Cháy rừng miền Trung đe dọa ngành Điện
Liên tiếp các vụ cháy rừng trên diện rộng tại các tỉnh miền Trung (từ Hà Tĩnh đến Đà Nẵng) trong các ngày từ 28/6 -2/7 đã gây ảnh hưởng đến việc vận hành an toàn hệ thống truyền tải điện quốc gia, cũng như ảnh hưởng đến việc cung cấp điện trên địa bàn cả nước.
Theo ông Lưu Việt Tiến, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT), tình trạng cháy rừng, gồm cháy thảm thực vật phía dưới và cây cao trong và ngoài hành lang đường dây 220/500 kV gây khói bụi kết hợp gió có thể xảy ra sự cố kỹ thuật như: Ngắn mạch pha - đất, pha – pha, làm tách đường dây ra khỏi quá trình vận hành, ảnh hưởng đến độ tin cậy cung cấp điện, cũng như ảnh hưởng đến phương thức vận hành hệ thống điện quốc gia.
Về thiệt hại kinh tế, việc đường dây 500 kV đoạn Đà Nẵng - Hà Tĩnh bị sự cố đã làm mất một lượng công suất và điện năng cung cấp cho miền Nam trong thời gian khi chưa khôi phục được hoặc các nhà máy điện khu vực miền Trung và miền Nam chưa kịp huy động thêm để bù vào lượng điện năng thiếu hụt do sự cố, dẫn đến một số khu vực ở miền Bắc và miền Trung phải tiết giảm phụ tải. Việc huy động nguồn miền Nam để bù đắp phần thiếu hụt còn làm tăng chi phí sản xuất điện của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Trước thực trạng này, EVNNPT đã có các văn bản chỉ đạo ngành Điện các địa phương tăng cường các biện pháp tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy, không đốt nương, rẫy trong và gần hành lang an toàn đường dây. Đồng thời, phối hợp với chính quyền, công an, quân đội địa phương tổ chức phòng, ngừa và xử lý các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp theo Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26/02/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện.
Rác thải sinh hoạt tại Hà Nội chất thành núi
Liên tục từ ngày 2 - 5/7, xe chở rác vào bãi rác Nam Sơn (huyện Sóc Sơn, Hà Nội) bị người dân chặn lại khiến tại nhiều khu vực, tuyến đường trên địa bàn thành phố, rác tập kết không được thu gom. Dưới thời tiết nắng nóng, các bãi rác thải lộ thiên bị phân hủy nhanh, nước rác thải rỉ ra, bốc mùi hôi thối, môi trường xung quanh bị ô nhiễm nặng nề.
Hàng trăm điểm tập kết rác thải “bất đắc dĩ” tại các khu vực: Khu Đô thị mới Cầu Giấy, Viện Huyết học truyền màu Trung ương, phố Phương Mai (quận Đống Đa), phố Trần Đại Nghĩa (quận Hai Bà Trưng), phố Lương Đình Của (quận Hoàng Mai)... không chỉ ùn ứ, gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị, mà còn khiến người dân xung quanh các khu vực tập kết này bức xúc vì “bỗng nhiên” phải sống chung với rác.
Nguyên nhân của tình trạng người dân chặn cổng bãi rác Nam Sơn tại tuyến đường 35 dẫn vào Khu liên hiệp xử lý chất thải Nam Sơn (Bãi rác Nam Sơn), không cho xe vận chuyển vào bãi rác là do người dân xã Nam Sơn không đồng thuận, phản đối mức giá đền bù đất nông nghiệp ở địa phương và phương án giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng bán kính 500 mét, tính từ tường rào bãi rác; cũng như chưa đồng thuận với hạn mức diện tích đất nằm trong phạm vi đền bù, tiến độ đền bù đất và tài sản trên đất... của chính quyền địa phương và cơ quan có thẩm quyền. Người dân không chấp nhận mức giá bồi thường hỗ trợ đất ở, tài sản trên đất vì cho rằng mức đền bù thấp.
