Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động Việt Nam làm việc theo hợp đồng lao động.
Nhân viên Bảo hiểm Xã hội huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên thực hiện giao dịch thẻ BHYT với các đại lý xã, phường. Ảnh: Dương Ngọc – TTXVN |
Theo đó, đối tượng áp dụng của Nghị định này bao gồm: Người lao động là công dân Việt Nam tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này.
Người đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng quy định tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Nghị định này (được áp dụng đối với các hợp đồng: Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức sự nghiệp được phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài có đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với doanh nghiệp đưa người đi làm việc theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề và Hợp đồng cá nhân).
Người lao động quy định tại Nghị định này thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc. Người lao động quy định tại các Điểm a và b Khoản 1 Điều này là người giúp việc gia đình và người lao động quy định tại Khoản 1 Điều này mà đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng và trợ cấp hằng tháng ở một số trường hợp thì không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.
Một số chế đội bảo hiểm xã hội bắt buộc trong Nghị định này bao gồm: Chế đội thai sản của lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ, chế độ hưu trí và chế độ tử tuất.
Nghị định cũng quy định một số vấn đề liên quan đến Quỹ bảo hiểm xã hội như: Mức đóng và phương thức đóng của người hưởng chế độ phu nhân hoặc phu quân tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; Tạm dừng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; Truy thu, truy đóng tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc; Hoạt động đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội.
Nghị định cũng có quy định chuyển tiếp, trong đó có: Quy định chuyển tiếp đối với người hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và trợ cấp hằng tháng trước ngày 1/1/2016; Phụ cấp khu vực đối với người hưởng bảo hiểm xã hội; Chế độ đối với người đang hưởng trợ cấp ốm đau do mắc bệnh cần chữa trị dài ngày trước ngày 1/1/2016; Tính thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 để hưởng bảo hiểm xã hội.
Chế độ đối với người đang hưởng trợ cấp hằng tháng mà trước đó có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa được tính hưởng bảo hiểm xã hội; Chế độ đối với người lao động đã có quyết định nghỉ việc chờ giải quyết chế độ hưu trí, trợ cấp hằng tháng; Quy định chuyển đổi tiền lương bằng ngoại tệ sang đồng Việt Nam để đóng bảo hiểm xã hội; Quy định Nhà nước chuyển từ ngân sách một khoản kinh phí vào quỹ bảo hiểm xã hội; Quy định đối với người lao động đủ điều kiện và hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội trước ngày 1/1/2016.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2016, trừ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 2 của Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018.