Tận dụng gầm cầu cạn trông giữ phương tiện, giải bài toán giao thông tĩnh cho Thủ đô

Có thể dụng các gầm cầu cạn làm nơi trông giữ phương tiện, nhằm giảm bớt áp lực cho giao thông tĩnh, song vấn đề đặt ra là phải đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và an toàn giao thông (ATGT).

Thành phố Hà Nội hiện có gần 8.000.000 xe cơ giới các loại, nhưng có tới 90% số phương tiện dừng đỗ tạm bợ trong bối cảnh quỹ đất cho giao thông tĩnh mới chỉ đáp ứng được khoảng 10%.

Trước thực tế này, thành phố đã nhiều lần kiến nghị sử dụng các gầm cầu cạn làm nơi trông giữ phương tiện, nhằm giảm bớt áp lực cho giao thông tĩnh, song vấn đề đặt ra là phải đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) và an toàn giao thông (ATGT) tại các điểm trông giữ này.

Video Không gian gầm cầu cạn tận dụng để trông giữ phương tiện tại Hà Nội:

Với diện tích đất dành cho giao thông tĩnh mới chỉ đáp ứng khoảng 10% nhu cầu đỗ xe của tổng số phương tiện hiện có, tại các quận, huyện nội đô đang diễn ra tình trạng ô tô, xe máy dừng đỗ vô tội vạ trên vỉa hè, dưới lòng đường, tại các bãi đất trống, đất xen kẹt, đất dự án chậm triển khai, các khu vực công cộng, bãi xe trong bệnh viện, trường học, công viên, trụ sở cơ quan, nhà dân... kể cả có phép và không phép.

Thực tế trên là hệ quả của tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông không theo kịp tốc độ phát triển phương tiện tại Thủ đô và đang gây áp lực lớn lên hệ thống kết cấu hạ tầng giao giaothông đô thị, đặc biệt là mạng lưới giao thông tĩnh (điểm trông giữ xe, đỗ xe…).

Thực tế này không chỉ gây mất an ninh trật tự, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, mà còn làm mất mỹ quan đô thị. Chưa kể, hàng loạt các bãi trông giữ xe trái phép, bất chấp các quy định pháp luật về an toàn PCCC, ATGT mọc lên như nấm sau mưa, trở thành các tụ điểm tệ nạn xã hội, tập kết rác thải… gây bức xúc dư luận.

Chú thích ảnh
Điểm trông giữ xe gầm cầu cạn Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng).
Chú thích ảnh
Điểm trông giữ xe này do Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội quản lý khai thác từ nhiều năm nay.
Chú thích ảnh
Điểm trông giữ xe dưới gầm cầu cạn Chương Dương (quận Hoàn Kiếm).
Chú thích ảnh
Điểm trông giữ xe do Công ty Cổ phần Đồng Xuân quản lý, khai thác.
Chú thích ảnh
Việc tận dụng gầm cầu cạn Chương Dương để khai thác điểm đỗ xe nhiều năm qua đã phần nào giải quyết được nhu cầu cấp bách về gửi ô tô, xe máy của người dân quận Hoàn Kiếm.

Khắc phục tình trạng trên, từ năm 2016 đến nay, Sở GTVT Hà Nội đã cấp phép cho Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội thí điểm quản lý, khai thác các điểm trông giữ phương tiện tại 4 gầm cầu cạn: Chương Dương (quận Hoàn Kiếm), Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng), Ngã Tư Vọng (quận Đống Đa), Dịch Vọng (quận Cầu Giấy), nhằm bổ sung diện tích giao thông tĩnh cho các quận.

Các điểm trông giữ xe này đều đã được nghiên cứu kỹ lưỡng về tổ chức giao thông, an toàn PCCC, an ninh trật tự, mỹ quan đô thị… và đến nay vẫn hoạt động hiệu quả.

Mặc dù đây là giải pháp tình thế, nhưng trong khi chờ quỹ đất bố trí các điểm trông giữ phương tiện theo quy hoạch không biết bao giờ thành hiện thực, đây là giải pháp giải quyết nhu cầu cấp bách cho người dân trong khu vực.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, đa phần các điểm đỗ xe gầm cầu cạn hiện nay đều nằm ở các trục giao thông chính, nút giao thông lớn, lưu lượng phương tiện đông, tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT khi các phương tiện ra vào và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Do vậy, thành phố cần sớm thu hồi hoặc cấp giấy phép các dự án treo nhiều năm qua để tăng quỹ đất giao thông tĩnh và tăng cường đầu tư, ưu tiên thực hiện các dự án điểm trông giữ xe, đỗ xe công nghệ thông minh, có hiệu quả sử dụng lâu dài.

Chú thích ảnh
Gầm cầu cạn đường Vành đai 2 (quận Cầu Giấy) được Đội Cảnh sát giao thông số 3 (Công an TP Hà Nội) tận dụng làm điểm dừng đỗ xe, giữ xe vi phạm luật giao thông.
Chú thích ảnh
Việc tận dụng không gian gầm cầu cạn đường Vành đai 2 làm điểm trông giữ xe nếu đảm bảo an toàn PCCC sẽ góp phần tăng hiệu quả giao thông tĩnh tại địa phương.
Chú thích ảnh
Nếu không được tận dụng làm điểm trông giữ xe, không gian gầm cầu cạn đường Vành đai 2 sẽ trở thành điểm tập kết rác thải, phế thải, tệ nạn xã hội làm nhếch nhác đô thị...
Chú thích ảnh
... hoặc trở thành nơi tập kết xe 3 bánh tự chế, xe ôm, hàng quán... gây mất trật tự đô thị.
Chú thích ảnh
Thậm chí, chính quyền tại cơ sở đã phải lập hàng rào chắn, cắm biển cấm tụ tập, đổ phế thải, rác thải... có camera giám sát.

