Thống kê của Bộ Công an, đến giữa năm 2022, cả nước có hơn 235 nghìn người nghiện ma túy có hồ sơ quản lý, trong đó từ 16 tuổi đến dưới 30 tuổi chiếm 48%; khoảng 60% người sử dụng ma túy lần đầu trong độ tuổi 15 - 25 và độ tuổi này ngày càng được trẻ hóa. Còn theo Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì tỷ lệ người sử dụng trái phép chất ma túy là 0,66% dân số, 8% sử dụng ma túy lần đầu dưới 18 tuổi. Cùng với sự xuất hiện ngày càng phổ biến, đa dạng về chủng loại của ma túy tổng hợp, nhiều trẻ em trong độ 13 - 14 tuổi đã sử dụng ma túy.
Tính đến tháng 10/2023, tỉnh Hải Dương có tổng số người nghiện lưu hồ sơ quản lý tính là 1.112 người, độ tuổi nghiện từ 16 tuổi đến 30 tuổi chiếm 23%. Tuy nhiên, theo đánh giá kết quả rà soát, thống kê người sử dụng trái phép chất ma túy, người nghiện ma túy còn hạn chế, số liệu chưa sát với tình hình thực tiễn. Thực tế, số người sử dụng ma túy, đặc biệt là giới trẻ có thể cao hơn nhiều.
Thống kê cũng cho thấy, một số chất gây nghiện thanh thiếu niên thường sử dụng, lạm dụng là nicotine, rượu, cần sa, methamphetamine (ma túy đá), MDMA (thuốc lắc), N20... Hiện nay, với nhiều kiểu ngụy trang dễ sử dụng, dễ mua, các loại ma túy mới đang tấn công vào giới trẻ, gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc phát hiện và ngăn chặn, để lại những hệ lụy nặng nề cho xã hội. Nếu như trước đây đối tượng gây nghiện chủ yếu là nam giới thì hiện nay xuất hiện nhiều chất gây nghiện mang tính giải trí (cần sa, khí cười), tỷ lệ sử dụng giữa nam và nữ không chênh lệch nhiều. Đó chính là hồi chuông cảnh báo về sự nguy hiểm của ma túy đối với giới trẻ.
Bác sỹ Nguyễn Thế Anh, Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh Hải Dương chỉ rõ, tác hại của nghiện ma túy thể hiện ở nhiều khía cạnh: Đối với bản thân người nghiện bị ảnh hưởng đến sức khỏe, có thể dẫn đến nhiễm độc mãn tính cho cơ thể, gây rối loại ở từng bộ phận đến suy nhược toàn thân của người nghiện như hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, tim mạch, hệ thần kinh, hệ sinh dục… Ngoài ra, người nghiện còn mất khả năng lao động, mắc các bệnh truyền nhiễm, nếu dùng quá liều có thể dẫn đến cái chết. Người nghiện ma túy và sử dụng chất kích thích còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến gia đình người nghiện cũng như ảnh hưởng xấu đối với xã hội.
Tại buổi hội thảo, Luật sư Trần Trung Kiên, Văn phòng Luật sư Á Đông, Đoàn Luật sư tỉnh Hải Dương đã chia sẻ những quy định pháp luật về ma túy với các em sinh viên, các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 5 Luật Phòng, chống ma túy để các em hiểu biết sâu sắc hơn về tác hại và những hậu quả của việc sử dụng ma túy. Theo Luật sư Trần Trung Kiên, để phòng, chống thanh thiếu niên sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện cần có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội giúp giáo dục, định hướng các em có nhận thức đúng và có hành vi phù hợp.
Tại hội thảo, các đại biểu đều cho rằng đối với thanh thiếu niên hiện nay cần nắm vững những quy định của pháp luật về phòng, chống ma túy, không sử dụng ma túy dưới bất cứ hình thức nào, không tàng trữ, vận chuyển, mua bán ma túy. Bản thân mỗi thanh, thiếu niên cần khuyên nhủ bạn học, người thân không sử dụng ma túy, khi phát hiện người có biểu hiện sử dụng ma túy cần báo ngay cho thầy, cô giáo và nâng cao cảnh giác, tránh bị rủ rê, lôi kéo. Bên cạnh đó, mỗi thanh thiếu niên cần tích cực tham gia hưởng ứng các hoạt động phòng, chống ma túy ở địa phương.
Hội thảo phòng ngừa và hạn chế việc sử dụng chất kích thích, chất gây nghiện ở thanh, thiếu niên giúp các bạn trẻ hiểu rõ hơn về thực trạng, nguyên nhân thanh, thiếu niên sử dụng ma túy hiện nay. Hội thảo cũng thông tin về các quy định, chế tài của pháp luật liên quan đến chất kích thích, chất gây nghiện; các phương pháp điều trị cai nghiện; lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của chính giới trẻ. Thông qua hội thảo, các chuyên gia có góc nhìn sâu sắc hơn về ma túy với giới trẻ từ đó đề xuất những giải pháp giúp thanh, thiếu niên có lối sống lành mạnh, tránh xa chất kích thích, chất gây nghiện, tập trung vào học tập để trở thành những công dân có ích cho xã hội.