Nhân viên môi trường thị xã Phúc Yên phun thuốc khử mùi trước khi tiến hành chôn lấp. Ảnh: baovinhphuc.com.vn |
Mỗi ngày, khu vực nông thôn trên địa bàn Vĩnh Phúc thải ra môi trường khoảng 590 tấn rác nhưng khả năng thu gom, xử lý ở khu vực này mới đạt khoảng 69% và chủ yếu theo phương thức chôn lấp.
Nhiều địa phương như: Xã Hợp Châu, huyện Tam Đảo; xã Bồ Sao, huyện Vĩnh Tường; xã Quất Lưu, huyện Bình Xuyên; xã Ngọc Thanh, Tiền Châu, Nam Viêm, thị xã Phúc Yên... chưa có bãi rác thải tạm thời nên phải tập kết về điểm trung chuyển, sau đó thuê các công ty môi trường đô thị vận chuyển đến bãi rác ở thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên để xử lý.
Nguồn nước thải từ sinh hoạt, nước thải do chế biến nông sản thực phẩm, từ sản xuất kinh doanh tiểu thủ công nghiệp... trên địa bàn Vĩnh Phúc cũng ô nhiễm nặng và mức độ ngày càng tăng mạnh.
Do điều kiện kinh tế phát triển, mức sống của người dân vùng nông thôn đang dần được nâng lên, nhu cầu sử dụng nước sinh hoạt và phục vụ các nhu cầu khác mỗi năm đều tăng lên. Tuy nhiên, công tác thu gom, xử lý nói chung ở nhiều địa bàn còn yếu kém, hoặc xử lý mang tính hình thức để đối phó với ngành chức năng, khiến cho các loại chất thải thải ra môi trường ngày càng lớn, gây ô nhiễm trên diện rộng. Vì thế các côn trùng, vi sinh vật phân hủy gây mùi hôi thối, vi sinh vật gây bệnh phát triển gây ô nhiễm nguồn nước, lây lan phát tán dịch bệnh là không thể tránh khỏi.
Nhiều người dân Vĩnh Phúc cho biết, cách đây hơn 10 năm nhiều đầm, ao, sông, ngòi, kênh... trên địa bàn tỉnh có làn nước trong xanh và nguồn lợi thủy sản phong phú đa dạng. Ở đâu người ta cũng có thể bơi lội, tắm giặt được.
Đến nay hầu hết những nơi kể trên đã bị ô nhiễm nặng vì các loại rác thải, nước thải mọi nơi dồn về... Điển hình là Đầm Vạc trước đây rộng 500 ha - nơi được coi là một biểu tượng của thành phố Vĩnh Yên, trước đây có cảnh quan thiên nhiên thật đẹp, nguồn nước trong xanh quanh năm cung cấp nước sản xuất nông nghiệp cho nhiều xã phường. Đầm Vạc đang ô nhiễm nghiêm trọng, đặc biệt bị nhiều đối tượng xâm lấn để xây dựng nhà hàng, nhà nghỉ, biệt thự... và bị chia cắt làm nhiều khu để khoanh nuôi thủy sản, phá vỡ sự liên thông, làm mất khả năng tự làm sạch của đầm này.
Sông Phan bắt nguồn từ sườn nam dãy núi Tam Đảo, chảy qua 24 xã thuộc các huyện Tam Đảo, Tam Dương, Vĩnh Tường, Vĩnh Yên, Bình Xuyên của tỉnh Vĩnh Phúc, do tình trạng xâm lấn sông làm nhà ở và chiếm dụng mặt nước đang làm sông Phan “chết dần”.
Ước tính bình quân mỗi ngày có gần 20.000m3 nước thải sinh hoạt của hơn 210.000 hộ dân trong lưu vực, 4.000 m3 nước thải của các khu, cụm công nghiệp chưa qua xử lý, hơn 21.000 m3 nước thải từ chăn nuôi trâu bò, lợn, gà, vịt và hàng trăm tấn rác thải đổ trực tiếp lấp chặn dòng sông Phan. Các chỉ số ô nhiễm của dòng sông này vượt chuẩn cho phép nhiều lần.
Bên cạnh cá đầm hồ, sông ngòi... bị ô nhiễm do rác thải, nước thải thì gần các tuyến đường quốc lộ, tình trạng đổ các loại chất thải với lượng lớn cũng khiến người dân bức xúc. Từ nhiều năm nay, tại chân cầu Thượng Lạp, trên quốc lộ 2, đoạn qua địa phận 2 xã Tân Tiến và Yên Lập (huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc) hai bên lề quốc lộ bị biến thành nơi chứa rác của thiều thôn xóm. Ở đây có nhiều lúc lượng rác thải quá nhiều, gây ra tình trạng ứ đọng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và khiến người dân, một số doanh nghiệp liên tục phản đối.
Để nâng cao nhận thức của người dân về công tác quản lý chất thải rắn sinh hoạt nói riêng và công tác bảo vệ môi trường nói chung, thời gian qua, Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Vĩnh phúc đã tuyên truyền, vận động đông đảo người dân tham gia hưởng ứng bảo vệ môi trường nhân các sự kiện như: Giờ trái đất; Ngày Đa dạng sinh học; Tuần lễ Quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường và Ngày Môi trường thế giới; Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn...
Các cơ quan chức năng của tỉnh tích cực phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội triển khai các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên cho các cán bộ, hội viên, người dân... thông qua các buổi tập huấn, ra quân vệ sinh môi trường, hội thi về bảo vệ môi trường, xây dựng các mô hình cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường...
Hiện nay, các xã, thị trấn đều thành lập được hợp tác xã và tổ dịch vụ vệ sinh môi trường để thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải. Tuy nhiên, việc thu gom rác thải mới chỉ thực hiện được tại những khu vực tập trung đông dân cư với tần suất khoảng 2 - 4 ngày/lần, tỷ lệ thu gom chỉ đạt được khoảng 69%, biện pháp xử lý chủ yếu là đốt hoặc chôn lấp thông thường nên chưa đảm bảo vệ sinh môi trường.
Thời gian qua, Vĩnh Phúc thực hiện triển khai lắp đặt các lò đốt rác thải sinh hoạt quy mô cấp xã và đã bàn giao cho các địa phương khai thác, vận hành bước đầu cho thấy, hiệu quả xử lý rác thải cao hơn so với biện pháp chôn lấp.
Tuy nhiên, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc dừng triển khai các lò đốt rác thải sinh hoạt có quy mô nhỏ, hiện nay ngành chức năng đang phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu cho UBND tỉnh triển khai dự án đầu tư nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tập trung, sử dụng công nghệ đốt theo hình thức xã hội hóa để giải quyết triệt để vấn đề rác thải sinh hoạt của tỉnh. Song, quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn về địa điểm, cơ chế ưu đãi, hỗ trợ đầu tư, đơn giá xử lý...