Mới đây, UBND TP Hà Nội vừa có văn bản đề nghị Bộ GTVT thống nhất việc tiếp tục tạm thời tổ chức điểm trông giữ xe dưới 4 gầm cầu Chương Dương, Vĩnh Tuy, Ngã Tư Vọng và Mai Dịch để phục vụ nhu cầu người dân. Trước đó, tháng 4/2022, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt quy hoạch bến xe, điểm đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, đến năm 2025 ưu tiên đầu tư 122 vị trí điểm đỗ xe với diện tích khoảng 168 ha; giai đoạn từ năm 2025 - 2030 đầu tư 115 vị trí điểm đỗ xe với diện tích khoảng 58 ha. 

Tại dự thảo Luật Đường bộ đang lấy ý kiến, Bộ GTVT đề xuất sử dụng gầm cầu cạn làm nơi trông giữ xe, trừ xe chở nhiên liệu, chất gây cháy nổ. Đề xuất này được xây dựng trên cơ sở các cầu cạn có gầm cầu đáp ứng yêu cầu diện tích, điều kiện kỹ thuật an toàn, không quá tuổi thọ khai thác, không trong thời gian sửa chữa, kiểm định, quan trắc... 

Chú thích ảnh
Tại điểm trông giữ xe gầm cầu cạn Chương Dương, nếu không được gửi xe trong hàng rào, nhiều người dân vẫn cố tình để xe vô tội vạ ngoài hàng rào.
Chú thích ảnh
Một điểm gầm cầu cạn Chương Dương được Đội Cảnh sát giao thông Công an quận Hoàn Kiếm tận dụng làm nơi cà số máy, số khung xe gắn máy.
Chú thích ảnh
Nếu không được tận dụng trông giữ xe, gầm cầu cạn Chương Dương cũng sẽ trở thành điểm tập kết rác phế thải, gây mất mỹ quan đô thị.
Chú thích ảnh
Dọc điểm trông giữ xe gầm cầu cạn Vĩnh Tuy, hàng loạt xe ô tô xếp hàng ngoài hàng rào vì hết chỗ...
Chú thích ảnh
... và cũng sẽ trở thành điểm tập kết xe thùng chở rác, rác thải, phế thải gây ô nhiễm môi trường.
Chú thích ảnh
Chưa kể, hàng quán, xe 3 bánh tự chế, xe ôm đủ loại hoạt động dưới gầm cầu cạn Vĩnh Tuy.

Trên thực tế, theo tìm hiểu của phóng viên, hàng loạt các gầm cầu cạn hiện nay tại Thủ đô như: Đường Vành đai 2, đường Vành đai 3, Thăng Long, Nhật Tân... có diện tích rộng, song đang bỏ hoang tàn, cây cỏ dại mọc um tùm, trở thành nơi đổ rác thải, phế thải nhếch nhác... Nếu không được tận dụng không gian để quy hoạch quản lý, khai thác điểm trông giữ xe, dừng đỗ xe, sẽ lãng phí diện tích giao thông tĩnh.

Theo ông Trần Hữu Bảo, Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội, với số lượng phương tiện cơ giới không ngừng gia tăng hiện nay, thành phố đang phải tận dụng mọi vị trí có thể để phục vụ nhu cầu dừng đỗ, gửi xe của người dân. Trong khi, Hà Nội có 587 cầu, bao gồm 7 cầu lớn: Vĩnh Tuy, Chương Dương, Thanh Trì, Nhật Tân, Đông Trù, Thăng Long, Phùng; 492 cầu nhỏ, trung; 13 cầu vượt nhẹ, 75 cầu đi bộ... Tại các điểm trông giữ xe gầm cầu cạn được phép khai thác hiện nay đều chấp hành tốt các quy định về PCCC, ATGT, an ninh trật tự và thu đúng giá quy định của Nhà nước; đồng thời, giải quyết được một phần nhu cầu của người dân, góp phần giảm áp lực giao thông tĩnh.

Còn theo ông Nguyễn Đức Vinh, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác điểm đỗ xe Hà Nội, các điểm trông giữ xe đều được lắp camera giám sát, bố trí trang thiết bị cứu hỏa và đến nay chưa từng xảy ra vụ việc cháy nổ hay mất ATGT từ hoạt động trông giữ xe...

Bài, ảnh, video: Thanh Vân/Báo Tin tức
Bài toán cho giao thông tĩnh ở đô thị
Bài toán cho giao thông tĩnh ở đô thị

Hà Nội nhiều lần kiến nghị đưa gầm cầu cạn làm nơi trông giữ phương tiện nhằm giảm bớt áp lực cho giao thông tĩnh tại các đô thị lớn hiện nay. Câu hỏi đặt ra là đây có phải giải pháp lâu dài khi Hà Nội đang có nhiều bất cập cho quỹ đất phục vụ cho giao thông tĩnh hiện nay? Công tác phòng cháy chữa cháy và an toàn giao thông tại các điểm trông giữ này như thế nào?

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN