Quảng Nam dồn lực để xóa hết nhà ở tạm cho 3 nhóm đối tượng

Tỉnh Quảng Nam đang tập trung các nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương và địa phương, nguồn xã hội hóa; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng địa phương, đơn vị và đối tượng được hưởng lợi để trong năm 2025 xóa hết nhà ở tạm cho 3 nhóm đối tượng, gồm: Người có công cách mạng, thân nhân liệt sĩ; hộ nghèo, cận nghèo theo Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg và hộ nghèo, cận nghèo, người có công theo quy định của Hội đồng nhân dân tỉnh.

Chú thích ảnh
Những căn nhà ở tạm bợ của người dân trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cần sớm được xóa bỏ. Ảnh: Trịnh Bang Nhiệm/TTXVN

Giai đoạn 2023-2025, tỉnh có kế hoạch xóa hết 11.663 nhà tạm, dột nát với tổng nhu cầu kinh phí lên đến trên 593 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương, vốn đối ứng của địa phương và nguồn xã hội hóa.

Theo Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát tỉnh Quảng Nam, sau 2 năm thực hiện (2023-2024), hiện toàn tỉnh đã bàn giao, đưa vào sử dụng 5.590 nhà trên tổng số 11.663 nhà cần được xóa, với tổng số tiền hỗ trợ lên đến trên 273 tỷ đồng.

Trong số 5.590 nhà đưa vào sử dụng đó, có 3.771 nhà được xây mới, 1.819 nhà sửa chữa. Như vậy, còn 6.073 nhà cần xây mới và sửa chữa trong năm 2025.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn cho biết, đến nay tỉnh mới chỉ đạt gần 48% mục tiêu xóa hết nhà tạm, dột nát. Do vậy nhiệm vụ trong năm 2025 còn rất nặng nề, cần có sự vào cuộc một cách tích cực hơn nữa.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo xóa nhà ở tạm, nhà dột nát) Trần Bá Tú, nguyên nhân của việc xóa nhà tạm của tỉnh còn chậm bởi nhiều lý do khác nhau, nhưng chủ yếu là do số lượng nhà tạm cần được xóa ở các địa phương luôn luôn biến động so với quyết định đã được tỉnh phê duyệt. Nhiều địa phương sau khi được phê duyệt lại có biến động về số lượng nhà cần xây mới, số nhà cần sửa chữa sau mỗi lần báo cáo. Một số địa phương thay đổi đối tượng từ được sửa chữa sang xây dựng mới hoặc ngược lại, gây khó khăn cho cơ quan tổng hợp chung của tỉnh. Do đó cơ quan thường trực thẩm định, trình cấp thẩm quyền phân bổ nguồn ngân sách, nguồn vận động xã hội hóa cho các địa phương thực hiện xóa nhà ở tạm còn chậm.

Để đạt mục tiêu xóa hết nhà tạm vào cuối năm 2025, UBND tỉnh Quảng Nam yêu cầu Ban Chỉ đạo cấp tỉnh, UBND các địa phương khẩn trương hoàn thành việc điều chỉnh số lượng nhà, danh sách cụ thể từng hộ cần được làm nhà mới hoặc sửa chữa theo từng nhóm đối tượng trong tháng 2/2025. UBND huyện chỉ đạo UBND xã khẩn trương chọn xét đối tượng, tổ chức cho đối tượng được phê duyệt hỗ trợ xóa nhà tạm, dột nát đăng ký thời gian xây dựng, sửa chữa nhà với mốc thời gian khởi công, hoàn thành cụ thể. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo xóa nhà tạm, nhà dột nát các cấp phân bổ đầy đủ, kịp thời nguồn vốn, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn, định mức, không trùng lặp giữa các chương trình, để "không ai bị bỏ lại phía sau", theo tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Đoàn Hữu Trung (TTXVN)
Xóa nhà tạm: Động lực để đồng bào vùng khó Lai Châu vươn lên thoát nghèo
Xóa nhà tạm: Động lực để đồng bào vùng khó Lai Châu vươn lên thoát nghèo

Lai Châu là tỉnh miền núi biên giới, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn. Nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa phương trong tỉnh đang phải sống trong những căn nhà tạm, dột nát, không đảm bảo an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ. Trước thực trạng đó, chính quyền và nhân dân Lai Châu đã và đang chung sức, đồng lòng nhằm xóa bỏ những căn nhà tạm, dột nát, không đảm bảo an toàn, giúp người dân có cuộc sống ổn định hơn.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN