Nhẹ dạ cả tin
Trước ngày nhập học một tuần, Đỗ Thanh Long (sinh viên năm nhất Học viện Nông nghiệp) tìm kiếm các thông tin phòng trọ trên các hội nhóm trên Facebook. Lo sợ không có nơi ở khi lên nhập học, Long nhanh chóng tin vào lời của “cò mồi” và mất trắng 1,5 triệu đồng tiền cọc.
Chàng sinh viên quê ở Nam Định này bùi ngùi nhớ lại: “Đối tượng nhắn tin, tư vấn cho em rất nhiệt tình, gửi cả ảnh, video và nói rõ các chi phí dịch vụ. Em cũng cẩn thận hỏi về vấn đề an ninh, tiền cọc và thỏa thuận khi nào xem phòng mới thanh toán tiền cọc. Sau đó, “cò mồi” có xin số điện thoại, gọi tư vấn trực tiếp và nói có nhiều người hẹn tới xem phòng, nếu em không cọc luôn sẽ cho người khác thuê. Vì đông sinh viên nhập học, em lo sẽ hết phòng nên không chút đắn đo chuyển khoản ngay cho họ 1,5 triệu đồng tiền cọc. Trước khi lên Hà Nội, em nhắn tin với đối tượng hẹn xem phòng thì hiện thông báo bị chặn, không gửi được tin nhắn. Gọi số điện thoại thì thuê bao, tìm Zalo không thấy. Lúc đấy mới biết mình bị lừa".
Lo lắng, hốt hoảng nhưng Long và người bạn cùng phòng vẫn phải nhanh chóng bắt xe đi Hà Nội cho kịp ngày nhập học. Hiện tại, tân sinh viên này chưa dám kể lại với bố mẹ, đang ở nhờ phòng trọ của bạn cách trường gần 20km.
Chung hoàn cảnh với Long, lần đầu xuống Hà Nội, Lê Diễm Anh (sinh viên năm nhất trường Đại học Văn hóa Hà Nội) chẳng may gặp phải kẻ môi giới lừa đảo. Không những mất tiền, giờ đây hai chị em lại vất vả ngược xuôi tìm phòng khác.
Diễm Anh cho biết: “Nộp khoản tiền 1 triệu đồng cho nhân viên môi giới bất động sản, em và chị mình nhận được tờ giấy ghi rất nhiều địa chỉ kèm số điện thoại. Hai chị em bắt xe ôm đi xem, tới nơi, có 4-5 chủ nhà nói hết phòng, không có phòng cho thuê… Gọi lại công ty, được cho thêm 3 địa chỉ, lần này là những địa chỉ và số điện thoại không tồn tại. Chúng em là sinh viên mới lên nên cũng không dám làm căng, quay lại công ty, nài nỉ, khóc lóc thì nhận lại được 50% số tiền đã đưa”.
Cần cẩn trọng trước những chiêu trò
Các đối tượng môi giới bất động sản nhà trọ ngày càng có nhiều mánh khóe tinh vi nhằm chiếm đoạt tiền. Vì vậy, sinh viên cần hết sức cẩn trọng, tinh ý nhận ra các dấu hiệu lừa đảo.
Chị Ngô Thị Thu Hương - quản lý hàng chục nhà trọ cho thuê tại Hà Nội cho biết: “Thứ nhất, các bạn nên tới trực tiếp địa điểm mình muốn thuê để tìm, tránh thông qua các bên trung gian. Những bài đăng trên các hội nhóm chỉ mang tính chất tham khảo. Hiện nay, nhà trọ rất nhiều, không khó để kiếm. Thứ hai, không cọc tiền trước nếu chưa được tận mắt nhìn thấy phòng như thế nào, nội thất, tiện nghi ra sao”.
“Đồng thời, khi đã tìm được phòng, chúng ta cần đàm phán rõ ràng mức thuê, tiền cọc, chi phí điện, nước và các dịch vụ vệ sinh, Internet... Quan trọng là hợp đồng thuê nhà. Trước khi ký, lưu ý đọc kỹ các điều khoản, các quy định nhà trọ. Điều này ảnh hưởng tới quyền lợi của các bạn sau khi thuê. Tiếp đến, phải xem xét kỹ các thiết bị nội thất, tránh mất thêm chi phí sửa chữa khi chuyển vào”, chị Hương chia sẻ thêm.
Để tránh “sập bẫy” lừa đảo, an toàn nhất, tân sinh viên có thể liên hệ với phòng Công tác sinh viên, Đoàn Thanh niên của trường để được hỗ trợ. Hiện tại, đã có rất nhiều trường Đại học, Cao đẳng tổ chức, triển khai các hoạt động thiết thực nhằm hỗ trợ các em ổn định nơi sinh hoạt.
Bạn Nguyễn Công Tụng (Đội trưởng Đội sinh viên tình nguyện ĐH Kiến trúc) chia sẻ: “Dưới sự chỉ đạo của nhà trường, Đoàn Thanh niên, Đội sinh viên tình nguyện đã triển khai hoạt động tìm nhà trọ nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các bạn sinh viên còn khó khăn. Toàn Đội chia thành hai nhóm Online và Offline. Một nhóm sẽ liên hệ, tìm phòng qua các hội, nhóm trên Facebook. Nhóm còn lại tìm hiểu trực tiếp tại các khu vực xung quanh trường như: Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Văn Trỗi, Văn Quán, An Hòa, Phùng Khoang..... để hỏi và ghi thông lại thông tin. Chỉ sau một ngày, Đội đã cập nhật được danh sách 50 phòng trọ uy tín, đầy đủ thông tin về giá phòng, an ninh, chi phí dịch vụ… đảm bảo theo từng mức kinh tế. Danh sách này sẽ liên tục được cập nhật, thay đổi giúp các bạn sinh viên nhanh chóng tìm được nhà trọ, sớm ổn định sinh hoạt”.