Theo đó, hầu hết các mẫu trái cây được kiểm tra ngẫu nhiên đều chứa dư lượng chất nguy hại vượt quá tiêu chuẩn an toàn, đặc biệt là quả hồng táo và cam. Thậm chí, tổ chức Thai-PAN còn tìm thấy dư lượng độc hại trong một mẫu thanh long được chứng nhận hữu cơ.
Điều phối viên Thai-PAN, bà Prokchol Ousap cho biết mạng lưới này đã thu thập 85 mẫu táo, thanh long, ổi, hồng táo và cam, cả nhập khẩu và trồng trong nước, từ các siêu thị và chợ tươi sống trên 12 tỉnh, bao gồm cả thủ đô Bangkok, các tỉnh lớn như Chiang Mai, Rayong từ ngày 27/11 đến ngày 11/12.
Bà Prokchol Ousap nói rằng các loại trái cây đã được tiến hành xét nghiệm để phát hiện dư lượng đối với 419 hóa chất tại Phòng thí nghiệm BVAQ ở Thái Lan. Phân tích cho thấy dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn an toàn trong tất cả các loại trái cây được thử nghiệm.
Ngoài ra, bà cũng thông tin thêm rằng trái cây trồng tại Thái Lan còn được phát hiện có chứa chlorpyrifos. Đây là loại hóa chất nông nghiệp nguy hiểm mà Thái Lan đã cấm vì thuộc phân loại chất độc loại 4 – bị cấm sản xuất, nhập khẩu, xuất khẩu và sở hữu kể từ ngày 1/6/2020.
Đối với hồng táo, kết quả cho thấy cả 15 mẫu đều có dư lượng chất độc hại vượt quá tiêu chuẩn an toàn, trong đó có 6 mẫu chứa chlorpyrifos ở mức cao.
Đối với cam, 3 trong số 17 mẫu có dư lượng trong giới hạn an toàn, trong khi 14 mẫu vượt quá tiêu chuẩn an toàn. Đáng chú ý, chlorpyrifos được phát hiện trong 4 mẫu, bao gồm 2 mẫu cam Mandarin nhập khẩu từ Trung Quốc và 2 mẫu được trồng trong nước từ 2 tỉnh Phichit và Chiang Rai.
Đối với táo, kết quả cho thấy chỉ có 4 mẫu không có dư lượng thuốc trừ sâu, trong khi 13 mẫu có dư lượng nhưng chỉ có 1 mẫu vượt quá tiêu chuẩn cho phép.
Đối với ổi, chỉ có 1 mẫu không có dư lượng, trong khi 6 mẫu nằm trong giới hạn an toàn và 10 mẫu có dư lượng vượt quá tiêu chuẩn.
Kết quả xét nghiệm thanh long cho thấy có 2 mẫu không có dư lượng hóa chất, 15 mẫu có dư lượng chất độc hại, trong đó có 9 mẫu có dư lượng vượt tiêu chuẩn, trong đó có 1 mẫu được đánh dấu là sản phẩm hữu cơ có chứng nhận PGS - là chứng nhận đảm bảo sản phẩm được sản xuất theo đúng quy trình cũng như tuân thủ theo các quy định của sản xuất hữu cơ.
Bà Prokchol cho biết Thai-PAN sẽ chuyển kết quả đến các cơ quan chức năng chính phủ có thẩm quyền để xem xét tiêu chuẩn chứng nhận hữu cơ.
Vào tháng 10, Thai-PAN đã tiến hành các thử nghiệm tương tự đối với nho Shine Muscat được bán ở Thái Lan và cho kết quả tương tự khi đều cho thấy mức dư lượng không an toàn.