Trước thực tế này, Ban Duy tu các công trình hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) phải ban hành kế hoạch, phân luồng rác để giải phóng rác thải tại 4 quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa đến tập kết tạm thời tại các điểm trung chuyển Cầu Diễn, Lâm Du (Long Biên).
Ngân hàng đồng loạt chuyển đổi phương thức bảo mật tiền gửi
Nhằm mục đích tăng cường an toàn bảo mật trong cung ứng dịch vụ và tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước tại Quyết định số 630/QĐ-NHNN ngày 31/3/2017 về việc ban hành Kế hoạch áp dụng các giải pháp về an toàn, bảo mật trong thanh toán trực tuyến và thanh toán thẻ ngân hàng, nhiều ngân hàng đã thông báo chuyển đổi phương thức xác thực mới đối với dịch vụ ngân hàng điện tử kể từ ngày 1/7.
Cụ thể, các khách hàng tổ chức của Vietcombank đang dùng phương thức xác thực OTP (One-Time Password: mã xác thực một lần) qua tin nhắn SMS (SMS - OTP) tại cấp duyệt lệnh cao nhất sẽ chuyển đổi sang phương thức khác mà ngân hàng đang cung cấp, bao gồm: VCB m-Token, EVM-OTP, eToken. Đối với khách hàng cá nhân, bắt đầu từ ngày 1/7, để sử dụng hạn mức giao dịch lớn hơn 100 triệu đồng/giao dịch và 100 triệu đồng/ngày, khách hàng sẽ phải đăng ký sử dụng phương thức xác thực Vietcombank Smart OTP - một ứng dụng trên điện thoại di động.
Trước đó, VietinBank đã triển khai giải pháp bảo mật, xác thực mới trên iPay Mobile mang tên Soft OTP. Với giải pháp này, mã OTP được hệ thống sinh ngẫu nhiên theo thời gian rồi tự động được điền vào tại màn hình xác thực giao dịch trên iPay Mobile, rút ngắn thời gian thao tác giao dịch. Mã OTP trong giải pháp Soft OTP của VietinBank có độ bảo mật cao, được sinh từ một hệ thống sinh mã độc lập, theo thuật toán riêng, không thể làm giả hoặc can thiệp thay đổi nội dung mã và chỉ có hiệu lực trong vòng 30s. Trường hợp người sử dụng cố ý chỉnh sửa hoặc nhập sai mã Soft OTP quá 5 lần, dịch vụ Soft OTP sẽ tự động bị khóa trong vòng 24 giờ...
Cách tính lương hưu mới thay đổi như thế nào từ 1/7?
Bắt đầu từ 1/7, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) của các đối tượng sẽ được điều chỉnh tăng thêm 7,19% so với mức tiền lương hiện hưởng tháng 6/2019. Cùng với việc tăng lương cơ sở từ ngày 1/7/2019, mức lương hưu và trợ cấp BHXH sẽ được điều chỉnh tương ứng. Theo đó, ngành BHXH sẽ thực hiện Nghị định số 44/2019/NĐ-CP ngày 20/5/2019 của Chính phủ về việc điều chỉnh lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng.
Cụ thể, người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng có thời điểm bắt đầu hưởng trước ngày 1/7/2019 được điều chỉnh tăng thêm 7,19% so với mức tiền lương hiện hưởng tháng 6/2019. Cách tính như sau: Ví dụ ông Nguyễn Văn A có mức hưởng lương hưu tháng 6/2019 là 5.254.778 đồng. Từ ngày 1/7, mức hưởng của ông Nguyễn Văn A được điều chỉnh: 5.254.778 + (5.254.778 x 7.19%) = 5.632.596 đồng (tăng 337.800 đồng). Ngành BHXH sẽ đồng loạt thực hiện điều chỉnh lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng từ ngày 1/7.