lưu thông cao. Mức phí bình quân hiện nay là 1,7-18 tỷ đồng/ ngày trên cao tốc và 1 tỷ đồng/ ngày trên Quốc lộ 5 (QL5).


"Hiện nay, đường cao tốc chưa thu hút được xe container (chỉ chiếm 10% xe đi). Nguyên nhân là do mức phí của cao tốc cao gấp đôi xe chạy trên QL5. QL5 thu phí xe chạy bằng vé quý, tháng, nên chỉ tính 1 lượt, đồng thời được giảm 10%, vì vậy nhà xe nếu chạy trên QL5 sẽ giảm giá thành vận tải. Bên cạnh đó, hầu hết cả các khu công nghiệp và đô thị đều đam bám QL 5, trong khi phải 5 năm nữa thì các khu công nghiệp mới hình thành trên tuyến đường cao tốc này. Thậm chí 5 năm tới có thể vẫn chưa thể hình thành được các khu công nghiệp, khu dân cư, nên xe vẫn chạy trên QL 5. Chỉ có xe chạy dọc hành trình HN-HP mới sử dụng cao tốc", ông Đào Văn Chiến chia sẻ.


Theo ông Chiến, với mức độ hiện đại của cao tốc HN- HP, mức thu phí cao tốc ngay từ ban đầu đã được dự kiến là tương đương tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, nghĩa là  2.000 đồng/km xe tiêu chuẩn, vì đường được xây mới và tiêu chuẩn cao tốc.  Còn QL5 vẫn tiến hành  thu theo Thông tư 159 của Bộ Tài chính và từ ngày 1/1/2016 đã được thu theo 159. Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ GTVT yêu cầu lùi  thời gian "thu đủ" lại để thị trường vận tải không bị xáo động. VIDIFI đã xin ý kiến chỉ đạo của các bộ ngành và chính thức cho lùi thời gian thu đủ đến ngày 1/4 này.


"Mức thu cao tốc HN-HP nếu hoàn vốn thì mất thời gian 30 năm. Nhà đầu tư bỏ tiền ra, lãi suất cao, nếu không đảm bảo phương án tài chính thì dư nợ ngân hàng có thể gấp 4-5 lần tổng mức đầu tư bỏ ra làm đường.Vì vậy việc điều chỉnh phí là  hợp lý. Khi tăng phí từ 1/4,  thì xe con không gặp nhiều vấn đề vì mức phí là 210.000 đồng/lượt, nhưng với xe đầu kéo thì sẽ tăng cao, có tuyến lên tới hơn 800.000 đồng", ông Chiến nhấn mạnh.


Cũng theo ông Chiến, đây là đợt tăng phí nóng cuối cùng của tuyến đường. Theo đó, tuyến cao tốc HN-HP tăng phí 25%, QL5 tăng gấp đôi. "Việc thực hiện tăng phí này theo đúng quy định, vì nếu không tăng phí theo lộ trình thì dẫn đến ảnh hưởng đến phương án tài chính (tổng mức đầu tư 43.000 tỷ đồng), tính dư nợ và trả lãi vay thì có thế lên gấp 4-5 lần", ông Chiến cho biết thêm.


"Là công trình có hiệu quả kinh tế xã hội rất lớn, nhưng việc thu hồi vốn gặp nhiều khó khăn. Mặc dù Dự án đã được Nhà nước hỗ trợ 39% tổng mức đầu tư, trong đó chủ đầu tư phải rất cố gắng để đầu tư các khu công nghiệp, khu đô thị được giao để thu được 16% từ tiền sử dụng đất; được thu phí QL 5 theo Thông tư 159/2013/TT-BTC và thu phí đường cao tốc với mức tương đương với đường cao tốc TP Hồ Chí Minh - Long Thành – Dầu Giây để hoàn vốn nhưng VIDIFI vẫn phải mất đến 30 năm mới thu hồi được vốn đầu tư. Nếu không tăng phí theo phương án tài chính đã được các bộ ngành phê duyệt thì phương án tài chính không đảm bảo và sẽ không đủ trả lãi ngân hàng. Ngân hàng phát triển Việt Nam và VIDIFI đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng không vì mục tiêu lợi nhuận và đã cố gắng hết sức để xin hỗ trợ từ Nhà nước, tăng các nguồn thu khác như đầu tư khu đô thị, khu công nghiệp được giao để thu hồi một phần vốn và để có thể thu phí ở mức hợp lý. Tuy nhiên, để thu hồi vốn đầu tư đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và sửa chữa, bảo dưỡng cải tạo QL5 và trong điều kiện ngân sách nhà nước có hạn không thể hỗ trợ thêm cho Dự án nên việc tăng phí đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng và QL5 là không thể không thực hiện",  một đại diện VIDIFI nhấn mạnh.


Cũng theo đại diện này, việc điều chỉnh tăng phí theo phương án tài chính đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận còn nhằm thực hiện đúng phương án tài chính để tạo điều kiện có thể chuyển nhượng một phần hợp đồng BOT Dự án cao tốc Hà Nội – Hải Phòng cho các đối tác.


Như báo Tin Tức đã đưa tin, thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển nhanh cơ sở hạ tầng giao thông tại các vùng kinh tế trọng điểm, trong đó có khu vực Bắc bộ, trong điều kiện ngân sách hạn chế và nợ công tăng cao, Đảng và Chính phủ đã có chính sách xã hội hóa nhằm huy động mọi nguồn lực để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông. Quyết định số 1621/QĐ-TTg ngày 29/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ đã giao VIDIFI làm chủ đầu tư Dự án đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh - chuyển giao), trong đó, VIDIFI được quyền thu phí sử dụng đường bộ tại Quốc lộ 5 đến hết thời gian kinh doanh BOT để đảm bảo giao thông quốc lộ 5 và góp phần thu hồi vốn đầu tư Dự án.


Bắt đầu từ tháng 12/2015 (sau 7 năm triển khai xây dựng), đường ô tô cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đã được đưa vào khai thác và sử dụng toàn tuyến. Công trình được thiết kế phù hợp và dự án đã được thanh tra Bộ Xây dựng, kiểm toán nhà nước kiểm toán, hội đồng nghiệm thu nhà nước tổ chức nghiệm thu, cho đến nay được đánh giá cơ bản tốt. Hiện nay mỗi ngày có gần 20.000 lượt xe lưu thông trên tuyến cao tốc này; bước đầu đã giảm tải cho quốc lộ 5 và khẳng định vai trò là một trong những tuyến đường động lực phát triển chính cho khu vực Đồng bằng sông Hồng.

Tiến Hiếu
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN