Video Lái xe buýt 86 vừa lái xe vừa nói chuyện với người thân qua Facetime:
Trên suốt chặng đường lộ trình của tuyến buýt 86 từ Sân bay Nội Bài - Ga Hà Nội, hành động của lái xe buýt khiến hành khách lo ngại, vì chỉ cần mất tập trung, nguy cơ va chạm, tại nạn giao thông có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Nhiều hành khách trên chuyến xe đều có phản ánh với hành động của lái xe, cho rằng, nếu muốn nói chuyện với người thân qua điện thoại cần "dừng lại mà điện thoại" hoặc đợi đến khi kết thúc lộ trình chuyến đi, để đảm bảo an toàn giao thông.
Điều đáng nói là ngay sau vị trí ngồi của lái xe có niêm yết số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận phản ánh dịch vụ của xe buýt, nhưng dường như lái xe này vẫn phớt lờ, coi thường hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ của chính mình.
Nhiều hành khách còn bức xúc phản ánh, nếu lái xe có thói quen vừa lái xe vừa sử dụng điện thoại nói chuyện, hãy dừng lại ngay trước khi quá muộn, để tránh làm liên lụy đến người khác.
Qua tìm hiểu, tình trạng người vừa điều khiển phương tiện vừa dùng điện thoại đang diễn ra phổ biến đến mức chỉ cần ra đường, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy. Đôi khi, chỉ đơn giản bạn thấy chiếc ô tô phía trước di chuyển không thẳng, có chút lệch làn hay chậm hơn so với toàn bộ phương tiện xung quanh, chắc chắn người lái xe đó đang sử dụng điện thoại. Hành vi vừa lái xe vừa dùng điện thoại, chưa nói đến hành vi nói chuyện bằng hình ảnh, không chỉ là vi phạm Luật Giao thông đường bộ, mà tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông cao.
Theo quy định tại Nghị định 100/2019 của Chính phủ, người điều khiển ô tô có hành vi dùng tay sử dụng điện thoại sẽ bị phạt tiền từ 2 - 3 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 1 - 4 tháng; mức phạt với người điều khiển xe máy từ 800.000 - 1 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 1 - 4 tháng.
Chế tài xử phạt đã rõ ràng và không ít trường hợp gây tai nạn hậu quả nghiêm trọng đến mức bị xử lý hình sự, hành vi vừa lái xe và dùng điện thoại sẽ là tình tiết tăng nặng. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là tại sao vẫn có quá nhiều người "hồn nhiên" vi phạm pháp luật? Hàng động này cần được xử lý nghiêm để răn đe.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), những người thường xuyên sử dụng điện thoại có nguy cơ gặp tai nạn cao gấp 4 lần so với những người tập trung điều khiển phương tiện tham gia giao thông.