Ngày 14/7 sẽ công bố kết quả thi THPT Quốc gia năm 2019
Khoảng 880.000 thí sinh trên cả nước vừa hoàn thành kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Thời gian qua ngành giáo dục và cả xã hội đã cùng chung tay tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các thí sinh.
Đánh giá sơ bộ về công tác tổ chức thi năm nay, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Nguyễn Hữu Độ cho biết: Công tác đề thi, in sao đề và coi thi đã diễn ra thành công, an toàn, nghiêm túc, công bằng, đúng kế hoạch.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, kỳ thi năm nay có 72 thí sinh vi phạm quy chế thi, giảm so với năm ngoái. Những thí sinh mang điện thoại di động, thiết bị công nghệ cao vào phòng thi để thực hiện hành vi gian lận được các giám thị phát hiện, kịp thời ngăn chặn. Riêng trường hợp sự cố ở Phú Thọ, nhờ sự vào cuộc của lực lượng an ninh nên đã phát hiện, xử lý ngăn chặn kịp thời, không ảnh hưởng đến kỳ thi.
Rút kinh nghiệm từ những hạn chế, tồn tại của kỳ thi năm 2018, Bộ GD&ĐT đã đưa ra nhiều quy định, giải pháp nhằm cho kỳ thi THPT Quốc gia năm 2019. Về đề thi, nội dung được quy định nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; đồng thời, tăng tỷ lệ kết quả thi trong xét công nhận tốt nghiệp từ 50% lên 70% (30% còn lại là điểm trung bình cả năm lớp 12 của thí sinh) để đảm bảo mục tiêu, ý nghĩa của kỳ thi.
Đối với việc chấm thi, Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức chấm bài thi trắc nghiệm, giao nhiệm vụ cho các trường đại học chủ trì, đặt camera giám sát phòng chấm thi 24/24 giờ. Đồng thời, Bộ sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện phần mềm chấm thi trắc nghiệm theo hướng mã hóa toàn bộ dữ liệu chấm thi; “đánh phách điện tử” phiếu trả lời trắc nghiệm; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng và có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi.
Đối với việc chấm bài thi tự luận (ngữ văn) do Sở GD&ĐT chủ trì, Bộ GD&ĐT quy định chặt chẽ hơn khâu chấm hai vòng độc lập, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó, các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra.
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) cũng nhấn mạnh: Mặc dù đã chuẩn bị kỹ càng các quy chế, quy định, áp dụng chặt chẽ khâu kỹ thuật nhưng con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất của kỳ thi. Do đó, việc lựa chọn cán bộ phải là những người có tinh thần trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, nắm rõ chuyên môn, quy định, được tập huấn kỹ càng. Vai trò chỉ đạo, tổ chức thanh kiểm tra phải được làm thường xuyên, nghiêm túc. Hiện tại các hội đồng thi trên cả nước bắt đầu bước vào khâu chấm thi.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ yêu cầu tất cả các địa phương phải thực hiện đúng quy chế, chặt chẽ, tuyệt đối không để xảy ra gian lận, làm sai lệch kết quả thi. Bộ cũng yêu cầu rà soát kỹ nhân sự tham gia khâu chấm thi, đảm bảo khách quan, công bằng.
“Tham nhũng vặt” trong khu vực hành chính làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về phổ biến, quán triệt Chỉ thị số 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc, diễn ra mới đây tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết, thời gian qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị và đông đảo quần chúng, nhân dân đã vào cuộc tích cực trong công tác đấu tranh, phòng, chống tệ nạn tham nhũng.
“Tuy gọi là “tham nhũng vặt” nhưng chúng ta đều thấy rằng tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà, của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp; thậm chí đã xảy ra tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sách nhiễu, “vòi vĩnh”, “chung chi”… đang là vấn nạn nhức nhối trong xã hội. Hậu quả gây ra cũng rất nặng nề, không kém gì tham nhũng lớn, gây bức xúc, làm xói mòn niềm tin của người dân, doanh nghiệp, các nhà đầu tư, cản trở việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và sự ổn định, phát triển bền vững của đất nước”, Phó Thủ tướng chỉ rõ.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nêu lên thực tế là tham nhũng vặt gây ra hậu quả, hệ quả không hề nhỏ. Đa số cán bộ công chức làm việc tốt, rất trung thực, có trách nhiệm, chỉ có một bộ phận hư hỏng gây ra tình hình này, nhưng bộ phận này lại không nhỏ, rải rác ở khắp nơi, nhiều lĩnh vực, ngành nghề, địa phương.
“Có người nói, đưa tiền thì họ mới làm, còn không đưa thì không làm, nhưng có người đưa rồi, xin rồi, nhận rồi nhưng không làm. Có thực trạng đó, có phải bôi trơn nhưng chưa trơn, chưa đủ hoặc là không làm được, giải quyết thì anh sẽ chết nhưng cứ nhận”, Phó Thủ tướng cho hay.
Theo Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải, nạn phong bao, phong bì, lót tay người dân khi thực hiện dịch vụ hành chính công, xin học cho con, khám chữa bệnh, làm sổ đỏ, thi bằng lái xe, khi vi phạm giao thông phải chung chi với lực lượng Cảnh sát giao thông… xảy ra hàng ngày, hàng giờ.
Tham nhũng lớn được xử lý rất mạnh, tạo được lòng tin trong người dân nhưng tham nhũng vặt lại làm xói mòn lòng tin đó. Chỉ thị số 10/CT-TTg ra đời, có thể nói là “gãi đúng chỗ ngứa của người dân”.
Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an thừa nhận, một bộ phận nhỏ cán bộ, chiến sĩ Công an đã có những biểu hiện suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, tha hóa, biến chất, làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh lực lượng Công an nhân dân. Các vi phạm chủ yếu xảy trong thời gian qua là vi phạm quy chế, quy trình công tác, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ vì mục đích vụ lợi.
Ngoài ra, có một cán bộ số vi phạm quy trình tuần tra, kiểm soát giao thông, có tiêu cực trong khi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát; vi phạm trong việc thẩm định, cấp giấy phép phòng cháy, chữa cháy; cấp hộ chiếu phổ thông.
Tình trạng nhũng nhiễu, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, có thời điểm gây bức xúc trong dư luận nhân dân, báo chí phản ánh, có trường hợp phải xử lý hình sự.
Nhấn mạnh đến việc chống tham nhũng trong lực lượng phòng, chống tham nhũng, dẫn ví dụ từ vụ thanh tra xây dựng nhận hối lộ ở Vĩnh Phúc mới đây, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho rằng "con sâu làm rầu nồi canh", phải thực hiện luân chuyển các vị trí công tác để ngăn chặn nguy cơ tham nhũng từ lớn đến vặt, rà soát kiểm tra, thanh tra việc luân chuyển để ngăn chặn hiện tượng này. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giám sát và giám sát của người dân trong phòng, chống tham nhũng vặt là rất quan trọng.
Thanh tra Chính phủ nên triển khai đường dây nóng ở các đơn vị, có người trực thường xuyên để lắng nghe phản ánh về vấn đề này. “Phải làm sao để không thể, không muốn, không dám tham nhũng. Ở đây, “không dám” thì rõ ràng phải có chế tài mạnh, xử lý răn đe một số trường hợp. “Không muốn”, phải làm sao cho đời sống của cán bộ được nâng lên về chế độ lương, đãi ngộ, chúng ta phải tinh giản biên chế làm sao vừa có đội ngũ giỏi làm việc, mà quỹ tiền lương cao để bảo đảm đời sống.
“Không thể”, hệ thống pháp luật phải chặt chẽ, hành lang pháp lý đầy đủ, không có sự chồng chéo, kẽ hở cho nạn tham nhũng vặt”, bà Nguyễn Thanh Hải nêu.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đưa ra 10 yêu cầu với các cấp, các ngành, trong đó nhấn mạnh khẩn trương tổ chức triển khai thực hiện các biện pháp, nội dung yêu cầu của Chỉ thị ở tất cả các cấp, các ngành một cách nghiêm túc, thực chất và đạt hiệu quả cao, góp phần ngăn chặn, xử lý có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.
Việc triển khai thực hiện Chỉ thị phải bảo đảm đồng bộ với việc triển khai thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, các chỉ đạo của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Gắn việc thực hiện Chỉ thị 10/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ với việc thực hiện tốt công tác dân vận và các nhiệm vụ của “Năm dân vận chính quyền” với phương châm: “Có dân, tham nhũng lớn cũng diệt được. Thiếu dân, “tham nhũng vặt” cũng dẹp không xong”.
Công bố kết luận thanh tra Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Thanh tra Chính phủ đã công bố Kết luận thanh tra về công tác quản lý nhà nước và thực hiện pháp luật trong quy hoạch, quản lý xây dựng, đất đai tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Thành phố Hồ Chí Minh.
Kết luận nêu rõ: Đến thời điểm thanh tra, Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã giải phóng mặt bằng trên 99%; công tác đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư cơ bản được thực hiện theo quy định; ký hợp đồng với một số nhà đầu tư dự án, chủ yếu theo hình thức BT như: 4 tuyến đường chính; Cầu Thủ Thiêm 2; Hạ tầng kỹ thuật Khu dân cư phía Bắc, hoàn thiện đường trục Bắc - Nam đoạn từ chân Cầu Thủ Thiêm 1 đến đường Mai Chí Thọ...
Cũng theo kết luận thanh tra, việc đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn mất cân đối vốn khoảng 8.734 tỷ đồng. Cụ thể, theo báo cáo của UBND Thành phố về đánh giá tổng quan cân đối vốn khi đầu tư Khu đô thị mới Thủ Thiêm và kết quả thanh tra, tổng chi phí phải trả là hơn 83.335 tỷ đồng (gồm chi phí đầu tư và lãi tiền tạm ứng từ ngân sách).
Tổng thu dự kiến đến nay là hơn 74.601 tỷ đồng (bao gồm giá trị 55 lô đất còn lại tạm tính theo giá thẩm định tại thời điểm năm 2016). Trách nhiệm liên quan đến các khuyết điểm, vi phạm nêu trên thuộc lãnh đạo UBND Thành phố và các sở, ngành như: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Ban Quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Căn cứ kết quả thanh tra, Tổng thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND Thành phố thu hồi, hoàn trả ngay khoản tiền đã tạm ứng từ ngân sách Nhà nước không đúng quy định đã đầu tư cho Khu đô thị mới Thủ Thiêm, đến 30/9/2018 là hơn 26.315 tỷ đồng; sớm có giải pháp huy động các nguồn vốn hợp pháp để trả nợ các khoản vay ngân hàng đã đầu tư cho Khu đô thị mới này là trên 4.286 tỷ đồng.
Thanh tra Chính phủ chuyển Kết luận thanh tra đến Ủy ban Kiểm tra Trung ương để xem xét, xử lý theo thẩm quyền đối với các tổ chức, cá nhân thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý có liên quan đến khuyết điểm, vi phạm được nêu trong Kết luận.
"Trong quá trình xử lý về trách nhiệm và kinh tế sau thanh tra, nếu không khắc phục được hoặc khắc phục không triệt để các vi phạm về kinh tế gây thiệt hại tài sản nhà nước trước ngày 31/12 thì chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật", Kết luận thanh tra nêu rõ.